Tin trong nước

Viết để thêm yêu nghề Điện

Thứ bảy, 20/6/2020 | 13:35 GMT+7
Vì ngành Điện mang những đặc thù riêng nên nhiều người không hiểu và chia sẻ hết với công việc của những người thợ điện.
 
Người công nhân điện băng mình qua vùng nước lũ (Ảnh: Hồ Sỹ Thắng).
 
Anh Hồ Sỹ Thắng (Công nhân QLVH lưới điện 110kV Yên Bái) vẫn nhớ cảm xúc về tấm hình do anh chụp: “Tôi không nghĩ bức ảnh người công nhân điện băng mình qua vùng nước lũ lại gây nhiều xúc động, ngạc nhiên cho người xem đến vậy, chúng tôi thấy rất bình thường vì đó là công việc thường xuyên của những người lính đường dây”. 
 
Có thể đây là công việc quá đỗi quen thuộc với anh Thắng và đồng nghiệp nhưng lại rất lạ đối với người ngoài cuộc. Có người còn thắc măc: Tại sao không thể ghi lại nhiều hơn cho mọi người hiểu công việc vất vả, sự lăn xả, tinh thần làm việc dũng cảm của công nhân ngành Điện? Đâu ai biết với công nhân ngành Điện luôn phải trong tư thế khẩn trương khắc phục sự cố, cấp điện lại kịp thời. Họ chỉ biết chăm chỉ làm mà quên mất chia sẻ nên mọi người đâu nhìn thấy được để thông cảm sẻ chia.
 
Anh Tiến Luân (PC Hà Tĩnh) mang tâm sự khác: “Hôm đó ca đêm thao tác vất vả, giao ca xong anh em rủ nhau đi ăn bát cháo. Mới vào quán, đã nghe tiếng xì xào: Thợ điện sướng thật, giờ này mới đi ăn sáng!” Không làm sao giải thích cặn kẽ cho người xung quanh hiểu được rằng các anh đã vất vả cả đêm trực điện giờ mới được nghỉ, chứ đâu có phải giờ đi ăn sáng.
 
Đúng vậy, người ngoài chỉ nhìn thấy chỗ này mất điện, chỗ kia tăng giá hay cả đôi khi lương ngành điện thì lại được soi rất kỹ? Nhưng sự hy sinh của người thợ điện, mồ hôi có khi cả máu chăm lo cho dòng điện ổn định, liên tục không mấy ai biết đến? Một cán bộ ngành điện từng phát biểu mà tôi nhớ mãi: “Ngành Điện gánh trên vai trọng trách rất to lớn. Vậy nhưng người ngành Điện chỉ biết làm mà không biết chia sẻ để xã hội cảm thông, đồng thuận... Thật là buồn nhưng cũng lại phải tự trách chính chúng ta nữa, làm được mà không nói được.”
 
Điều đó đã thôi thúc những công nhân ngành Điện đứng lên cầm bút để viết về công việc của mình. Họ viết cho chính công việc đồng đội, đồng chí của mình. Và rồi bao tâm sự,  nỗi niềm lại được tái hiện trên từng con chữ, từng mặt báo. Anh Tiến Luân chia sẻ: “Không phải nhà báo chuyên nghiệp nên bài viết của mình cũng khó khăn trong cách trình bày hay lập luận vấn đề, rồi phần chính tả. Nhưng hình như chính cái không chuyên ấy, đậm mùi “Điện” lại tạo nên những cảm xúc chân thật và đầy tự nhiên nhất cho bài viết”.
 
Như những nhà báo cắm bản, những ngòi bút không chuyên luôn đưa tin bài nhanh nhất, chính xác nhất đến với bạn đọc. Họ vui khi những sản phẩm mình làm ra được anh em trong ngành theo dõi đón đọc, niềm vui nhân lên khi được lan tỏa tới cộng đồng để sắc cam luôn được dân yêu, dân quý. Nhất là được các độc giả ngoài ngành chia sẽ và thông cảm thì với họ lại thấy có động lực để viết bài.]
 
Tuy nhiên, mấy ai rõ đằng sau những ngòi bút không chuyên còn có bóng dáng các anh chị BBT “nắn bút” sửa sai. Những ngòi bút ngô nghê, những nét chữ còn nghệch ngoạc, sai chính tả được BBT cẩn thận sửa lỗi trước khi đến với bạn đọc. Nét bút người thợ điện dần được khắc phục qua nhiều lần cộng tác viên, các tay bút trưởng thành dần lên từ những cái nôi như vậy. Để rồi bên cạnh thành công của những cây bút không chuyên ấy là sự vất vả, đầy tâm huyết của anh chị BBT trong các ấn phẩm ngành Điện.  
 
Vẫn cần mẫn với mỗi trang viết, từng tấm hình, những người thợ điện cầm bút ấy không ngừng nỗ lực cố gắng truyền tải những thông tin ngành Điện đến với mọi người. Qua đó họ cũng thấy yêu và tự hào hơn với công việc của những người mang ánh sáng cho mọi nhà.
                                                                                                                                                                   
Hoàng Nhung