Xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu : Cầu nối giữa nhà trường - doanh nghiệp

Thứ ba, 20/1/2009 | 10:07 GMT+7
Trong quá trình hội nhập hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp ngành Ðiện, là nguồn nhân lực có chất lượng cao thể hiện trên cả hai mặt cung và cầu nhân lực. Về cầu nhân lực, các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị về nhân lực khi đất nước gia nhập WTO, chỉ sau khi gia nhập mới thấy được tầm quan trọng nên mới tìm những biện pháp giải quyết vấn đề trước mắt chứ chưa thực sự có những biện pháp mang tính lâu dài. Số lượng và cơ cấu nhân lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp luôn là bài toán khó.

 

Các cơ sở đào tạo của ngành Ðiện cần  tập trung xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong thực tế, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại và phương pháp sản xuất tiên tiến, do vậy ngày càng cần nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao. Về cung nhân lực, trước nhu cầu nhân lực mạnh mẽ, số lượng người sẵn sàng làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao, hay ở một số vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp lại rất hạn chế. Các tổ chức và doanh nghiệp không thể tìm đủ nhân lực hoạt động theo nhu cầu phát triển, thậm chí phải tuyển từ nước ngoài. Nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục và đào tạo (kể cả đào tạo đại học) chưa kịp bắt nhịp với sự phát triển kinh tế, chưa đủ mạnh để đào tạo nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ðây chính là vấn đề khá nan giải tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu về thông số nhân lực trực tuyến của mạng tuyển dụng Vietnamworks.com, năm 2007 là năm cung cầu lao động có sự chênh lệch lớn. Cầu lao động tăng 7.097 điểm (tăng 67% so với năm trước đó). Trong khi đó, cung lao động chỉ tăng 22% so với năm 2006. Ðiều đó cũng phần nào phản ánh bức tranh cung-cầu nhân lực tại Việt Nam. Nhưng cán cân cung-cầu nhân lực đang chênh lệch chỉ đối với nhân lực có chất lượng và tay nghề cao. Dự báo thị trường lao động của Việt Nam trong năm 2008 và trong một vài năm tới, quan hệ cung-cầu nhân lực vẫn tiếp tục lệch, đặc biệt đối với nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Hợp tác đào tạo – hai bên cùng có lợi

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường nhân lực chất lượng cao, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng tranh thủ cơ hội nắm bắt nhu cầu và từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Yếu tố cạnh tranh và thị trường hóa trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao đã hình thành và mang tính quốc tế. Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhiều thợ giỏi ở tất cả các nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước là nhiệm vụ cơ bản của hệ thống dạy nghề của cả nước trong thời gian tới. Ðặc biệt là các trường đào tạo chuyên ngành, trong đó có ngành Ðiện.

Ðối với nhà trường, ngoài việc tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chuyên ngành, nên tập trung vào công tác xây dựng chương trình đào tạo có chất lượng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ðây là yếu tố then chốt, cầu nối để Nhà trường có thể hợp tác với doanh nghiệp tổ chức đào tạo chuyên nghiệp, lựa chọn và đào tạo nhân lực ngay từ khi còn là sinh viên. Ðối với doanh nghiệp, sự hợp tác với các trường không chỉ để tìm kiếm nguồn cung cấp nhân lực hiện tại mà có thể đưa ra nhu cầu nhân lực trong tương lai, hợp tác tổ chức đào tạo chuyên nghiệp, hội thảo chuyên đề hoặc phổ biến công nghệ kỹ thuật mới... Hơn nữa, chính các trường sẽ đào tạo chuyên nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu đầu tư đúng, doanh nghiệp không những thu hút được nhân tài mà còn gìn giữ và phát triển được nhân tài đó, không bị hiện tượng “chảy máu chất xám”. Trên thực tế, ngành Giáo dục và đào tạo đã đưa ra 4 giải pháp - sáng kiến để phát triển nhanh công tác đào tạo nhân lực có kỹ năng, trong đó có giải pháp “Triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm nâng cấp trình độ, chất lượng đào tạo, không những coi trọng kiến thức mà còn chú trọng rèn luyện tay nghề thực hành, tạo cơ hội cho người lao động của doanh nghiệp được đào tạo liên thông đến các bậc học cao hơn.

ACT – Cầu nối nhà trường với doanh nghiệp ngành Ðiện

Trung tâm Ðào tạo nâng cao (ACT) thuộc Trường Ðại học Ðiện lực là một trong các cơ sở đào tạo đầu tiên của Việt Nam áp dụng phương pháp xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp. ACT đã kết nối với một số doanh nghiệp ngành Ðiện tổ chức các khóa đào tạo theo chuyên đề như: “Bảo dưỡng và sửa chữa Thiết bị quay trong nhà máy nhiệt điện” tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí, “Tổng quan vận hành nhà máy Nhiệt điện chu trình hơi nước” tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh và Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, “Vệ sinh cách điện trên đường dây đang mang điện” cho Công ty Ðiện lực TP Hà Nội, “Nghiệp vụ kinh doanh Viễn thông Ðiện lực” tại các Ðiện lực Sơn La, Cao Bằng. 

Không chỉ phục vụ đào tạo cho các đơn vị trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, ACT còn phối hợp với Trường Cao đẳng Ðiện lực TP Hồ Chí Minh tổ chức tuyển dụng nhân lực vận hành cho Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 1 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; xây dựng kế hoạch tổng thể nhân lực, tổ chức bộ máy nhân sự, xây dựng kế hoạch đào tạo chức danh và tổ chức đào tạo nhân lực vận hành cho Nhà máy Thủy điện Bản Cốc thuộc Công ty CP Thủy điện Quế Phong (Nghệ An), Nhà máy Thủy điện Bản Riển (Cao Bằng).

Hiện nay, ACT đang tiếp tục hoàn thiện các tài liệu chuyên đề và mở rộng hợp tác để giúp các doanh nghiệp tổ chức những khóa chuyên đề theo nhu cầu. Có thể khẳng định: Việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo theo yêu cầu của ACT trong thời gian qua đã tạo cầu nối giữa Nhà trường với doanh nghiêp. Sự hợp tác này sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số phương pháp xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp đã được áp dụng vào Việt Nam:

 1. Xây dựng chương trình đào tạo có tính hệ thống. Chương trình này có đặc điểm: gắn kết, chuyển đổi các nhu cầu của doanh nghiệp thành các mục tiêu đào tạo, giúp phân tích các thành tích của người lao động một cách có hệ thống, xác định nguồn gốc các vấn đề đó và tìm được các giải pháp khác nhau thực hiện nhằm làm giảm thiểu những hậu quả không mong muốn.

 2. Xây dựng chương trình đào tạo theo mô đun (Phương pháp DACUM). DACUM được sử dụng cho nhiều mục tiêu, đặc biệt rất thích hợp cho các trường hợp sau: (1) Khi doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng chương trình đào tạo mới có thể sử dụng DACUM để có ngay biểu đồ các nhiệm vụ và công việc của một nghề bảo đảm chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn sản xuất; (2) khảo sát các chương trình đào tạo hiện có trong biểu đồ DACUM, bổ sung những nội dung chưa được cập nhật, loại bỏ những nội dung không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. (3) cập nhật công nghệ mới vào các biểu đồ DACUM đã lạc hậu sau nhiều năm và cần được xây dựng lại.

3. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chất lượng theo nhu cầu cập nhật thông tin mới (Phương pháp PDCA). Chu trình PDCA được áp dụng khi doanh nghiệp cập nhật kỹ thuật công nghệ mới, sử dụng lặp đi lặp lại liên tục trong quá trình cập nhật, biên soạn và sửa đổi chương trình và tài liệu đào tạo mang lại hiệu quả cao, phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất đặt ra.

Theo Tạp chí Điện lực