Sự kiện

Xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa

Thứ ba, 27/10/2009 | 10:02 GMT+7

Sau hơn 6 năm thực hiện, Nghị định 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã góp phần răn đe, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được khẩn trương rà soát, thay thế cho phù hợp.


Cần có mức xử phạt thích đáng đối với hành vi xâm hại tài sản ngành Điện. Trong ảnh: Hiện trường vụ ô tô húc đổ cột điện 110 kV trên đường Phạm Hùng (Hà Nội)

Chưa đầy đủ phạm vi điều chỉnh và chủ thể xử phạt

Trao đổi với chúng tôi, Ths. Phạm Thị Kim Hoàn – Trưởng ban Pháp chế, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) – Bộ Công Thương cho biết: Nghị định 74/2003/NĐ-CP được ban hành khi chưa có Luật Điện lực và Luật Cạnh tranh, cho nên khi hai bộ luật này ra đời, Nghị định trên đã bộc lộ hạn chế về phạm vi điều chỉnh và chủ thể xử phạt. Cụ thể là, khi được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 03/12/2004, Luật Điện lực đã đề cập một số vấn đề (như tiết kiệm điện, thị trường điện, quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động điện lực và sử dụng điện) trong khi Nghị định 74/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác về điện lực không quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Luật Cạnh tranh cũng được Quốc hội thông qua cùng với thời gian ban hành Luật Điện lực, quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Và việc xác định hành vi vi phạm quy định về thị trường điện, vi phạm quy định cạnh tranh trên thị trường điện, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này cũng không có trong Nghị định 74/2003/NĐ-CP.

Mặt khác, Nghị định 74/2003/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong hoạt động điện lực bao gồm: Chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp, thanh tra điện lực, chiến sỹ cảnh sát nhân dân, thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường. Thực tế cho thấy, số lượng chủ thể xử phạt như trên là chưa đủ và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đối với thanh tra điện lực, đây là lực lượng duy nhất có kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về điện lực, nhưng lại đang quá mỏng (tính đến tháng 3/2009, tổng số Thanh tra Điện lực trong toàn quốc mới chỉ có vẻn vẹn 53 người), chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Vì vậy, cần mở rộng thẩm quyền xử phạt tới các chủ thể là Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV), Kiểm tra viên điện lực, Cục trưởng Cục Kỹ thật an toàn và Môi trường công nghiệp, mới có thể nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực điện lực. Lý do là ERAV đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho thẩm quyền kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường điện lực. Còn Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng là một nhân tố tích cực trong việc phát hiện vi phạm quy định bảo vệ an toàn lưới điện và công trình điện. Với lực lượng kiểm tra viên điện lực cấp Bộ, cấp Sở, mặc dù có thẩm quyền kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động điện lực, nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Điều này làm giảm tính kịp thời của việc xử lý vi phạm, tạo ra bước trung gian không cần thiết, tốn kém thời gian, chi phí.

Mức xử phạt quá thấp

Cùng với các hạn chế nêu trên, mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 74/2003/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008 về xử lý vi phạm hành chính. Bởi Pháp lệnh này đã tăng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực điện lực lên 40 triệu đồng so với mức 30 triệu đồng quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Thực tiễn thi hành Nghị định 74/2003/NĐ-CP cũng cho thấy, mức xử phạt còn quá thấp, chưa phù hợp với đặc thù của ngành Điện nên tính răn đe, phòng ngừa vi phạm rất hạn chế.

Để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa

Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực thay thế Nghị định số 74/2003/NĐ-CP nhằm quy định đầy đủ, rõ ràng các hành vi vi phạm, mở rộng thẩm quyền và tăng mức xử phạt, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa và tăng tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật là thật sự cần thiết. Vì vậy, tháng 4/2008, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 74/2003/NĐ-CP. Bà Hoàn cho biết, trước và sau khi dự thảo Nghị định hoàn thành, Bộ đã lấy ý kiến đề xuất, góp ý rộng rãi của các Bộ, ban, ngành. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ đã lấy ý kiến của cơ quan Tập đoàn, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, 11 Công ty Điện lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia và Công ty mua bán điện. Sau hơn một năm xây dựng, đầu tháng 9/2009, Bộ Công Thương đã hoàn thành Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực thay thế Nghị định số 74/2003/NĐ-CP và đã trình chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực gồm 04 chương, 34 điều, quy định về các vấn đề chính sau đây: 

Chương I: Quy định chung, gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6), về cơ bản vẫn giữ như Nghị định số 74/2003/NĐ-CP, bổ sung phạm vi điều chỉnh hành vi vi phạm các quy định về điều độ hệ thống điện, thị trường điện lực và các quy định về cạnh tranh trong hoạt động điện lực.

Chương II: Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, hình thức và mức độ xử phạt, gồm 11 điều (từ Điều 7 đến Điều 18). Chương này tập trung làm rõ từng hành vi vi phạm cụ thể và hình thức xử phạt tương ứng.

Chương III: Thẩm quyền, thủ tục xử phạt gồm 02 mục, 13 điều (từ Điều 19 đến Điều 31).

Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (Điều 32, Điều 33 và Điều 34).

Theo: Tạp chí Điện lực