Hình ảnh hệ thống trạm đóng cấp 220kV - Trạm biến áp GIS 220/110kV Bình Tân.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế Thành phố có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001-2009 là 11,3%/năm. Hiện thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 là 12%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 11%/năm.
Với mức độ phát triển sôi động của một đô thị đặc biệt, nhưng toàn bộ nguồn điện cung cấp cho Thành phố chủ yếu chỉ từ Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ và các trạm hỗ trợ cấp điện như trạm 500 kV Tân Định và các trạm 220 kV từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Về lý thuyết, lưới điện 500 kV vẫn đủ khả năng tải trong chế độ bình thường, nhưng khi có sự cố điện, sửa chữa hay cần huy động cao sẽ xảy ra tình trạng quá tải. Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh - EVN HCMC, trong 7 trạm 220 kV đã có 2 trạm quá tải là Thủ Đức và Phú Lâm với mức độ quá tải từ 4-14%, 8/47 trạm 110 kV vận hành đầy và quá tải cục bộ vào giờ cao điểm, trạm 500 kV Nhà Bè có khi quá tải đến 21%. Riêng các tuyến đường trục 15 kV và 22 kV khá ổn định và hầu hết dây dẫn đủ khả năng tải, tuy nhiên, lưới 15 kV đã có 15 đường trục quá tải chiếm 5,1% và 17 đường trục quá tải chiếm 5,7%. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội của toàn Thành phố.
Năm 2010, sản lượng điện thương phẩm toàn Thành phố đạt 15.262 tỷ kWh, với công suất cực đại đạt 2.614 MW. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2006-2010 là 8,4%. Hiện tại, điện năng thương phẩm của thành phố Hồ Chí Minh chiếm 19,8% trong tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Theo thống kê, hiện nay, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người của Thành phố đạt khoảng 2.110 kWh, cao gấp 2,1 lần so với tiêu thụ điện bình quân của cả nước. Con số này được dự báo sẽ còn cao gấp 1,7 lần vào năm 2015 và cao gấp 1,5 lần vào năm 2020. Điều này cho thấy, nhu cầu dùng điện của người dân thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức cao hơn so với cả nước. Vì vậy, cần sớm có biện pháp xây dựng nguồn cung cấp điện ổn định để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của toàn Thành phố.
Hệ thống trạm biến áp 110kV- Trạm biến áp GIS 220/110kV Bình Tân.
Theo sơ đồ phát triển điện lực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, có xét tới 2020 thì để nâng cao công suất truyền tải và cung cấp điện, Thành phố sẽ tăng cường các thiết bị bảo vệ, phân đoạn sự cố, hiện đại các thiết bị điện, thiết bị bảo vệ và điều khiển. Bên cạnh đó là sự đổi mới về kỹ thuật truyền tải và cung cấp điện như sử dụng cấu trúc mạc vòng, mỗi trạm biến áp được cấp bằng 2 dây, đảm bảo độ dự phòng cho giai đoạn kế tiếp, thay đổi tiết diện các dây truyền tải, ngầm hóa mạch điện trung thế….Theo đề án này, từ 2011-2020, Thành phố phải xây dựng mới 11 trạm 500 kV và 69 trạm 110 kV, ngoài ra cần cải tạo và nâng công suất một số trạm như trạm Phú Lâm, Cát Lái, Vĩnh Lộc… mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của toàn Thành phố.
Mới đây, EVN HCMC đã đưa vào vận hành trạm biến áp GIS 220/110 kV Bình Tân với công suất 2x250 MVA (cấp điện áp 220 kV) và 2x63 MVA (cấp điện áp 110 kV). Đây là công trình trọng điểm nhằm đảm bảo nguồn công suất cung cấp cho phụ tải phía Tây, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, với khả năng cung cấp nguồn điện ổn định, chất lượng cao cho một khu vực rộng lớn thuộc các quận, huyện như: Bình Tân, Tân Bình, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh và nhiều khu công nghiệp trọng điểm: Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Lê Minh Xuân,...
Bà Hồ Thị Kim Nga – Trưởng phòng quy hoạch lưới điện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, tổng vốn đầu tư cho xây dựng mới và cải tạo lưới điện Thành phố giai đoạn 2011-2015 là gần 21 ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố cần xây dựng mới 7 trạm 220 kV và 35 trạm 110 kV. Dự kiến giai đoạn 2016-2020, Thành phố sẽ xây dựng mới 7 trạm với tổng công suất là 3.250 MVA, nâng công suất trạm Vĩnh Lộc lên 2x250 MVA, chuyển thành trạm chính thức.
Về hiệu quả kinh tế, tài chính của đề án này, bà Nga phân tích: “Với giá mua điện bằng 70% giá bán, phát triển điện lực Thành phố là có hiệu quả về kinh tế và tài chính, hệ số hoàn vốn nội tại kinh tế (EIRR) là 32% và tài chính (FIRR) là 26,6%. Với giá mua điện bằng 85% giá bán thì đề án đạt hiệu quả kinh tế ở phương án cơ sở với hệ số hoàn vốn EIRR= 10,1% nhưng không đạt hiệu quả về tài chính.
Trong quá trình thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2020”, EVN HCMC đã gặp một số khó khăn vướng mắc đặc biệt là nguồn vốn thực hiện, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quỹ đất để bố trí xây dựng các công trình điện…. Để giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, EVN HCMC đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, JICA, KFW, ADB…để huy động nguồn vốn đầu tư còn thiếu. Đồng thời, chủ động đề xuất với UBND Thành phố, các sở, ban ngành tạo điều kiện cho Tổng công ty tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án, phối hợp giải quyết các vấn đề về quỹ đất xây dựng, về các phương án đền bù giải phóng mặt bằng…