Công ty Cổ phần Prime - Yên Bình (Vĩnh Yên) ứng dụng công nghệ tự động hóa, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí sản xuất. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Sản lượng tiêu thụ điện năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng khá nhanh, trung bình hơn 10%/năm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực tăng trưởng nhanh và hiện chiếm 65% cơ cấu tiêu thụ điện năng toàn tỉnh. Đẩy mạnh hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với doanh nghiệp trên địa bàn là rất cần thiết, giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng đóng góp vào mục tiêu chung quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023 (Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính Phủ), toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 81 doanh nghiệp, tòa nhà và công trình xây dựng thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Nỗ lực của địa phương
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 9 Khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với hơn 400 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thông tin từ Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, trung bình mỗi tháng, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong các KCN vào khoảng 200 triệu kWh, sản lượng điện các tháng cao điểm nắng nóng tăng từ 20% - 30%.
Để tiết kiệm năng lượng, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 (Đề án). Triển khai Đề án UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng. Đề án nêu bật cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng năng lượng tái tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, đồng thời, xây dựng các mô hình điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp để nhân rộng.
Theo đó, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổ chức hội thảo, hội nghị phổ biến chính sách, công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và giảm lượng phát thải CO2.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã phối hợp Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp sử dụng điện trọng điểm trong sản xuất công nghiệp bố trí sản xuất, hạn chế vận hành giờ cao điểm nhằm hạn chế sử dụng công suất không cần thiết. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; đầu tư thay đổi máy móc thiết bị lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giảm chi phí, tăng hiệu quả
Công ty Cổ phần tập đoàn CNCTech (KCN Thăng Long, Bình Xuyên) là doanh nghiệp điển hình trong việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Ngoài đầu tư máy móc, thiết bị trong nhà xưởng như lắp các đồng hồ đo điện, nước tiêu thụ, giám sát và ghi số liệu hằng ngày; lắp công tắc đèn từng khu vực trong nhà xưởng… doanh nghiệp còn tăng cường cải tiến các quy trình quản lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao, tiết kiệm năng lượng.
Với năng lực sản xuất trên 3,5 triệu sản phẩm/năm, doanh nghiệp đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Canon, Panasonic, Denso, Mabuchi, Misumi, Nidec… Đặc biệt, từ khi đưa vào vận hành Tổ hợp công nghiệp công nghệ CNCTech Thăng Long, doanh nghiệp đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà xưởng với diện tích 11.846/33.342 m2. Nhờ có điện mặt trời áp mái giúp doanh nghiệp tiết kiệm được trung bình 2/3 chi phí điện năng tiêu thụ trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn CNCTech cho biết: “Việc sử dụng năng lượng mặt trời không chỉ giúp giảm sản sinh carbon dioxide, giảm hiệu ứng nhà kính mà còn góp phần giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về chi phí điện năng tiêu thụ trong quá trình sản xuất kinh doanh”.
Công ty Cổ phần tập đoàn CNCTech áp dụng hiệu quả mô hình quản lý năng lượng.
Hay Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc cũng là doanh nghiệp điển hình áp dụng công nghệ mới, máy móc hiện đại và triển khai đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Để thực hiện tiết kiệm điện đạt kết quả cao, Công ty đã đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp và lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng như: đèn tiết kiệm điện, lắp biến tần, các tụ bù cho các phụ tải lớn giảm tổn thất điện áp trong dây chuyền sản xuất, sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, điều chỉnh thiết kế của nhà xưởng, thay thế nhiều tấm lợp tôn bằng tấm nhựa, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên...
Đối với khối văn phòng làm việc, Công ty quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm. Thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị. Không để thiết bị điện như máy tính, máy in, máy máy photocopy… ở trạng thái đóng điện chờ; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế bớt số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang vào buổi tối.
Bên cạnh đó Prime Vĩnh Phúc còn phát động phong trào thi đua, sáng kiến tiết kiệm trong sử dụng điện, lấy việc thực hiện tiết kiệm điện là một tiêu chí để bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của đơn vị nhằm nâng cao ý thức sử dụng điện cho người lao động.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho chính doanh nghiệp mà còn góp phần làm giảm nhập khẩu năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, giúp giảm phát thải khí nhà kính, duy trì môi trường bền vững. Năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tiết kiệm được gần 90 triệu kWh, chiếm hơn 2% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu các doanh nghiệp tiết kiệm 95 triệu kWh.