Sở Công thương kiểm tra công trình xây dựng dưới hành lang lưới điện trên địa bàn TP. Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC
Hệ quả của các sự cố điện là các hoạt động sản xuất và sinh hoạt liên quan đến điện bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, sự cố điện còn gây nguy hiểm cho con người.
Gia tăng vi phạm
Thời gian qua, công tác đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được các ngành, địa phương và ngành điện lực quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn những sự cố đáng tiếc về điện.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Đỗ Hữu Hoàng cho biết, vi phạm HLLĐ đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2021 xảy ra 13 vụ, năm 2022 xảy ra 19 vụ và quý I-2023 xảy ra 9 vụ. Nguyên nhân theo ông Hoàng, người dân chặt cây vướng vào đường dây, thi công công trình không đảm bảo khoảng cách an toàn, vật thể bay (mái tôn, thải diều, cành cây)... Ngoài ra, trong quá trình quản lý vận hành lưới điện cũng xảy ra các sự cố khách quan do người dân đốt rác, cỏ.
Một số vụ việc gần đây như: thi công san lấp nền dự án Sân bay Long Thành đã lấp luôn trụ điện trung thế và dây dẫn khiến hơn 70 hộ dân mất điện ngày 12 và 13-2-2023; liên tiếp 2 vụ cháy ngày 16-2 và ngày 25-2-2023 tại TP. Biên Hòa làm hơn 300 khách hàng bị mất điện.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Vỹ, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 - Truyền tải điện miền Đông 1 cho biết, quá trình vận hành các công trình điện cao áp trên địa bàn Đồng Nai có xảy ra vi phạm an toàn HLLĐ. Mặc dù chưa gây sự cố nghiêm trọng nhưng ít nhiều đe dọa đến đến an toàn vận hành.
“Tính đến cuối tháng 3-2023, chúng tôi ghi nhận 16 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Trong đó, có trường hợp vi phạm từ lúc xây dựng đường dây, có trường hợp vi phạm trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, còn có các vi phạm khác như: trộm cắp thiết bị, xây dựng công trình dưới hành lang 220kV nhưng không xin phép” - ông Vỹ thông tin.
Vi phạm HLLĐ là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, đứt dây, phóng điện. Vấn đề này đã được cảnh báo nhiều lần song các vi phạm vẫn tái diễn.
Báo cáo của Sở Công thương, trong tháng 3-2023, Sở đã phối hợp với 3 địa phương: Biên Hòa, Vĩnh Cửu và Trảng Bom đi kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra ghi nhận có nhà, công trình xây dựng trong phạm vi HLLĐ. Đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị quản lý vận hành ghi nhận hiện trạng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tránh phát sinh vi phạm mới, tuyên truyền để người dân sinh sống ở các công trình này có giải pháp đảm bảo an toàn.
Tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện
Đồng Nai có nhu cầu lớn về điện. Tỉnh lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên hầu hết các công trình điện cao áp đều đi qua địa bàn. Để đảm bảo an toàn HLLĐ và quản lý vận hành các đường dây, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và điều hành cung cấp điện tỉnh Đồng Nai. Mục đích là để hạn chế thấp nhất vi phạm, đảm bảo an toàn cho vận hành, cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương, Trưởng ban Chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và điều hành cung cấp điện tỉnh Đồng Nai cho biết, 2 năm trước, vì dịch bệnh Covid-19, Ban chỉ đạo chưa có nhiều hoạt động. Vừa qua, Ban chỉ đạo đã họp đánh giá kết quả, ban hành quy chế, kiện toàn nhân sự, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động.
Còn về phương diện quản lý nhà nước, Sở Công thương đề nghị các đơn vị điện lực theo dõi chặt chẽ, tuyên truyền các nguy cơ tai nạn điện do vi phạm HLLĐ. Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình cấp phép xây dựng công trình có liên quan đến lưới điện phải thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành lưới điện xử lý triệt để các trường hợp vi phạm liên quan đất đai, xây dựng.
Theo các đơn vị quản lý, vận hành điện, khó khăn trong công tác quản lý là ngày càng nhiều khu dân cư, nhà ở, công trình xây dựng gần hoặc liên quan đến đường dây điện nhưng chủ đầu tư không thỏa thuận biện pháp an toàn thi công. Do đó, điện lực kiến nghị các sở, ngành, địa phương trước khi cấp phép xây dựng nhà ở, công trình trong HLLĐ yêu cầu chủ công trình có văn bản thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện theo quy định. Phối hợp với điện lực giải quyết khi có sự cố phát sinh.
Thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 đường dây 500kV, chiều dài khoảng 670km; 2 hướng tuyến đường dây 220kV với tổng chiều dài khoảng 730km; 62 tuyến đường dây 110kV, chiều dài 650km.
Link gốc