Các diễn giả tham gia thảo luận về giải pháp tài chính cho điện gió.
Phát triển điện gió đang là xu hướng của các nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển như Việt Nam nhằm giảm những tác động từ những nguồn điện hóa thạch, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Bà Liming Qiao - Giám đốc KV châu Á GWEC cho biết, hội thảo sẽ cập nhật xu thế toàn cầu và triển vọng của hoạt động cung cấp vốn cho các dự án điện gió; phân tích tiềm năng và thực trạng cũng như những khó khăn của ngành điện gió trên thế giới và tại Việt Nam. Đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển điện gió và cung cấp các giải pháp tìm nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Theo ông Ashish Sethia – Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á Thái Bình Dương Tập đoàn tài chính năng lượng mới Bloomberg, điện năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc về công nghệ và đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh. Nếu như trước đây phải mất 20 năm mới phát triển được 1 MW điện gió thì hiện nay chỉ khoảng 5 năm. Điều này sẽ giúp chi phí phát triển điện gió, điện mặt trời ngày càng giảm, có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng sơ cấp khác như khí, than. Tương lai chi phí đầu tư cho điện năng lượng tái tạo có thể còn giảm nữa.
Với tốc độ tăng trưởng cao và sự ưu việt, nguồn vốn đầu tư cho điện năng lượng tái tạo lúc nào cũng sẵn sàng khoảng 60 tỷ USD riêng khu vực châu Á (trừ Trung Quốc).
Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng về gió rất lớn nhất là từ Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam. Chính phủ cũng đặt ra nhiều tham vọng nâng công suất điện gió đến năm 2020 là 800 MW, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Trên cơ sở này, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam).
Hội thảo thu hút nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp
Về cơ chế giá, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (tương đương 8,5 Uscents/kWh); dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 Uscents/kWh) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là khá hấp dẫn.
Mặc dù vậy nhưng theo thống kê gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tính đến hết 31/5/2019, 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW và các nhà máy điện gió đã phát trong tháng 5 là 14,5 triệu kWh.
Ngoài những khó khăn trong phát triển điện gió như hạ tầng lưới điện, một số yếu tố kỹ thuật, sự phụ thuộc vào thời tiết...thì vấn đề tài chính luôn là mối quan tâm của doanh nghiệp.
Để phát triển điện gió tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có sự ổn định về chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ, đặc biệt là sự vào cuộc của các định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, còn có các hoạt động tập huấn về các mô hình tài chính, đánh giá rủi ro cho các dự án điện gió. Theo đó đề cập chi tiết đến việc phân tích về tài chính và dòng tiền mặt cho các dự án điện gió, thiết lập mô hình tài chính...Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ đề cập đến nội dung phát triển ngành điện gió ngoài khơi, khuyến nghị các chính sách, hạ tầng, công nghệ, nhân lực...để thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam.