Tin thế giới

Sử dụng năng lượng còn lãng phí : Cần xây dựng và áp dụng các chế tài bằng luật

Thứ tư, 12/12/2007 | 10:01 GMT+7

Tình trạng sử dụng lãng phí nguồn năng lượng hiện đang rất phổ biến, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục. Một trong những giải pháp đó chính là Luật tiết kiệm năng lượng đang được liên Bộ KH&CN và Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng. Dự kiến Bộ Luật sẽ được trình Chính phủ trong năm 2008.

So với mặt bằng chung của VN, cường độ năng lượng của Tp.HCM khoảng 1,46 (bình quân VN là 1,86). Đây là chỉ tiêu tốt (vì càng to thì hiệu quả càng kém), nhưng vẫn cao so với các nước như Thái Lan (1,31), các  nước thế giới (0,9)... Nếu dựa trên kết quả tính toán này, một địa phương như Tp.HCM đang triển khai áp dụng khá có hiệu quả các hoạt động tiết kiệm năng lượng thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang lãng phí từ 10-50% năng lượng.

Hiệu suất sử dụng năng lượng rất thấp

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thực tế hiện nay, hiệu suất sử dụng năng lượng ở VN rất thấp. Các nhà máy nhiệt điện của VN chỉ đạt 28-30%, trong khi thế giới là tăng hơn 10%. Các công trình xây dựng của VN mới chỉ chú ý tới mặt kiến trúc chứ chưa chú ý nhiều tới tiết kiệm năng lượng, làm thế nào để toà nhà xây dựng xong thì ban ngày không phải dùng tới ánh sáng điện. Các phương tiện giao thông cũng đang sử dụng rất lãng phí nhiên liệu bởi với trang thiết bị ô tô cũ, các nhà sản xuất xe mới đạt trình độ EURO 2 cho nên tiêu hao năng lượng cao. Trong lĩnh vực chiếu sáng gia đình vẫn dùng đèn dây tóc đốt đỏ, chưa chuyển sang bóng đèn tiết kiệm,...

Theo kết quả thống kê của các đơn vị trong quá trình triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, có những khách sạn nhờ chính sách giải pháp sử dụng tiết kiệm đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng chi phí về năng lượng. Mới đây, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng tiết kiệm tới 20% sử dụng năng lượng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, gốm sứ khi sử dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã giảm cả trăm triệu đồng mỗi năm tiền chi cho nhiên liệu đốt. Ông Phùng Thế Huynh, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Huỳnh Hường (Bát Tràng-Gia Lâm- Hà Nội) cho biết: mỗi tháng doanh nghiệp của ông đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền chi phí năng lượng cho 3 lò nung gốm nhờ đầu tư áp dụng các giải pháp và hệ thống lò gas bông gốm.

Thiếu chế tài hay thiếu thông tin?

Năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định các vấn đề liên quan tới công tác quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mặc dù Nghị định đã được ban hành 4 năm qua nhưng vẫn chưa thúc đẩy được công việc này bao nhiêu. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL (Sở KH&CN Tp.HCM), điều này xuất phát từ hai lý do: thứ nhất, sau khi có Nghị định thì cần thiết ban hành các thông tư hướng dẫn và dưới đó cần có các công cụ quản lý thực hiện, nhưng các công cụ này chưa đầy đủ. Thứ hai, các tổ chức quản lý nhà nước có liên quan như công tác thanh tra về sử dụng năng lượng trọng điểm, thanh tra, thẩm định các thiết kế xây dựng... còn hạn chế. Mặt khác, do chế tài còn thấp nên chưa tạo ra việc quan tâm cũng như trách nhiệm của cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông còn yếu kém, chưa theo kịp nhu cầu.

Trong lĩnh vực công nghiệp, chức năng thanh tra tập trung vào nhập khẩu thiết bị công nghệ. Để tiến hành khâu này, cần phải ban hành ra tiêu chuẩn, định mức nhưng điều này lại chưa có. Cùng với đó là thanh tra các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm. Về nguyên tắc, các đơn vị này phải có trách nhiệm lập báo cáo về thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng ngoài một số doanh nghiệp làm việc này thì đa số vẫn bị bỏ qua. Về mặt luật pháp, các đơn vị này phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhưng tính tự giác chưa cao chưa có hiệu quả.  

Ông Tước cho rằng: có 2 vấn về đặt ra, thứ nhất, đó là làm sao phải cung cấp đủ thông tin về giải pháp kỹ thuật, tài chính, tính toán đầu tư tốt nhất để doanh nghiệp có đủ thông tin. Thông thường hiện nay, vướng mắc chính ở chỗ các tư vấn chỉ dừng lại ở góc độ tư vấn kỹ thuật. Điều này không đủ để doanh nghiệp ra quyết định mà phải tiếp tục có khâu tư vấn về tài chính, tư vấn về đầu tư. Thứ hai, sau khi vượt qua rào cản về tư vấn rồi thì các đơn vị tư vấn vẫn phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tp.HCM hiện có khoảng 500 doanh nghiệp trọng điểm sử dụng năng lượng và về nguyên tắc phải sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 100 đơn vị có hoạt động tiết kiệm năng lượng. Nếu theo nguyên tắc, các đơn vị này trong vòng 5 năm phải cắt giảm tiêu hao 5% suất năng lượng của đơn vị, nhưng hiện doanh nghiệp thiếu thông tin, đội ngũ tư vấn

Cần chế tài bằng luật, quy trách nhiệm xã hội

Hiện nay, VN mới chỉ có Nghị định và Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng. Chương trình này mới dừng ở mức vận động, tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng và có khen thưởng chứ chưa có chế tài bắt buộc. Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm Trưởng ban mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả. Chương trình này đã được triển khai cho một số ngành như xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và có chương trình hành động cụ thể về tiết kiệm năng lượng, thế nhưng tổn thất và lãng phí năng lượng vẫn nhiều.

Đo đó, theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, VN sẽ phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Luật về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng để có những chế tài bắt buộc thực hiện chứ không chỉ là vận động và khuyến khích. ''Luật sẽ tạo ra một khung pháp lý một mặt khuyến khích các đơn vị sử dụng nguồn năng lượng mới, các giải pháp công nghệ sử dụng năng lương hiệu suất cao, cùng với các giải pháp tài chính, thuế, tem năng lượng...

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là tạo ra chế tài hạn chế sử dụng các công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng. Xử phạt nặng các đơn vị vi phạm là cần thiết nhưng sẽ hiệu quả hơn khi Luật quy rõ trách nhiệm xã hội gắn mới từng doanh nghiệp'', ông Tước khẳng định.

Theo TBKTVN