Bí thư Thứ nhất Hoàng Lê Hằng - Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen) phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia.
Mở rộng cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp, năng lượng
Ngày 19/7, tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tổ chức tại Italia, bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã có những chia sẻ những tiềm năng, cơ hội hợp tác với Vương quốc Anh về công nghiệp, năng lượng, kinh tế xanh, giảm phát thải Việt Nam – Anh.
Bà Hoàng Lê Hằng cho biết, thời gian qua, có nhiều cơ hội để Việt Nam Việt Nam xem xét tiếp cận và hợp tác phát triển với Vương quốc Anh về lĩnh vực công nghiệp, năng lượng.
Về chính sách năng lượng, Vương quốc Anh là thị trường gió ngoài khơi (OSW) lớn thứ hai trên thế giới. Anh hiện có 13,9 GW điện gió ngoài khơi đã được vận hành hoàn chỉnh, tăng gấp 4 lần công suất lắp đặt vào năm 2012. Ngoài ra còn có tổng công suất dự án khoảng 77 GW trên 80 dự án đang được xây dựng, đã được phê duyệt, đang phát triển.
Ngày 30/03/2023, Bộ trưởng Bộ An ninh năng lượng và Net Zero Grant Shapps công bố Kế hoạch tăng tốc đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh, gọi tắt là Kế hoạch tăng tốc năng lượng Anh quốc "Powering up Britain". Đây là một Kế hoạch đầy tham vọng của Chinh phủ Anh nhằm đạt được 4 mục tiêu sau: An ninh năng lượng; an ninh tiêu dùng; an ninh khí hậu; an ninh kinh tế.
Theo đó, Kế hoạch Powering up Britain gồm 12 giải pháp tạo nguồn năng lượng sạch, gồm: Xây dựng 8 dự án thu hồi và lưu trữ carbon (CCUS) tại vùng Đông Bắc và Tây Bắc; xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ nhằm tăng sản lượng điện hạt nhân từ mức 15% hiện nay lên 25% tổng sản lượng điện sản xuất trong nước vào năm 2050; vận hành một nền kinh tế sử dụng khí đốt hydrogen; tăng tốc triển khai các dự án năng lượng tái tạo; giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tại các hộ gia đình và doanh nghiệp; giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho việc sưởi ấm; giảm hóa đơn tiền điện; tăng tốc quy trình lập dự án, cấp phép và thực hiện các dự án phát triển hạ tầng năng lượng sử dụng công nghệ carbon thấp hiện đại nhất như điện mặt trời và điện gió, xanh hóa nền kinh tế và thu hút các nguồn tài chính cho năng lượng xanh; phi carbon hóa ngành vận tải; huy động đầu tư tư nhân; tăng cường xuất khẩu và tăng cường thể chế; giải quyết vấn đề rò rỉ carbon tương lai.
Về chính sách giảm phát thải, Vương quốc Anh coi phát thải Net zero không chỉ là mục tiêu cần thiết để bảo vệ tương lai của hành tinh chúng ta mà còn là một cơ hội tuyệt vời phát triển kinh tế đất nước. Từ năm 1990 đến năm 2021, Vương quốc Anh đã cắt giảm 48% lượng khí thải, khử cacbon nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong G7.
Tháng 12/2023, Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero đã đưa ra lộ trình tiến đến khí thải về 0 của Anh như sau: Tất cả lượng khí thải của Vương quốc Anh đạt mức 0 ròng vào năm 2050; Giám sát và báo cáo lượng phát thải của khu vực công và chính phủ là công cụ giúp Vương quốc; Anh đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng để đáp ứng các cam kết về khí hậu.
Tham tán Thương mại Hoàng Lê Hằng cũng cho biết, CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) của Vương quốc Anh là một bước quan trọng hướng tới đạt được các mục tiêu khử cacbon của Vương quốc Anh và chống biến đổi khí hậu. CBAM đặt ra một giới hạn về lượng carbon mà các sản phẩm phải tuân thủ để được phép nhập khẩu vào Anh/EU. Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của Anh, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện hành tại thị trường xuất khẩu (Anh). Thuế Cacbon sẽ được áp dụng ở Anh từ năm 2027.
Triển vọng hợp tác năng lượng, giảm phát thải Việt Nam - Anh
Theo Bí thư Thứ nhất Hoàng Lê Hằng, Anh là nước phát triển hàng đầu về năng lượng sạch trên thế giới, nên Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ Anh cũng như các quốc gia phát triển về chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Theo đó, Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa mục tiêu Net-zero (giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể) vào luật và cam kết giảm 100% khí thải nhà kính vào năm 2050. Ngành năng lượng sạch của Anh vẫn phát triển trong bối cảnh nhiều nước châu Âu gặp khó khăn. Trong năm 2022, mặc dù điện khí vẫn đứng đầu với tỷ lệ 38.5% tổng sản lượng điện năng của Anh, điện gió đã xác lập kỷ lục mới, cung cấp khoảng 27% và đứng ở vị trí thứ hai trong khi năng lượng hạt nhân đứng thứ 3, chiếm 15.5%. Anh chủ trương phát triển các loại năng lượng sạch để đảm bảo nguồn cung năng lượng và để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng, Việt Nam có thể hợp tác với Anh để đào tạo nguồn nhân lực ngành năng lượng sạch vì Anh là quốc qia có những trường đại học hàng đầu về ngành này. Đồng thời, Việt Nam có thể học hỏi Anh cách thu hút đầu tư từ các ông lớn trong ngành và xây dựng phát triển hệ thống chuỗi công nghiệp và phụ trợ cho phát triển ngành năng lượng tái tạo sẵn sàng cho cuộc chuyển dịch năng lượng.
Giống như Anh, Việt Nam cũng có nền công nghiệp dầu khí phát triển vững chắc trong nhiều thập niên qua nhưng sẽ đối mặt với sự suy giảm trữ lượng dầu khí trong tương lai, trong khi nhu cầu về năng lượng sẽ tăng cao để phát triển nền kinh tế. Việc phát triển năng lượng sạch sẽ là thách thức cũng như cơ hội lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bí thư thứ nhất Hoàng Lê Hằng cũng cho biết, Anh và nhóm các nước còn lại trong G7 đã thông qua tuyên bố JETP "Just Energy Transition Partnership - "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" đầu tiên tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26) ở Glasgow, Anh vào năm 2021, trong đó sẽ hỗ trợ Việt Nam và một số quốc gia khác (India, Indonesia, Nam Phi..) chuyển đổi năng lượng công bằng. Tham gia tuyên bố, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, có 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại.
Ngoài ra, Liên minh tài chính Glasgow (UK) vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
"Việc triển khai tích cực, hiệu quả Tuyên bố JETP là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam. Thông qua JETP, Việt Nam sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện. Cùng với đó, Việt Nam có thêm động lực phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo", bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư Thứ nhất thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ai-len khẳng định.
Link gốc