Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Xứng đáng với truyền thống điện lực Việt Nam - 60 năm thắp sáng niềm tin

Thứ tư, 16/7/2014 | 13:46 GMT+7
Năm 2014 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn ngành Điện, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2014) và kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2014). Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với chuyên môn chỉ đạo các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động phong phú đa dạng từ việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu, nghiên cứu về ngành Điện Việt Nam, các hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi và tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng từ cấp cơ sở đến Tập đoàn. Trong những ngày này, ở khắp các đơn vị cơ sở của ngành Điện, đâu đâu chúng ta đều cảm nhận được khí thế thi đua sôi nổi, tinh thần vui tươi, phấn khởi hăng say làm việc hướng về ngày truyền thống, tự hào về Truyền thống Điện lực Việt Nam – 60 năm Thắp sáng Niềm tin để tiếp tục làm việc, công hiến hướng tới tương lai vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.


Không khí thi đua sôi nổi, tinh thần phấn khởi hăng say làm việc hướng về ngày Truyền thống Điện lực Việt Nam của cán bộ công nhân viên ngành Điện. Ảnh minh họa

Tự hào với quá khứ hào hùng

Ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón – Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã ra đời dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tác động mạnh mẽ vào phong trào công nhân và tổ chức Công hội trong cả nước, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Công đoàn Việt Nam. Đội ngũ công nhân điện và Công hội đỏ bí mật được thành lập và hoạt động trong các nhà máy điện Sài Gòn, Hải Phòng, Bến Thuỷ, Hà Nội,… đã có tổ chức cấp trên của mình để liên kết với công nhân lao động cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi Đảng ta mới ra đời, lá cờ đỏ của Đảng đã được công nhân điện dương cao trên ngọn núi Bài Thơ, vùng mỏ, trên cổng ra vào nhà máy điện Cửa Cấm, trên nóc nhà máy điện Yên Phụ, Nam Định, Bến Thuỷ. Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở các cơ sở điện lực Sài Gòn - Chợ Lớn, hành động của công nhân nhà Đèn Hà Nội năm 1945 cắm cờ trên phủ Khâm Sai đã khích lệ quần chúng nhân dân vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Pháp - Nhật.

Ở giai đoạn đầu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sống trong lòng địch, công nhân điện hưởng ứng phong trào phá hoại kinh tế địch (phong trào phá máy). Chúng ta biết đến hành động của công nhân nhà máy Điện Yên Phụ tối 19/12/1946 đã phá máy cắt điện báo hiệu pháo Đài Láng nổ súng mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến. Khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh với âm mưu của thực dân làm tê liệt các nhà máy điện khi chúng chuẩn bị thất trận. Công đoàn bí mật trong các nhà máy điện đã vận động công nhân đấu tranh bền bỉ, quyết liệt, giữ máy để trao lại cho chính quyền nhân dân, điển hình là cuộc đấu tranh 100 ngày phải bảo đảm bàn giao đầy đủ máy móc thiết bị, đủ 4.000 tấn than dự trữ của công nhân nhà máy điện Yên Phụ sau khi tiếp quản Thủ đô, cuộc đấu tranh 300 ngày của công nhân nhà máy điện Hải Phòng.

Trong thời kỳ đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tăng thêm 1 ki lô oát điện, giảm 1 gam than là thêm một đòn trực tiếp giáng vào đầu đế quốc Mỹ xâm lược”, Công đoàn đã tổ chức các phong trào thu hút công nhân điện tham gia: “Sản xuất an toàn, liên tục và tiết kiệm”, “Sản xuất vì miền Nam ruột thịt”… Trong vòng 10 năm, các nhà máy điện có công suất lớn, hiện đại thi nhau mọc lên. Những đường dây 110 kV, 35 kV ngày càng trải rộng khắp miền Bắc, công suất điện đã tăng vọt lên gấp 3 lần so với ngày giải phóng Thủ đô.

Trong thời kỳ đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Công đoàn cơ sở điện lực lại tổ chức những phong trào rất sáng tạo thể hiện ý chí kiên cường của người thợ điện, như: “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh, ta lại phục hồi”, “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Giữ vững dòng điện như giữ máu trong tim”, “Đổi dòng máu lấy dòng điện”… Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, ngành Điện Việt Nam đã có 125 cán bộ, công nhân, viên chức anh dũng  hy sinh, hàng trăm người khác bị thương để giữ "cho dòng điện không bao giờ tắt". Nhiều công nhân điện, cơ sở điện lực đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động lao động trong sản xuất và chiến đấu chống sự phá hoại của địch. Những đóng góp của cán bộ, công nhân ngành Điện tuy thầm lặng, nhưng to lớn, thông qua các cuộc đấu tranh quyết liệt, khôn khéo để bảo vệ nguồn điện cho đất nước, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.


117 công nhân lao động giỏi đại diện cho đội ngũ hơn 107 nghìn đoàn viên và người lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được trao tặng bằng khen tại Lễ biểu dương Công nhân lao động giỏi tiêu biểu giai đoạn 2011-2013

Viết tiếp trang sử mới

Bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển của tổ chức Công đoàn trong ngành Điện là ngày 14 tháng 01 năm 1971, tại Quyết nghị số 15/QN, Tổng Công đoàn Việt Nam đã thành lập Công đoàn ngành Điện Than Việt Nam (có tính chất ngành nghề). Cùng với đó, 4 năm sau, đất nước được hoàn toàn giải phóng, tổ chức công đoàn ngành Điện đã hướng mục tiêu phong trào công nhân cần đi sâu vào kinh tế, kỹ thuật, thực hiện cách mạng kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động trong từng ngành nghề, đi sâu vào những chế độ chính sách lao động. Tổ chức công đoàn và công nhân ngành Điện đã cùng với giai cấp công nhân Việt Nam khắc phục hậu quả của chiến tranh và xây dựng đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp nối truyền thống trong thời kỳ đấu tranh kháng chiến, giành độc lập của đội ngũ công nhân điện lực và tổ chức công đoàn, trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hoạt động của các cấp công đoàn đã đem lại những kết quả thiết thực. Tuyên truyền, giáo dục người lao động nâng cao nhận thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế. Những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm trong phong trào CNVC và hoạt động công đoàn được nêu gương giáo dục kịp thời. Phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, “Văn hoá doanh nghiệp”,   trong công nhân lao động cũng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, nếp sống văn hoá cho người lao động, giữ gìn an ninh trật tự trong doanh nghiệp và xã hội. Phong trào thi đua theo ngành nghề nở rộ: “Ca vận hành an toàn – kinh tế”, “Đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong đại tu, sửa chữa”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Tuyến đường dây kiểu mẫu”, “Kíp vận hành kiểu mẫu”, “Quản lý kinh doanh giỏi”, “Thu ngân viên giỏi”, “Giao tiếp khách hàng giỏi”, “Nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng”. Thi đua trên công trình trọng điểm được chú trọng. Năm 2012, phát động thi đua trên công trình đường dây 220kV Đắc Nông – Phước Long – Bình Long. Đặc biệt trong phong trào thi đua Liên kết xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La với hiệu quả cao đã được Tổng Liên đoàn tiếp tục tổ chức phát động trên công trình xây dựng nhà máy Thuỷ điện Lai Châu.

Trong 5 năm (2008 - 2013), toàn ngành, thông qua phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” đã có hơn 7.000 sáng kiến, 500 công trình, hạng mục công trình đăng ký thi đua hoàn thành, có 264 sáng kiến được cấp bằng Lao động sáng tạo, làm lợi trên 500 tỷ đồng. Phong trào đã khơi dậy tính sáng tạo trong đội ngũ trí thức và lực lượng lao động trẻ. Nhiều công trình, sáng kiến tiêu biểu như: Chế tạo máy biến áp 500kV, Sửa chữa máy biến áp 500kV tại hiện trường, Sửa chữa trên đường dây 500kV đang có điện…

Kết quả hoạt động công đoàn ở các cấp đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, sự thành tín giữa người quản lý với người lao động và là giá trị cốt lõi làm nên sự thành công của tổ chức công đoàn các cấp trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Với vai trò chủ đạo đảm bảo an ninh năng lượng, năm 5 qua Tập đoàn đã hoàn thành 46 tổ máy với tổng công suất 8.976 MW, hơn 500 công trình đường dây từ 110-500kV, với tổng chiều dài gần 5.000km và nhiều trạm biến áp với tổng dung lượng hơn 18.000MW, đưa tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2013 đạt 31.568MW. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với hơn 4.000 xã, bán điện đến hơn 7.000 xã, chiếm trên 99% số xã có điện. Thực hiện chương trình cấp điện cho 5 tỉnh Tây Nguyên, sau 5 năm thực hiện EVN đã hoàn thành dự án cấp điện cho 1.340 thôn, buôn với 120.000 hộ dân, tổng số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2013 và đầu năm 2014 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa điện thành công ra 2 huyện đảo là Cô Tô và Phú Quốc, trong năm 2014 sẽ hoàn thành dự án đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm…

Với những kết quả đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã được Lãnh đạo chuyên môn các cấp đánh giá cao, liên tục được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc trong các năm 2009, 2010, 2011 và 2013, năm 2009 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2011, 2013 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2014, chúng ta lại vinh dự và rất đỗi tự hào được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba cùng với nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ và các Bộ, ngành. Phần thưởng có ý nghĩa cho tổ chức công đoàn và công nhân điện hướng tới Ngày truyền thống của mình.

Với lòng yêu nước nồng nàn, với bản chất tiên phong và cách mạng, sự đoàn kết, sáng tạo, làm việc có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, công nhân lao động và Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã thể hiện vai trò của mình trong suốt quá trình từ khi thành lập đến nay, góp phần gây dựng Truyền thống Điện lực Việt Nam – 60 năm Thắp sáng Niềm tin. Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, CNVCLĐ ngành Điện tin tưởng chắc chắn rằng, sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi mãi là người tập hợp lực lượng giai cấp công nhân Việt Nam, là tổ chức tập hợp lực lượng cho Cách mạng Việt Nam. Công đoàn Điện lực Việt Nam là một thành viên quan trọng sẽ tin tưởng và đóng góp sức mạnh của mình vào tổ chức Công đoàn Việt Nam tạo thành tính thống nhất vững mạnh của tổ chức đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam.


Trần Văn Ngọc

Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam