Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là điều kiện thi công, thời tiết, nguồn vốn, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã và đang nỗ lực để đưa lưới điện quốc gia ra với hàng chục nghìn người dân đang sinh sống trên các hải đảo phía Nam.
Vượt khó đưa điện ra đảo
Trong năm 2015, EVN SPC đã triển khai hai dự án đưa điện quốc gia về xã đảo Lại Sơn và Hòn Nghệ thuộc tỉnh Kiên Giang. Với bờ biển dài 200 km, Kiên Giang có 143 đảo nổi, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống, tạo nên năm quần đảo giàu tiềm năng kinh tế. Ðến nay, mới chỉ đảo Phú Quốc (huyện đảo Phú Quốc) và xã đảo Hòn Tre (Trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải) được cấp điện lưới quốc gia. Các xã đảo còn lại đang sử dụng nguồn phát điện diezen tại chỗ với giá thành rất cao và ngành điện phải bù lỗ một khoản không nhỏ. Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn có tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, xây dựng 24,496 km đường dây vượt biển 110 kV và các đường dây, trạm biến áp đồng bộ trên đất liền và đảo Lại Sơn; lắp đặt công tơ điện và nhánh rẽ khách hàng cho 1.956 hộ dân trên đảo. Dự án đưa điện ra đảo Hòn Nghệ có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó phần quan trọng nhất là tuyến đường dây 22 kV trên không vượt biển dài 16,37 km và tám trạm biến áp trên đảo với tổng công suất 975 kVA, cung cấp điện cho 2.229 nhân khẩu đang sinh sống trên đảo. Cả hai dự án hiện đang được gấp rút triển khai thi công xây và dự kiến sẽ đóng điện vận hành trong quý I năm nay.
Tổng Giám đốc EVN SPC Nguyễn Văn Hợp cho biết, các dự án trên thuộc chương trình cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo gần bờ tỉnh Kiên Giang, bao gồm: Xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du thuộc huyện Kiên Hải; xã Hòn Nghệ, Sơn Hải thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải thuộc thị xã Hà Tiên; xã Hòn Thơm thuộc huyện Phú Quốc với tổng mức đầu tư ước khoảng 1.506 tỷ đồng. Đây là các dự án cấp điện nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn góp phần bảo vệ môi trường, kích thích đầu tư; giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương do phải bù lỗ cho phát điện diezen tại các xã đảo.
Theo EVN, thách thức lớn nhất trong việc đưa điện lưới ra các vùng biển, đảo là điều kiện thi công rất phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt; việc vận chuyển vật tư, thiết bị gặp khó khăn và tốn kém. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, địa hình. Ở nhiều dự án đã và đang thi công, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10 m ở mép đảo, vách núi dựng đứng. Chỉ tính riêng khâu vận chuyển vật liệu xây dựng đã hết sức khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, việc huy động vốn khi thực hiện các dự án trên cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, điều bù lại là những huyện đảo sau khi được cấp điện lưới quốc gia như: Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… đều có sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế; thu hút đầu tư; đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Các công trình điện lưới quốc gia đến với người dân trên đảo cũng đã giúp các đơn vị tiết kiệm khoản chi phí rất lớn, giảm gánh nặng cho ngân sách hằng năm.
Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo là chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển, đảo mà trên hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền. Trước trách nhiệm và sứ mệnh đó, các đơn vị liên quan dù có khó mấy cũng phải nỗ lực làm cho bằng được. Cùng với các dự án đưa điện lưới quốc gia đến các đảo, EVN SPC đang chuẩn bị triển khai nhiều dự án quan trọng nhằm bảo đảm cấp điện cho khách hàng trong năm 2016 và phục vụ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn quản lý với tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi thay ở các đảo
Trở lại đảo Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang sau gần một năm, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là cuộc sống của người dân trên đảo đã có những đổi thay rất rõ rệt. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh, từ khi công trình đường dây 22 kV vượt biển đưa điện lưới quốc gia về với người dân trên đảo, đời sống người dân, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo đã có những nét tích cực hơn. Hòn Tre cũng như các xã đảo khác của huyện Kiên Hải, có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn cần được khai thác, phát triển. Khi điện lưới quốc gia về ổn định, mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Kiên Hải trong giai đoạn 2016 - 2020 là đạt tốc độ tăng trưởng 13%, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt gần 5.000 USD, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch biển kết hợp với khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản. Với dự án điện lưới quốc gia được kéo ra đảo sẽ là động lực để huyện thực hiện thành công các mục tiêu này. Hòa chung niềm vui đó, cụ Châu Kim Loan, 89 tuổi, ngụ ấp 3, đảo Hòn Tre phấn khởi cho biết: “Từ khi có điện lưới ổn định, gia đình tôi đã mua sắm thêm nhiều thiết bị điện để nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Nói về sự đổi thay của huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sau khi có điện lưới quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho biết: Cùng với việc đầu tư vào sân bay, cảng biển, đường giao thông, nước ngọt… thì nguồn điện là yếu tố hết sức quan trọng để cho Phú Quốc phát triển. Chỉ trong vòng một năm, lượng điện năng tại Phú Quốc đã tăng lên gấp ba lần so với trước đây. Giá điện hạ xuống nên giá các dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của bà con cũng rất thuận lợi. Chính nhờ vào việc đầu tư điện cho đảo, lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong năm nay tăng rõ rệt; môi trường đầu tư ở đây trở nên sôi động hơn và tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch tốt”. Trước việc lượng điện năng đang tăng nhanh tại một số đảo, EVN SPC đã có kiến nghị đầu tư nhằm bảo đảm cấp điện thường xuyên, liên tục với chất lượng ổn định, phục vụ nhu cầu tăng trưởng phụ tải phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn huyện đảo, xã đảo đã có điện lưới quốc gia. Đơn cử như huyện đảo Phú Quốc, chỉ sau hơn một năm kể từ khi được cấp điện lưới quốc gia đến nay, tăng trưởng phụ tải ở đây vào khoảng 15- 20%. EVN đang xem xét để có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế du lịch và đời sống của nhân dân huyện đảo này giai đoạn sau năm 2020.
Không chỉ cấp điện lưới ra các đảo, EVN SPC cũng đang chuẩn bị nguồn lực để đầu tư ba công trình cải tạo, phát triển nguồn và lưới điện trên huyện đảo Phú Quý (tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), EVN SPC đang triển khai công trình lắp hai tổ máy diezen của Nhà máy điện An Hội với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng, năm 2015 đưa vào vận hành một tổ máy 1.500kW và năm 2017 đưa vào vận hành một tổ máy 1.500kW.
Mới đây EVN SPC đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc khách hàng, số tổng đài là 19001006 (tên giao dịch EVN SPC.CC) đặt tại số 12 đường Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trung tâm được trang bị công nghệ hiện đại, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu tập trung của 21 công ty điện lực thành viên thuộc các tỉnh, thành phố thuộc EVN SPC. Với quy mô 73 bàn giao dịch viên, nhận đồng thời cùng lúc 120 cuộc gọi và chế độ làm việc 24/7, có thể phục vụ cho 6,8 triệu khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố phía nam. EVN SPC.CC có chức năng là đầu mối tập trung thực hiện công tác chăm sóc khách hàng cho EVN SPC, đồng thời tham mưu cho EVN SPC trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch và triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng. Các dịch vụ chính của EVN SPC.CC dành cho khách hàng gồm: Chăm sóc khách hàng sử dụng điện; Dịch vụ tư vấn về phát triển khách hàng và sử dụng điện, hướng dẫn các thủ tục, giải đáp các thắc mắc của khách hàng, đánh giá sự hài lòng của khách hàng; Cung cấp thông tin về điện và các lĩnh vực khác cho khách hàng; Giao dịch và liên kết thông tin với các đối tác và đơn vị liên quan trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng; Thống kê, tổng hợp và phân tích số liệu về lưu lượng cuộc gọi, tỷ lệ phục vụ và năng suất làm việc định kỳ; Đào tạo về lĩnh vực chăm sóc khách hàng. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tháng tri ân khách hàng mà EVN SPC triển khai đồng thời chào mừng 61 năm Ngày truyền thống Ngành Điện lực Việt Nam (21-12-1954 – 21-12-2015). |