Tin thế giới

ASEAN nghiêm túc với ý định phát triển năng lượng hạt nhân

Thứ ba, 13/7/2010 | 10:32 GMT+7

Ý định theo đuổi năng lượng hạt nhân của các nước ASEAN không phải là mới. Nhưng do nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn nguyên liệu hóa thạch nhập khẩu cùng những lo ngại về môi trường, thì ý định này càng trở nên nghiêm túc hơn.

Giải pháp quan trọng cho nhu cầu điện năng

Hầu hết các nước ASEAN có ý định nghiêm túc lựa chọn năng lượng hạt nhân. Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS), hiện nay vẫn chưa có một nhà máy năng lượng hạt nhân nào hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong số 10 quốc gia thành viên của ASEAN, chỉ trừ Brunei và Lào, các nước khác đều có kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân hòa vào mạng lưới điện dân sự.

Indonesia có kế hoạch xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân đạt công suất khoảng 6.000 MW điện vào năm 2025. Thái Lan có kế hoạch phát triển 2 nhà máy điện hạt nhân để sản xuất 2.000 MW vào năm 2022. Trong khi đó, Singapore, là nước vốn sản xuất hầu hết điện từ nguồn khí đốt ngày càng khan hiếm, đã có kế hoạch khả thi đối với năng lượng hạt nhân. Các quốc gia khác cũng đang xây dựng các kế hoạch tương tự.

Năng lượng hạt nhân là một giải pháp quan trọng đối với Đông Nam Á, mà nhu cầu điện của khu vực này theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ tăng 76% trong giai đoạn 2007-2030 với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm là 3,3% (của thế giới ước tính khoảng 2,5%).

Ý định theo đuổi năng lượng hạt nhân đối với các quốc gia ASEAN không phải là mới. Nhưng ngày nay, với nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn nguyên liệu hóa thạch nhập khẩu và những lo ngại về môi trường, thì ý định này càng trở nên nghiêm túc hơn.

Phải tuân thủ những quy định quốc tế

Các nước ASEAN bị ràng buộc bởi Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân ký kết ở Bangkok (ngày 15/12/1995 và có hiệu lực vào ngày 28/3/1997). Hiệp ước tuyên bố rằng sẽ không có thành kiến đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời trước khi bắt đầu các chương trình hạt nhân phải có sự thống nhất chính trị từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và từ các nước ASEAN khác.

Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) của IAEA đưa ra các tiêu chuẩn bảo vệ thích hợp cho việc áp dụng đối với cả các hoạt động hạt nhân đơn giản cho đến các chu kỳ nhiên liệu hạt nhân phức tạp, ví dụ một hệ thống áp dụng cho các lò phản ứng và việc chuyển đổi, làm giàu hay các nhà máy tái chế biến sản xuất và xử lý nhiên liệu phản ứng.

Theo hướng dẫn của IAEA, khi một hiệp định bảo vệ có hiệu lực, một quốc gia có nghĩa vụ thông báo cho IAEA biết về tất cả các cơ sở và nguyên liệu hạt nhân được bảo vệ theo hiệp định đó. IAEA cũng có những quy định giám sát đối với việc theo dõi các nguyên liệu hạt nhân được thông báo.

Để hiệu quả, hệ thống này yêu cầu mức độ cao về lòng tin, sự tin tưởng lẫn nhau và sự minh bạch. Đây là những chỉ dẫn mà các chính phủ ASEAN sẽ có lợi ích theo đuổi.

Theo: (Chinhphu.vn)