Sẵn sàng nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân

Thứ hai, 15/9/2008 | 10:32 GMT+7
“Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trước mắt là hai lựa chọn: Hoặc đầu tư sớm và đầy đủ cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, hoặc là có thể gặp rủi ro sớm và rủi ro lớn. Hiển nhiên là không ai mong muốn gặp rủi ro…” - PGS.TS. Phùng Văn Duân - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường - trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định.

Theo lộ trình, năm 2015, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng tổ máy đầu tiên với công suất 1000 MW; sau đó sẽ lần lượt đưa vào sử dụng các tổ máy tiếp theo.

Theo thông tin từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhân lực đáp ứng cho 2 nhà máy điện hạt nhân sẽ vào khoảng 800 người, trong đó chuyên gia về điện hạt nhân chiếm khoảng 15-20%.

Trong Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân nói riêng và phục vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình nói chung.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường (INEEP) trực thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sắp tới, theo thỏa thuận hợp tác giữa trường ĐH Bách khoa Hà Nội với tập đoàn Toshiba và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, khóa học Toshiba lần 3 về kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân sẽ được mở tại ĐH Bách khoa Hà Nội trong tháng 9 và tháng 10.  Thời gian khóa học là 6 tuần, với các bài giảng bằng tiếng Anh.

Học viên sẽ chủ yếu là cán bộ trẻ và sinh viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh các ngành Kỹ thuật Hạt nhân, Điện, Nhiệt... của ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một số cán bộ trẻ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đây là các khóa học bồi dưỡng về kỹ thuật điện hạt nhân do Toshiba cam kết hỗ trợ dài hạn. Trước đó, 2 khóa học đã kết thúc thành công trong các năm 2006 và 2007 với hơn 60 học viên.

Theo thỏa thuận hợp tác, Toshiba đã hỗ trợ hệ thống máy tính có nối mạng Internet cùng thiết bị nghe nhìn để phục vụ cho các khóa học này, 3 học viên đạt kết quả xuất sắc của mỗi khóa được đi tham quan các cơ sở điện hạt nhân ở Nhật Bản, đồng thời mỗi năm trao 10 suất học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, mỗi suất trị giá 250 USD.

Tháng 2 năm 2007 Tập đoàn Công nghệ Mỹ (ATI) cũng đã ủng hộ 15 nghìn USD làm quỹ học bổng cho sinh viên ngành này của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đào tạo nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân là một việc làm cấp thiết, đòi hỏi đầu tư đủ mức của nhà nước, cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kinh phí đào tạo, chính sách đào tạo để thu hút và khuyến khích người giỏi vào học và làm việc. Một khó khăn trong việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân ở nước ta là đội ngũ giảng dạy đang còn rất thiếu.

Vừa qua, Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cử đoàn cán bộ sang làm việc với các cở sở đào tạo hạt nhân của Hàn Quốc để tìm kiếm các chương trình hợp tác đào tạo, trong đó có hợp tác đào tạo đội ngũ giảng viên. Hiện INEEP đang tăng cường năng lực cả về cơ sở kỹ thuật cũng như đội ngũ cán bộ, trong đó đặc biệt chú ý xây dựng chương trình đào tạo mới để kịp đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật hạt nhân.

“Theo kinh nghiệm của các nước phát triển thành công điện hạt nhân, kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Vì vậy, việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là đào tạo cơ bản là rất quan trọng.” - PGS.TS Phùng Văn Duân nêu ý kiến.

Theo ANTĐ