Sự kiện

Việt Nam tăng thêm 22 bậc về chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015: Khách hàng được hưởng lợi

Thứ ba, 3/11/2015 | 14:33 GMT+7
Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) vừa công bố kết quả đánh giá các Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015 (Doing Business 2016) của 189 nền kinh tế trên thế giới.
 
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội thi công cấp điện cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo kết quả đánh giá này Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015 của Việt Nam tăng 22 bậc so với năm 2014 và đứng ở vị trí 108/189. Khách hàng được hưởng lợi gì từ kết quả này và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện chỉ số này trong thời gian tới ? PV Nguyên Long- Trang tin điện tử ICON đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban kinh doanh EVN về vấn đề này.

PV: Thưa ông, WB vừa đưa ra kết quả về chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015 của Việt Nam tăng 22 bậc so với năm 2014 và đứng ở vị trí 108/189. EVN có hài lòng về đánh giá này không ? Xin ông cho biết EVN đã làm gì để đạt được kết quả này ?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Theo số liệu công bố vào 28/10/2015 của Doing Business, để được cấp điện mới ở Việt Nam, yêu cầu thực hiện 6 thủ tục, thời gian thực hiện 59 ngày (trong đó thời gian thực hiện của Điện lực là 14 ngày), chi phí thực hiện là 544 triệu VNĐ bằng 132,6% thu nhập bình quân đầu người, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện được 3 điểm và xếp hạng chỉ số chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 108/189 nền kinh tế. Qua kết quả đánh giá này cho thấy, Doing Business đã ghi nhận việc thay đổi số ngày làm thủ tục của Việt Nam giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày trong đó số ngày của ngành điện thực hiện giảm từ 38 ngày xuống còn 14 ngày.

Trong  kết quả đánh giá của Doing Business cũng đã ghi nhận các thay đổi của ngành điện Việt Nam trong việc giảm thời gian tiếp cận điện như: thực hiện theo cơ chế 1 cửa “one door”, tiếp nhận yêu cầu qua nhiều kênh như tại Điện lực, trực tuyến qua Website, Trung tâm CSKH, hồ sơ yêu cầu chỉ cần bản photo không cần chứng thực…

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là chỉ số có kết quả thay đổi tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam (tăng 22 bậc). Nội dung thay đổi của ngành điện Việt Nam cũng được Doing Business ghi nhận trong danh sách 19 nước có cải thiện hiệu quả quy trình tiếp cận điện.

Để góp phần có được kết quả khả quan theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Doing Business, EVN đã thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt.

Nghiên cứu và triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ và Quyết định số 3493/QĐ-BCT ngày 13/4/2015 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, trong đó có nhiệm vụ rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới trung áp xuống còn tối đa là 36 ngày trong năm 2015 và 35 ngày trong năm 2016 (trong đó thời gian thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm ngành điện là 18 ngày).

Báo cáo Chính Phủ, Bộ Công thương xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến việc cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới điện trung áp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Rà soát, sửa đổi lại toàn bộ Quy trình kinh doanh điện năng, quy định phân cấp nội bộ trong TCTĐL và CTĐL để đảm bảo phân cấp cho các CTĐL chủ động hoàn toàn trong việc cấp điện cho khách hàng trung áp. Công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục cấp điện tại Phòng giao dịch khách hàng,  Website của các đơn vị. Xây dựng và ban hành thiết kế mẫu cho các công trình điện trung áp.

Thực hiện song song một số công việc thông qua thỏa thuận với cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thực hiện song song việc thẩm tra thiết kế và cấp giấy phép xây dựng; UBND huyện song song thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Làm việc với các Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để thống nhất rút ngắn thời gian thực hiện cấp điện trung áp (ví dụ tại TP.HCMC, Tổng Công ty Điện lực tp HCM đã ký thỏa thuận hợp tác với các Sở).

Triển khai cung cấp dịch vụ trọn gói với các ưu điểm sau: Không còn các thủ tục thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận thiết kế. Việc chủ động lịch cắt điện cũng tiết kiệm được thời gian chờ đợi. Điện lực thi công nhanh do lực lượng và phương tiện đầy đủ. Thủ tục nghiệm thu, lắp đặt hệ thống đo đếm và đóng điện cho khách hàng cũng rất nhanh gọn do vật tư thiết bị đầy đủ, được mua đúng theo tiêu chuẩn ngành nên luôn đảm bảo chất lượng.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện cấp điện cho khách hàng trung áp để hỗ trợ công tác tác nghiệp, giám sát và cung cấp thông tin để khách hàng tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ cấp điện trên Internet.

PV: Cụ thể, với sự tăng hạng này, khách hàng được cải thiện như thế nào ?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Việc thực hiện chỉ số Tiếp cận điện năng theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Công Thương được EVN triển khai với quản điểm “Thực sự cải cách các thủ tục trong việc tiếp cận điện để giúp các khách hàng thuận lợi trong việc sản xuất kinh doanh. Việc khách hàng sớm đi vào sản xuất kinh doanh giúp cho EVN tăng doanh thu bán điện”. Do đó đối với các khách hàng của EVN, bên cạnh các lợi ích định lượng được như số ngày thực hiện cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới điện trung áp giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày  (số ngày này đã tiến gần đến nhóm ASEAN4 (Philippines 42 ngày) tốt hơn các nước Indonesia, Timor-Leste, Cambodia, Myanmar, Lao PDR) thì các yêu cầu về hồ sơ cũng được đơn giản hóa, mẫu hóa, toàn bộ quá trình làm việc với khách hàng được ngành điện thực hiện theo đúng cơ chế “1 cửa” với phương châm “Điện lực đến với Khách hàng” đảm bảo cho khách hàng đến Điện lực không quá 01 lần để đề nghị cấp điện đồng thời đảm bảo cho khách hàng “3 dễ” (dễ tiếp cận, dễ tham gia và dễ giám sát).

PV: Trong thời gian tới EVN làm gì để cải thiện hơn nữa chỉ số này, hay nói khác đi là tiếp tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng của khách hàng ?

Ông Nguyễn Quốc Dũng: Để thực hiện cải thiện hơn nữa chỉ số tiếp cận điện năng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm đưa chỉ số của Việt Nam tương đương với các nước ASEAN 4 (Singapore, Thailand, Malaysia, Philippines), EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp theo hướng rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng và giảm số thủ tục cấp điện như sau:

Công khai minh bạch các thủ tục cấp điện: các TCTĐL của EVN sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp có nhu cầu lắp trạm biến áp, nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công trên địa bàn quản lý để phổ biến các quy định mới liên quan đến việc tiếp cận điện năng để đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch. Việc công khai minh bạch cũng nhằm mục tiêu giám sát xã hội đối với EVN, các Cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng cao chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam.

Niêm yết công khai quy trình, thủ tục cấp điện, thiết kế mẫu công trình tại các phòng giao dịch khách hàng/Website của Điện lực, Website của UBND các Tỉnh/Thành phố và các Sở/Ban/Ngành tại địa phương.

Từ tháng 9/2015 EVN đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-EVN về việc sửa đổi bổ sung Bộ Quy trình kinh doanh điện năng theo đó quy định thời gian giải quyết các công việc liên quan đến Điện lực xuống còn không quá 10 ngày. Như vậy sẽ giúp tổng thời gian giải quyết thủ tục tiếp cận điện năng (bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước) xuống chỉ còn 28 ngày và giảm số thủ tục tiếp cận điện năng xuống còn 4 thủ tục.

Đồng thời EVN cũng tiếp tục kiến nghị các Bộ và UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW cải tiến hơn nữa quy trình, thời gian, thủ tục thực hiện cấp điện đấu nối lưới điện trung áp để góp phần nâng cao hơn nữa thứ hạng của Chỉ số Tiếp cận điện năng nói riêng và Chỉ số Năng lực cạnh tranh của Việt nói chung.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
 
Nguyên Long/Icon.com.vn