Tin thế giới

Vai trò của Trung Quốc trong sản xuất pin mặt trời

Thứ hai, 3/6/2019 | 09:03 GMT+7
Theo dữ liệu mới được công bố bởi Cơ quan Năng lượng tái tạo (NLTT) quốc tế (IRENA), NLTT tiếp tục tăng trưởng 7,9%, tương đương 171GW năm 2018; trong đó, năng lượng mặt trời và gió chiếm 84% mức tăng trưởng.
 

Trung Quốc tập trung chiến lược phát triển an ninh năng lượng tái tạo.
 
Tổng công suất NLTT trên toàn cầu đạt 2.351GW vào cuối năm 2018, chiếm khoảng một phần ba tổng công suất điện lắp đặt. Thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất với công suất lắp đặt 1 172GW.
 
Năng lượng gió và mặt trời chiếm phần lớn số còn lại với công suất lần lượt 564GW và 480GW.
 
Các nguồn NLTT khác bao gồm 121GW từ năng lượng sinh học, 13GW từ năng lượng địa nhiệt và 500MW năng lượng biển (thủy triều, sóng và năng lượng đại dương).
 
Vai trò của NLTT ngày càng gia tăng, hiện đóng góp 1/3 sản lượng điện toàn cầu trong năm 2018.
 
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, NLTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế nhờ những đặc tính ưu việt như chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, sức khỏe và là một điều kiện quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Do đó, sản xuất NLTT là ưu tiên lớn của nhiều nước trên thế giới.
 
IRENA cũng cho rằng, sự chuyển đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu được thúc đẩy bởi NLTT có thể làm giảm căng thẳng địa chính trị liên quan đến dầu mỏ và sẽ thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia.
 
Sự chuyển đổi này cũng có thể giảm thiểu những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường vốn là một trong những nguyên nhân gốc rễ của sự bất ổn địa chính trị và xung đột.
 
Năm 2019, sản lượng NLTT sẽ tăng trưởng ở tất cả các khu vực trên thế giới, mặc dù ở tốc độ khác nhau. Châu Á chiếm 61% tổng số lắp đặt NLTT mới và công suất tăng 11,4%.
 
Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đạt được ở châu Đại dương (đã tăng 17,7% trong năm 2018). Châu Phi với nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời rất lớn, đứng vị trí thứ ba, sau châu Á.
 
Thủy điện: Tăng trưởng thủy điện tiếp tục chậm lại trong năm 2018, chỉ có Trung Quốc bổ sung một lượng công suất mới đáng kể trong năm 2018 (+8,5 GW).
 
Năng lượng gió: Công suất năng lượng gió toàn cầu tăng 49GW vào năm 2018. Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc mở rộng năng lượng gió, với mức tăng lần lượt là 20GW và 7GW.
 
Các quốc gia khác mở rộng hơn 1 GW là: Brazil, Pháp Đức, Ấn Độ và Vương quốc Anh.
 
Năng lượng sinh học: Ba quốc gia chiếm hơn một nửa mức mở rộng công suất năng lượng sinh học trong năm 2018 là Trung Quốc với mức tăng công suất 2GW, Ấn Độ thêm 700MW và Vương quốc Anh thêm 900MW.
 
Năng lượng mặt trời: Công suất năng lượng mặt trời tăng 94GW vào năm 2018 (tăng 24%). Châu Á tiếp tục có mức tăng trưởng lớn nhất (64GW, chiếm khoảng 70% mức mở rộng toàn cầu năm 2018).
 
Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm phần lớn mức tăng trưởng công suất. Một số nước cũng có mức tăng trưởng năng lượng mặt trời khả quan là Hoa Kỳ (+8,4GW), Úc (+3,8GW) và Đức (+3,6GW).
 
Các quốc gia khác có sự mở rộng đáng kể trong năm 2018 bao gồm: Brazil, Ai Cập, Pakistan, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
 
Năng lượng địa nhiệt: Năng lượng địa nhiệt tăng 539MW trong năm 2018, với phần lớn việc mở rộng diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ (+219MW) và Indonesia (+137MW), tiếp theo là Hoa Kỳ, Mexico và New Zealand.
 
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc, đến cuối năm 2018, công suất NLTT của Trung Quốc đã đạt 728GW, tăng 12% so với năm trước đó.
 
Cụ thể, thủy điện đạt 352GW (tăng 2,5%), năng lượng gió đạt 184GW (tăng 12,4%), quang điện (PV) 174GW (tăng 34%) và năng lượng sinh khối 17,8GW (tăng 20,7%).
 
NLTT chiếm 38,3% tổng công suất năng lượng của Trung Quốc, tăng 1,7 điểm phần trăm.
 
Năm 2019, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược mới tập trung vào an ninh NLTT. Với mục tiêu tạo ra 15% năng lượng từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2020 và 20% vào năm 2030, quốc gia này có kế hoạch thực hiện các biện pháp chủ động để tiếp tục mở rộng các cơ sở có thể cung cấp NLTT chất lượng cao. Đồng thời, giữ vị trí dẫn đầu về NLTT và hiện là nhà sản xuất, xuất khẩu, lắp đặt các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin và xe điện lớn nhất thế giới.
 
Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi Trung Quốc đang dẫn đầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này với hơn 150.000 bằng sáng chế về NLTT tính đến năm 2016, chiếm 29% tổng số toàn cầu.
 
Đứng thứ hai là Hoa Kỳ, nơi có hơn 100.000 bằng sáng chế, tiếp theo là Nhật Bản và EU với mức tương đương nhau là 75.000 bằng sáng chế.
 
Tháng 11/2017, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch 10 năm để phát triển ngành công nghiệp lưu trữ năng lượng lưới điện có quy mô lớn của riêng mình. Đây là một phần quan trọng của chiến lược sản xuất pin cho xe điện; đồng thời, bổ sung nguồn điện mới vào lưới điện quốc gia của Trung Quốc – cụ thể là tích hợp một lượng lớn năng lượng gió và mặt trời được chế tạo ở các vùng phía Tây xa xôi cho các đô thị phía đông Trung Quốc.
 
Trong 5 năm tới, một số dự án sản xuất pin năng lượng điện mặt trời quy mô lớn hơn bổ sung vào lưới điện quốc gia dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động.
 
Khoảng 65% công suất lắp đặt của Trung Quốc năm 2018 được phát triển bởi Tập đoàn Điện nhà nước Trung Quốc, cho thấy mức độ quan tâm của Chính phủ nước này đối với sản xuất năng lượng điện tái tạo. Năm 2017, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 945 triệu tấm pin năng lượng mặt trời.
 
Các công ty Trung Quốc như CATL và Build Your Dreams (BYD) đang lên kế hoạch cho các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời siêu lớn, với công suất gấp 3 lần mức trung bình trên thế giới.
 
Đến nay, CATL đã chiếm lĩnh 19% thị trường toàn cầu. Cách tiếp cận theo hướng mở rộng liên minh với các nhà sản xuất ôtô điện như SAIC và Dongfeng Motor, để tạo đầu ra ổn định cho pin năng lượng mặt trời.
 
Đây cũng là một phần của chương trình “Made in China 2025”, với mục đích tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu cốt lõi lên 40% vào năm 2020 và sau đó lên 70% vào năm 2025…
 
Trung Quốc thậm chí đã thể hiện tham vọng đưa các trang trại năng lượng mặt trời ra ngoài không gian để tối ưu hóa công suất và nguồn lực.
 
Những bước tiến mạnh và đầy quyết tâm của họ cho thấy, Trung Quốc rõ ràng đang muốn phát triển ngành năng lượng để cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới.

Trước bước đi ráo riết của Trung Quốc, những quốc gia cung cấp năng lượng hóa thạch truyền thống, đặc biệt là các thành viên của OPEC, đều nhận thấy rủi ro của sự tụt hậu nếu không kịp đổi mới.
 
Một số đã bắt đầu đầu tư đáng kể vào NLTT trong những năm gần đây. Ví dụ, UAE đã phát triển các công viên năng lượng mặt trời rộng lớn và Ả Rập Saudi gần đây đã tiết lộ kế hoạch phát triển 59GW NLTT vào năm 2030.
 
Mặc dù đã khởi động nhiều chương trình đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt là các chính phủ ở vùng Vịnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phá vỡ sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
 
Như vậy, có thể thấy, lợi thế sẽ thuộc về những nước thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang NLTT giữ vai trò chủ đạo, nhưng điều đó không được quyết định bởi các thuận lợi tự nhiên mà chỉ đạt được khi có những chính sách và chiến lược đúng đắn.
Theo: Con người và thiên nhien