Diễn đàn năng lượng

Diễn đàn VBF: Tập trung vào các giải pháp chuyển dịch năng lượng của Việt Nam

Thứ ba, 21/11/2023 | 16:19 GMT+7
Sáng 21/11, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến, sự kiện của Nhóm công tác về Điện và năng lượng, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).


Ảnh minh họa.

Theo đó, năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ 5 năm, và cũng là năm ngành Điện và năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, cũng như phản ánh vị thế của Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và cam kết mạnh mẽ về chuyển dịch năng lượng trong khu vực và thế giới.

Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện và nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực điện và năng lượng. Nhận thức rõ việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch là một quá trình tất yếu nhằm tạo ra một hệ thống năng lượng bền vững cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Trong bối cảnh này và trước thềm Hội nghị COP28 tại Dubai, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam thúc đẩy đối thoại giữa khu vực tư nhân, cả trong và ngoài nước, với cơ quan quản lý về các nội dung quan trọng của ngành năng lượng khi sắp sửa thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Những nội dung thảo luận trong sự kiện này được kỳ vọng sẽ hữu ích và hỗ trợ cho Chính phủ trong việc đạt được các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0.

Diễn đàn lần này có sự tham gia và trình bày của các vụ, cục liên quan về chiến lược và chính sách về chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm JETP và các cam kết khác liên quan, và tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành điện và năng lượng, bao gồm tổ chức tài chính, tổ chức tài trợ, công ty điện, cũng thảo luận về cách thức để khu vực công và khu vực tư nhân có thể cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo và tận dụng các nỗ lực khử cacbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, nhờ đó đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đồng thời nhấn mạnh quan điểm, để khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam, điều cấp thiết là phải tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng, và cần phải thực hiện ngay bây giờ, bằng cách tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình sửa đổi Luật Điện lực, xây dựng khung chính sách hiệu quả để phát triển năng lượng tái tạo và tham gia sâu hơn vào hoạt động của các Nhóm công tác JETP, các dự án song phương và hỗ trợ trực tiếp chính thức khác.

Diễn đàn đã tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam.

Ngoài ra, Báo cáo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản thứ ba (MVEP 3.0) cũng được ra mắt tại diễn đàn. Báo cáo trình bày một số gợi ý từ khu vực tư nhân cho cơ quan quản lý để thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, từ đó biến ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trở thành động lực cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Báo cáo được cho ra mắt lần đầu vào năm 2016 (ấn bản đầu tiên), trong đó khuyến nghị tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với Quy hoạch điện VII sửa đổi. Báo cáo được cập nhật vào năm 2019 (ấn bản thứ hai), trong đó trình bày một số gợi ý để Việt Nam sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn trong nước nhằm kích thích đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch, an toàn với giá hợp lý. Năm 2023 này, trong ấn bản thứ ba, báo cáo tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam, từ góc nhìn của khu vực tư nhân.

Báo cáo MVEP 3.0 bao gồm 4 phần:

Phần 1: Đưa ra cái nhìn tổng quan về ngành điện của Việt Nam, từ nhu cầu tiêu thụ đến cơ cấu nguồn, hệ thống truyền tải và phân phối điện, đồng thời giải thích về quá trình “chuyển dịch năng lượng” tại Việt Nam, và những chiến lược và chính sách hiện có để thúc đẩy quá trình này.

Phần 2: Đi sâu phân tích những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, bên cạnh những thách thức hiện tại và trong tương lai để đạt được các mục tiêu của Việt Nam.

Phần 3: Tổng hợp kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới để giải đáp những câu hỏi then chốt mà Việt Nam đang đối mặt, xoay quanh việc xây dựng khung pháp lý hiệu quả để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, khả năng thu xếp vốn của hợp đồng mua bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, xác định lộ trình giá điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phần 4: Trình bày một số gợi ý cho việc hoạch định chính sách rút ra từ các phần trước, bao gồm một số hành động cần triển khai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương