Tôi đi trả tiền điện vào ngày nghỉ cuối tuần nên khách hàng rất đông. Cô thu ngân đã mệt, nên kiệm lời. Thay vì những lời chào hỏi thì cô lại thể hiện bằng ánh mắt thân thiện và nụ cười. Đôi tay cô thoăn thoắt đếm tiền, gửi trả biên lai không để khách hàng phải chờ đợi. Đến lượt tôi, cô nhận ra người quen, mỉm cười và chỉ một chốc là xong việc. Nộp xong tiền điện, ai nấy đều mang theo ấn tượng tốt đẹp về cô thu ngân duyên dáng, chịu khó.
Nhà tôi bị mất điện, bụng bảo dạ để sáng mai rồi tính. Trời đã sẩm tối, không hy vọng được ai giúp đỡ. Nhưng ngột ngạt quá! Ông xã nhà tôi bèn nhấc điện gọi đến tổ trực xử lý sự cố của chi nhánh điện. Tôi nghĩ gọi cho có, chứ khó có thợ đến giờ này, Không ngờ, một lúc sau có thợ điện đến, làm một lúc thì điện trong nhà sáng trưng. Cảm ơn rối rít, và bồi dưỡng vài đồng gọi là công tác “ngoài giờ” nhưng anh không nhận. Hành động của anh khiến tôi nghĩ lại câu nói của một người bạn nào đó: Thời buổi này làm gì có “mình vì mọi người”? Nhớ lại, trận mưa đầu mùa vừa qua, giông gió ầm ầm, sét đánh làm hỏng lưới điện trên một tuyến phố của thị xã Tam Kỳ. Điện tắt ngấm, mọi hoạt động của người dân trong khu vực đều ngừng trệ. Ngay lập tức, các anh công nhân của tổ lưới có mặt tại hiện trường và bắt tay ngay vào việc sửa chữa lưới dưới cơn mưa lớn, sấm chớp đì đùng đến rợn người. Nhiều người dân ra đứng dưới hiên nhà nhìn xem các anh làm việc. Chỉ qua ánh mắt cũng đủ thấy sự thương cảm, nể phục của mọi người đối với các anh thợ điện.
Người dân quê tôi thường nói “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, vậy mà chúng tôi đã nhiều lần thấy cánh thợ điện vừa ăn cơm nằm, vừa ăn cơm đứng ngay tại hiện trường thi công lưới điện để kịp hoàn thành đóng điện phục vụ nhân dân đón Tết. Ngay tại phòng Điều độ và các chi nhánh, các kỹ sư và công nhân phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm bảo đảm cho lưới điện được an toàn, dòng điện được thông suốt. Hình ảnh các anh công nhân điện trong màu áo da cam, giữa buổi trưa hè nắng như đổ lửa xuống đầu vẫn còn bám vào những chiếc cột điện nóng bỏng hay ướt sũng, run rẩy chở trụ, kéo dây qua sông giữa những cơn mưa tầm tã đã trở nên quen thuộc với mọi người. Năm hết, Tết đến, trong khi mọi người náo nức ra về sum họp gia đình thì tôi lại gặp những anh công nhân điện đang ghi chép tại trạm biến áp và đi dọc tuyến đường dây để kiểm tra hành lang tuyến.
Phải chăng những lời nói và việc làm bình thường hằng ngày của người thợ điện đã được nâng lên thành hành vi văn hóa trong văn hoá kinh doanh của Điện lực Quảng Nam?...
Đến những hành vi lạc điệu giữa đời thường
Giữa thời buổi khó khăn, Điện lực Quảng Nam tất nhiên phải tốn kém nhiều hơn để ổn định sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực. Chi phí nhiều, đã đành, nhưng quan trọng hơn, cái tâm, cái tình cũng được quan tâm đúng mức và cố gắng nâng lên về chất. Người tiêu dùng điện chúng tôi hết sức kỳ vọng Điện lực sẽ tổ chức thực hiện thành công văn hoá doanh nghiệp, được xem như là một “thông điệp” của thị trường cạnh tranh điện lực. Điều đó không chỉ nâng cấp thương hiệu mà còn tạo dựng quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa Điện lực với khách hàng. Tuy nhiên, là khách hàng thân thiện lâu đời và là người đã từng nhiều năm gắn bó công việc với Điện lực, đôi khi chứng kiến những hành vi lạc điệu, thiếu bản ngã của một số người, gây ái ngại không ít. Trên xe công vụ đưa đón CNVC, thường có vài người lớn tuổi đi muộn. Hết chỗ ngồi, có người phải ngồi bệt xuống sàn xe hay ngồi “ké” vào thành ghế đã chật người. Đã nhiều lần diễn ra cảnh tượng này nhưng chẳng thấy có bạn trẻ nào nhường chỗ. Tại nhà để xe máy, ngổn ngang chẳng theo thứ tự nào cả, người đến trước cứ “thoải mái” dựng xe choáng chỗ, khiến người tới sau phải ra tay sắp xếp lại thì mới đưa được xe vào. Một tờ giấy bẩn rơi vãi trước sảnh hoặc trên lối đi, chẳng mấy ai nhặt cho vào giỏ rác. Đồng nghiệp gặp nhau đầu tuần, trên hành lang, trên lối đi thường ít chào hỏi nhau, nhưng khi vào phòng họp hoặc ngồi trong lớp học lại nói chuyện lung tung, ồn ào khiến diễn giả, chủ trì và cử toạ rất bực mình. Khách hàng đến giao dịch, rất ít được chào hỏi giải thích cặn kẻ. Một anh bảo vệ say rượu to tiếng trước cổng cơ quan, nặng lời xô đẩy khách hàng; một đêm văn nghệ “cây nhà là vườn” rất ít người đến động viên; một trận bóng giao hữu với các đơn vị bạn không người cỗ vũ; một cuộc họp, điện thoại di động réo vang, chủ nhân ngồi tại chỗ bật máy nghe và nói chuyện át cả tiếng của người đang phát biểu... Và còn nhiều nữa những hành vi lạc điệu, lạc lõng trong môi trường văn hoá doanh nghiệp, tuy không nhiều không lớn nhưng rất phản cảm, gây hại đến uy tín Điện lực và uy tín cá nhân song ít người quan tâm sửa chữa.
Để văn hoá doanh nghiệp thực sự trở thành động lực!
Có xem cuốn cẩm nang Văn hoá doanh nghiệp của Điện lực thì mới thấy những nội dung đó không phải là một thứ gì trừu tượng, khó thực hiện mà là những công việc hằng ngày hết sức cụ thể, cả những hành vi đạo đức thường nhật mà chúng ta ai cũng đã được giáo dục từ thuở nhỏ.
Các nhà kinh tế đã kiểm chứng rằng, trong cùng một điều kiện bán hàng, nhân viên nào vui vẻ, biết cách nói làm vừa lòng khách hàng và hết lòng vì công việc thì sẽ bán được nhiều hàng và gặt hái được nhiều thành công hơn. Để biết cách nói vừa lòng khách hàng thì phải “học nói”. Người xưa dạy “học ăn - học nói - học gói - học mở” thì học nói là khó nhất, bởi tiếng nói thể hiện bản chất “con người”. Có người ít nói, người nói nhiều, người nói hay, người nói dở, người nói tiếng to, người tiếng nhỏ, dù thế nào đi nữa thì cũng phải “học nói” cả đời. Muốn lời nói có trọng lượng, thì trước hết phải biết nghe, biết nghĩ và biết làm. Văn hoá doanh nghiệp Điện lực Quảng Nam nhằm xây dựng những người lao động theo chuẩn mực cụ thể trong giao tiếp và việc làm.
Việc tạo ra mối quan hệ đoàn kết, thống nhất và tình cảm gắn bó giữa các cá thể trong đơn vị là mục đích hướng tới của văn hoá doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng việc hâm nóng bầu không khí tình cảm này không phải là điều khó. Những buổi họp nghiêm nghị và căng thẳng ít mang lại kết quả hơn là cuộc trao đổi, giao việc có sự phản biện của nhân viên trước lãnh đạo. Khi đó sẽ dễ tìm được tiếng nói chung và bình đẳng.