Thông tin đầu tư

Vốn thổi vào điện gió chưa đủ "mát"

Thứ tư, 6/12/2017 | 09:19 GMT+7
Dù giá mua điện gió có tăng như đề xuất của Bộ Công Thương thì đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn "đói" vốn vì lợi nhuận mong manh.
 
Một số tua bin của nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận). Ảnh: Viễn Thông
 
Hồi đầu tháng 9, Bộ Công Thương gửi báo cáo gửi Chính phủ điều chỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Trong đó, bộ này đề xuất tăng giá mua điện gió đất liền lên 8,77 US cent/kWh, trên biển là 9,97 cent/kWh. 
 
Động thái này diễn ra sau nhiều năm các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam "than thở" giá mua hiện hành khiến họ lỗ chứ khó kiếm lời. Viện năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ mới có 4 dự án điện gió với tổng công suất 159,2 MW vận hành. Trong khi đó, còn 50 dự án đăng ký ở các giai đoạn khác nhau, tổng công suất khoảng 5.000 MW, nhưng chưa biết đến bao giờ "thành hình".
 
Có nhiều lý do để các nhà đầu tư đã đăng ký hay muốn đăng ký làm điện gió tại Việt Nam chần chừ. Tuy nhiên, vốn là câu chuyện hàng đầu. Việc tìm được nguồn vốn vay khá gian nan. Bởi tính đi tính lại, dù giá mua điện gió có tăng như đề xuất của Bộ Công Thương, song việc kiếm lời từ sản xuất điện gió vẫn không dễ.
 
Theo nghiên cứu phạm vi vùng, không áp dụng dự án cụ thể của Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), chi phí đầu tư cho mỗi kW điện gió tại Việt Nam là 1.870 USD không bao gồm cơ sở hạ tầng, tính theo chi phí sản xuất quy dẫn (LCOE).
 
Nếu áp dụng một kịch bản tiết kiệm thì cũng tốn đến 1.500 USD.  Như vậy, suất đầu tư điện gió đang đắt tương đương suất đầu tư điện gió trong bờ tại châu Âu và Bắc Mỹ, cao hơn 300-500 USD mỗi kW so với Ấn Độ và Trung Quốc.
 
Bà Vũ Chi Mai - Cán bộ dự án cấp cao của Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng cho biết, chi phí LCOE cho mỗi kWh điện gió tại 17 vùng quốc gia và 10 tỉnh thành có tiềm năng được phân tích dao động xấp xỉ từ 8 đến 14 cent.
 
Theo tính toán của Bộ Công Thương, mức đề xuất tăng giá mua điện gió dựa trên cơ sở tính toán suất đầu tư cho dự án điện gió trên đất liền tại Việt Nam là 1.600 USD mỗi kW, chi phí vận hành - bảo dưỡng giả thuyết là 20.000 USD mỗi MW mỗi năm theo phương án thấp, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất linh kiện và sử dụng dịch vụ trong nước. Tóm lại, với mức chênh lệch mong manh giữa chi phí đầu tư và giá bán điện, việc thu hút được dòng vốn khó khăn là điều dễ hiểu.
 
Cho đến giờ, dù tiềm năng điện gió cao nhưng các bài toán lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn để các tổ chức tín dụng gật đầu rót vốn cho các dự án. Đó là chưa kể, các tổ chức tín dụng ở Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam chưa có thói quen cấp vốn theo dự án.
 
“Không dễ tìm nhà cung cấp vốn cho các dự án điện gió ở Việt Nam. Đây đang là khó khăn lớn nhất. Càng khó hơn khi tìm nhà cấp vốn dài hạn cho dự án từ 10 đến 15 năm. Trong khu vực, ngay cả Singapore thì các ngân hàng cũng thường quen với việc cấp vốn theo doanh nghiệp chứ không theo dự án”, ông Olivier Duguet – Nhà sáng lập kiêm CEO của The Blue Circle, một đơn vị chuyên phát triển các dự án điện gió trụ sở tại Singapore, nhận định.
 
Cũng theo ông Oliver, giải pháp tìm vốn cho các dự án điện gió tại Việt Nam từ nay đến 2030 là phải có sự bắt tay hợp tác của ngân hàng địa phương và ngân hàng quốc tế để cùng chia sẻ rủi ro. Các ngân hàng địa phương có năng lực cấp vốn giới hạn, cần sự đồng hành của ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, ngân hàng nước ngoài cần có ngân hàng địa phương để hiểu biết về thị trường, chủ đầu tư.
 
“Indonesia, Thái Lan hay Singapore đang làm tốt hơn Việt Nam. Ý tưởng ban đầu là ngân hàng địa phương và ngân hàng nước ngoài cùng cho vay”, ông Suan Hwee Song - Giám đốc Tài chính cấu trúc Vestas nhận định và cho rằng vấn đề của Việt Nam là thời gian và một cú "kích thích".
 
“Tôi nghĩ vấn đề là thời gian thôi. Khi có những dự án ban đầu thành công theo mô hình cấp vốn này thì sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn và đáng đầu tư”, ông nói thêm.
 
Xác nhận điều này, ông Michael Sunjic-Peier - Trưởng Cơ quan tín dụng Xuất khẩu tại Việt Nam của Ngân hàng Landesbank Baden-Wurttemberg cho biết, để có sự cấp vốn của tổ chức này cho dự án điện gió thì cần có sự hợp tác với ngân hàng địa phương. Ngoài ra, theo ông Đỗ Lê Ninh - Chuyên viên đầu tư Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải cách ngành điện.
Theo: VnExpress