Xây nhà sát đường điện cao áp tại thôn Đại Uyên.
Vi phạm ngày càng nghiêm trọng
Ngôi nhà hai tầng rộng gần 100 m2 của gia đình anh Cao Văn Thuấn, thôn Ðại Uyên (Bạch Ðằng, Kinh Môn), đang vào giai đoạn hoàn thiện, nằm sát đường dây điện 35 kV. Gánh thợ xây đang miệt mài công việc bất chấp sự nguy hiểm khi đường dây điện cao áp chỉ cách giàn giáo 20 cm.
Chúng tôi hỏi một anh thợ xây:
- Xây nhà ngay sát đường điện cao áp anh không sợ sao?
- Mình có chạm vào dây điện đâu mà sợ.
- Nếu xảy ra tai nạn điện thì ai chịu trách nhiệm?
- Thì mình chịu chứ ai chịu.
Khi cán bộ chi nhánh điện Kinh Môn phân tích, anh thợ xây bảo: Khi nhận công trình, chúng tôi cũng không nghĩ đến đường dây điện. Nhưng bây giờ công trình sắp xong rồi, bỏ làm sao được, vì chủ sẽ không thanh toán.
Trưởng chi nhánh điện Kinh Môn Phan Thanh Tiến cho biết thêm: Khi chúng tôi phát hiện cách đây vài ngày đã lập biên bản yêu cầu chủ hộ dừng thi công công trình. Nhưng đến nay, chủ hộ vẫn cho thợ tiếp tục xây nhà, bất chấp tính mạng của họ.
Theo quy định đối với đường dây 35 kV thì khoảng cách an toàn phải bảo đảm ba mét, nhưng ở trường hợp xây nhà này thì quá nguy hiểm.
Ðây chỉ là một trong những điểm vi phạm HLATLÐ cao áp trên địa bàn huyện Kinh Môn. Ðến nay, huyện có 219 điểm vi phạm HLATLÐ cao áp, trong đó có 77 điểm vi phạm nghiêm trọng. Gần đây, trên địa bàn thị trấn Minh Tân đã xảy ra vụ phóng điện đường dây 110 kV cấp điện cho Công ty xi-măng Hoàng Thạch, làm bị thương một người khi chèo lên nóc nhà xây dưới đường điện.
Ðến thị trấn Gia Lộc, ai cũng ngạc nhiên vì thị trấn này không có vỉa hè, không có hệ thống thoát nước. Ðiều ngạc nhiên hơn là hệ thống đường điện cao áp nằm sát với nhà dân. Nhiều nhà dân xây ôm cả cột điện giữa lòng nhà. Một số hộ dân còn ốp gương để "trang trí" cho cột điện, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Những ngôi nhà nhiều tầng vẫn ngang nhiên mọc lên cao hơn cột điện.
Theo Trưởng chi nhánh điện Gia Lộc Hồ Quang Ánh, đến nay, trên địa bàn huyện có 217 điểm vi phạm HLATLÐ cao áp; trong đó, thị trấn Gia Lộc có 194 điểm, xã Gia Tân có 23 điểm, đã xảy ra một số vụ phóng điện làm chết người.
Tại khu bắc đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) có một số doanh nghiệp thuê đất nằm trong hành lang của nhiều đường dây điện cao áp. Khi san lấp mặt bằng, một số vụ tai nạn điện xảy ra, gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Ðiển hình như: Ngày 20-10-2007, xe ô-tô chở cát san lấp mặt bằng cho Công ty Ðỉnh Long khi đi qua khoảng cột 16-17 (khoảng cách pha-đất tại vị trí ô-tô đi qua chỉ còn 3,5 m) đã kéo đứt dây hai vị trí và đứt lèo cấp điện cho trạm biến áp của Sở Tài chính. Hồi 11 giờ 30 phút ngày 2-11-2007, tại khu công nghiệp Kenmax, xe ô-tô cẩu mang biển kiểm soát 29T-0970 khi lùi đã đâm vào đường dây 35 kV 373-E81, tại khoảng cột 16-17, làm chập, nhảy máy cắt đầu nguồn và gây tai nạn điện, làm lái xe là ông Hoàng Ðức Giang bị thương nặng.
Phó Trưởng phòng an toàn và bảo hộ lao động Công ty TNHH một thành viên Ðiện lực Hải Dương Nguyễn Hồng Phú cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.626 điểm vi phạm HLATLÐ cao áp, với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều điểm vi phạm từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như các khu vực thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc), Quán Gỏi (Bình Giang), một số khu định cư mới dọc đường 20 từ Kẻ Sặt đi Thanh Miện, thôn Ðông Giao (Lương Ðiền, Cẩm Giàng), bắc đường Nguyễn Lương Bằng... Các điểm vi phạm đều thuộc các tuyến đường dây điện quan trọng cấp điện cho Công ty xi-măng Hoàng Thạch, Công ty Ford, khu công nghiệp Ðại An, Ðài phát sóng Bắc Bộ VN3...
Nguyên nhân và những bất cập
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLÐ) cao áp ở Hải Dương đã đến mức báo động. Tuy nhiên, thực trạng này chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để. Trong khi các điểm vi phạm cũ chưa giải quyết thì lại phát sinh các điểm vi phạm mới.
Theo thông báo số 44, ngày 30-3-2006 của UBND tỉnh Hải Dương, đường dây điện cao thế 35 kV qua thị trấn Gia Lộc có từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Việc cấp đất ở cho các hộ dân đều thực hiện sau khi có đường điện, nên các hộ có nhà dưới đường điện phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về HLATLÐ cao áp.
Việc vi phạm HLATLÐ tại thị trấn Gia Lộc, ngoài lỗi của người dân còn có lỗi của UBND huyện Gia Lộc trong việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng và bảo vệ HLATLÐ cao áp.
Ðể giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Gia Lộc triển khai ngay các biện pháp: yêu cầu các hộ dân vi phạm tháo dỡ các công trình trước ngày 30-4-2006; đồng thời giao các ngành liên quan phối hợp chính quyền địa phương di dời đường điện trước ngày 31-12-2006.
Nhưng đến nay, thực trạng này vẫn chưa được giải quyết. Một số hộ dân cho rằng, đất đai của họ có nguồn gốc do chuyển nhượng, của ông cha, đều có sổ đỏ. Ông nào cấp đất sai thì ông ấy phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc Phạm Thế An cho biết, kinh phí di chuyển đường dây quá lớn (khoảng 35 tỷ đồng), cho nên địa phương rất khó huy động. Người dân vẫn chưa thống nhất phương án đền bù đất, di chuyển đường điện.
Giám đốc Công ty TNHH Ðông Ðô Phạm Văn Tư ngán ngẩm: "Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, cho thuê hơn 15 nghìn m2 đất từ 8-11-2006. Khi ấy, UBND tỉnh khẳng định đã có quy hoạch ngầm hóa các đường điện tại khu vực này.
Tuy nhiên đến nay, các đường điện cao áp vẫn chưa được di chuyển, khiến doanh nghiệp không triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng chúng tôi vẫn phải nộp thuế cả diện tích đất thuộc HLATLÐ".
Phó Chủ tịch UBND xã Lương Ðiền (Cẩm Giàng) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Ðến nay xã tổ chức đến 10 cuộc họp với các cấp, các ngành để bàn giải pháp xử lý các điểm vi phạm HLATLÐ. UBND xã đã xây dựng xong phương án nâng cột điện để bảo đảm độ an toàn, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.
Các hộ vi phạm đóng góp kinh phí theo diện tích đất mặt đường với mức 100 nghìn đồng/m2. UBND xã yêu cầu đến hết ngày 15-11 các hộ dân phải nộp xong.
Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân vẫn chưa nộp đủ. Nếu các hộ nộp đủ cũng chỉ được 70 triệu đồng, còn hơn 130 triệu đồng, chúng tôi sẽ vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ và trích ngân sách xã".
Anh Vũ Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thôn Ðông Giao (Lương Ðiền) lại cho rằng: Thực ra dân trong thôn không phải họ không có tiền, nhưng với cách làm cứng nhắc của xã khiến bà con chưa thông. Nếu các ông ấy về họp với dân tại thôn, bàn bạc dân chủ với dân thì tôi tin là nhân dân sẽ thống nhất, đóng góp kinh phí không chỉ để nâng cấp mà chúng tôi muốn di dời đường điện.
Trưởng Chi nhánh điện Cẩm Bình Ðặng Thế Hiệp khẳng định: Nâng cột điện chỉ là giải pháp tình thế, vì cột điện cao đến đâu thì nóc nhà lại cao đến đấy, vì tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng nếu di chuyển đường dây thì kinh phí lại quá lớn, e rằng người dân không đủ khả năng đóng góp.
Việc xử lý các điểm vi phạm HLATLÐ cao áp trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều yếu kém và bất cập. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân: Các sở, ban, ngành liên quan chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành; các đơn vị, cá nhân khi vi phạm không được xử lý kịp thời.
Công tác quy hoạch ngành điện luôn đi sau thực tế, cho nên ngành điện luôn phải chạy theo sau để giải quyết tồn tại. Các cấp chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm HLATLÐ khi cấp đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng. Ðất thổ cư của nhân dân trước kia là ruộng, vườn nhưng nay do nhu cầu xây dựng nên đã vi phạm, rất khó giải quyết. Việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa kiên quyết, triệt để.
Việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền chưa được coi trọng, cho nên người dân thiếu hiểu biết và chưa nhận thức về mức độ nguy hiểm khi vi phạm HLATLÐ.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương cần vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để các điểm vi phạm, bảo đảm an toàn các tuyến đường điện, phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.