Tin thế giới

Lưới điện thông minh và các vấn đề về thiết kế

Thứ tư, 9/6/2010 | 09:52 GMT+7

Thiết kế lưới điện là quá trình phức tạp, biến đổi liên tục, và theo khảo sát mới đây của Sierra Energy Group (SEG), trên toàn nước Mỹ có tới 115.000 người tham gia, bao gồm khoảng 55.000 người làm việc trong các công ty điện lực và trên 60.000 người công tác tại các hãng thiết kế công trình tư nhân. Nếu tính thêm cả những người chuyên về thiết kế trạm và khoảng 20.000 người chịu trách nhiệm ghi thông tin địa lý về các thiết kế này thì bạn có khoảng 135.000 đến 150.000 người làm việc trong lĩnh vực mà đối với không ít người là cao siêu khó hiểu.

Nhiều người trong số họ có bằng thiết kế công trình cho phép họ thực hiện các phép tính toán học và khoa học phức tạp cần thiết đối với các lưới điện phức tạp và không ngừng mở rộng ở Mỹ. Mỗi khi có nguồn điện mới đưa vào sử dụng, các kỹ sư cần phải thiết kế hệ thống lấy điện từ nhà máy điện, đưa nó lên đúng điện áp của lưới truyền tải, xác định các thông số kỹ thuật cho tất cả các thiết bị cần thiết và giám sát xây dựng. Về phía đầu bên kia của lưới điện, khi có thêm một khu nhà, thậm chí một ngôi nhà mới thì cũng phải thực hiện các bước tương tự ở cấp điện áp thấp hơn.

Nếu các công việc trên thực hiện không đúng, lưới điện có thể trở nên mất cân bằng và hỏng tại một trong hàng triệu điểm dọc theo tuyến dẫn mà dòng điện phải đi qua từ nơi nó được phát ra tới ngôi nhà hoặc doanh nghiệp nơi nó được sử dụng. Đối với các cơ quan điều tiết nhà nước các cấp cũng như quảng đại quần chúng, sự cố điện là không thể chấp nhận được, bởi vì chúng thường dẫn đến mất điện cục bộ hoặc trên diện rộng.

Để thực hiện tất cả công việc thiết kế này, theo truyền thống, các kỹ sư và những người cùng làm với họ trước đây thường sử dụng các kỹ năng thiết kế và phác thảo để vẽ các sơ đồ được cất giữ trong hồ sơ tại công ty điện lực. Gần đây hơn, các hệ thống thông tin địa lý và các công cụ thiết kế mạng của các hãng như Autodesk, Bentley và Intergraph đã được sử dụng rộng rãi. Cũng theo khảo sát nói trên của SEG, chỉ còn khoảng một phần tư công tác thiết kế là còn thực hiện bằng tay trên giấy, chủ yếu tại các công ty điện lực nhỏ, thường là ở vùng nông thôn.

Công việc theo truyền thống vốn đã là phức tạp, khó khăn về công nghệ giờ đây đang trở thành phức tạp hơn và có thể còn khó khăn hơn nhiều. Các chính trị gia và nhiều người khác đang thúc đẩy để tiến tới cái gọi là lưới điện thông minh, họ đang mường tượng về một lưới điện mới không phải lúc nào cũng chỉ bao gồm dòng điện năng đi thẳng từ nguồn điện ở trung tâm về phía người sử dụng cuối cùng. Theo dự kiến, lưới điện thông minh sẽ bao gồm các nguồn không liên tục, khi thì lấy điện từ lưới lúc khác lại đẩy dòng điện theo chiều ngược lại, thông qua các thiết bị như ô tô chạy điện, pin mặt trời và tuabin gió, một số giờ đây còn chưa nhưng dự kiến sẽ sản xuất ra điện.

Ngoài vấn đề nguồn điện không liên tục, dòng điện chạy theo hai chiều, các kỹ sư thiết kế cũng sẽ thấy hiện tượng ngày càng gia tăng về hệ thống truyền thông và công nghệ thông tin xếp chồng lên lưới điện. Từ các hệ thống SCADA tương đối đơn giản đã được lắp đặt trong vòng hai ba chục năm nay, các công ty điện lực tới đây sẽ có kế hoạch về nút điện thông minh nhân tạo được thiết kế để vận hành lưới điện theo cách tự quản, khối lượng khổng lồ các dữ liệu về tiêu thụ phát ra từ các công tơ thông minh, v.v.

Đa số các hệ thống truyền thông này đang được thiết kế cho truyền thông IP, mà truyền thông IP lại lưu thông không tốt trên đường dây điện, điều này đã được khẳng định qua nhiều thí nghiệm không thành công. Cụ thể như CenterPoint Energy đã phải bỏ dở một công trình thí điểm về truyền thông đường dây điện tải ba (power line carrier – PLC) để đọc các công tơ thông minh. Như vậy sắp tới sẽ phải thiết kế và lắp trên mạng một hệ thống truyền thông riêng để lắp với các thiết bị thông minh trên lưới điện, trạm biến áp, máy biến áp, hệ thống truyền tải, v.v. Rồi đây sẽ phải xử lý một mớ hỗn độn các tiêu chuẩn IP, và hàng lô các thiết bị mới đủ kiểu nhiều khi mang các giao thức truyền thông bản quyền.

Ngoài ra, hãy xét tới các thiết bị trong nhà cần được truyền thông để có thể đáp ứng nhu cầu - giảm mức tiêu thụ trong nhà để bù cho nguồn điện trung tâm giảm sút. Ông Dan Walter, cán bộ quản lý cấp về thị trường năng lượng thuộc Tri-State Generation and Transmission Association nói: “Phần lớn công nghệ này sẽ phải có khả năng xử lý các thách thức mới. Cho đến khi mạng đến được tới các sản phẩm của người tiêu thụ cuối cùng thì lưới điện thông minh sẽ không gây khó khăn gì lớn. Chúng ta cần bắt đầu với việc chiếc máy giặt khi chạy khi dừng. Lưới điện thông minh có xe chạy điện sắp tới sẽ gây nhiều khó khăn. Thách thức thực sự chính là các nguồn điện không liên tục. Và nếu bạn tin vào cách nhìn của một số văn bản pháp lý đang dự thảo liên quan đến cắt giảm cacbon trong vòng 20 năm tới thì thách thức sẽ là ghê gớm.”

Ông Walter nói tiếp: “Chúng ta không bao giờ nói (về việc thiết kế hệ thống) là không thể được. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn muốn trả tiền điện nhiều hay ít. Nếu giá điện tăng, toàn hệ thống sẽ phải đảm bảo tự cung tự cấp, sẽ có các sản phẩm hiệu suất cao hơn và người ta sẽ sử dụng ít điện hơn.”

Vấn đề chính là giá điện trong tương lai và giá của các hệ thống và mạng sẽ xây dựng. Trong cuộc họp mới đây tại New York City, uỷ viên của uỷ ban điện lực công bang California, bà Dian Grueneich đã phát biểu công khai rằng xây dựng lưới điện thông minh sẽ tốn kém “nhiều nghìn tỉ USD”. Về góc độ công nghệ thì tất cả chuyện này đều có thể làm được, cho dù phức tạp, nhưng giá thì không thể rẻ được.

Theo ông Barry DeBald, cán bộ cấp cao về phân tích thông tin thuộc Baltimore Gas & Electric Co., thì hiện công ty đang gồng lên với vấn đề chi phí cho lưới điện thông minh. Ông nói: “Giờ đây, mọi việc tuỳ thuộc vào việc phê duyệt của uỷ ban dịch vụ công. Chúng tôi đã thực hiện một số thí điểm ban đầu về công tơ thông minh và chúng hoạt động tốt. Tuy nhiên nếu như mở rộng ra toàn hệ thống thì đây là một đề xuất với chi phí 500 tới 600 triệu USD. Có được phê duyệt hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Về thiết kế mạng điện sẽ thay đổi ra sao, thì như chúng ta đều thấy, người ta bắt đầu sa thải phụ tải, điều đó sẽ khiến hệ thống bớt căng thẳng. Khi chúng ta bắt đầu thấy nhiều xe loại cắm điện hơn thì phụ tải sẽ dịch chuyển đáng kể. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có bao giờ đạt tới được chỗ chúng ta làm cân bằng phụ tải hoặc mất cân bằng phụ tải hay không? Khó có thể đưa ra câu trả lời, nhưng sẽ có tác động tới thiết kế bởi vì chúng ta sẽ sử dụng phụ tải nhiều hơn vào giờ thấp điểm.”

Bản thân lưới điện đã trở nên thông minh hơn qua các thế hệ, với SCADA, tự động hoá phân phối cùng các tiến bộ khác được đưa vào áp dụng trong vòng 20 đến 25 năm qua. Cái còn thiếu là mạch truyền thông để mở đường cho công tơ thông minh, xe chạy điện, nguồn điện tái tạo không liên tục, dòng công suất hai chiều, v.v. Giờ đây, người vận hành từ phòng điều khiển có thể thấy được trên màn hình máy tính lưới điện hoạt động theo thời gian thực và thấy rõ những mạch nào đang hoạt động bình thường và những mạch nào bị sự cố. Giờ đây họ cũng đã có thể từ bàn làm việc điều chỉnh dòng điện. Họ cũng có thể thấy vị trí của xe sửa chữa điện đang di chuyển trên đường phố hoặc xa lộ. Không phải tất cả các công ty điện lực đều có được tất cả các năng lực này nhưng đã có nhiều công ty làm được như vậy và mỗi năm lại có nhiều công ty sẽ được trang bị như vậy.

Một số công ty điện lực hiện đã có thể cập nhật tại hiện trường các hệ thống thiết kế lưới điện theo như thực tế thi công. Đa số các công ty điện lực ít khi làm việc này bởi vì họ thích kiểm tra đi kiểm tra lại thiết kế hệ thống trước khi thực hiện. Nhưng khả năng này giờ đây đã có ở nhiều nơi. Các kỹ sư giờ đây đã có thể cập nhật ngay tại hiện trường nếu họ muốn.

Lưới điện thông minh không phải là thách thức quá lớn, nếu xét về góc độ công nghệ hoặc thiết kế, và gần như ngày nào cũng lại có những khả năng mới có thể áp dụng. Như bà Grueneich và ông DeBald đã chỉ rõ, vấn đề là chi phí sẽ rất cao. Để có được lưới điện như hiện nay, người ta đã phải bỏ ra hàng nhiều nghìn tỉ USD, và để xây dựng lại cũng phải mất hàng nghìn tỉ USD nữa.

Về quản lý tài sản thiết bị

Máy biến áp phân phối
Công ty điện lực Cobb EMC (trụ sở tại Marietta, bang Georgia) hiện nay sử dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (geographic information system – GIS) để quản lý thông tin về các máy biến áp phân phối của họ. Ông Bhaji Dhillon, kỹ sư cao cấp về lập kế hoạch của Cobb EMC nói: “Tất cả các dữ liệu đều được lưu giữ tại đây, kể cả các thông số đặc tính và giá thành của máy biến áp.”

Thực vậy, công nghệ GIS của Cobb EMC cung cấp các dữ liệu này cho các trung tâm điều khiển và kiểm tra để vận hành lưới điện của công ty này. Nó có thể tích hợp một số ứng dụng vào một giao tiếp người sử dụng chung duy nhất. Cụ thể như nó có thể giao tiếp với hệ thống SCADA (điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu), các hệ thống thông tin khách hàng (CIS), thông tin thời tiết, v.v.

GIS cũng hỗ trợ công tác thiết kế và quản lý tài liệu về các tài sản chính của công ty, tức là các công trình truyền tải và phân phối. Thông qua chức năng này, hệ thống có thể giúp quản lý toàn bộ chu kỳ tuổi thọ của máy biến áp, bao gồm các báo cáo về bảo trì, các công tác bảo trì, kiểm tra đã thực hiện, lịch biểu thay thế và phân tích tỉ lệ sự cố.

SCADA + GIS = DAS

Cobb EMC đã sử dụng công nghệ SCADA kể từ cuối những năm 1970. Mặc dầu SCADA hiện nay không liên quan tới việc quản lý tài sản máy biến áp, nhưng công nghệ này hiện đang được mở rộng để thực hiện được chức năng này.

Để tiếp tục chuyển mạnh sang công nghệ lưới điện thông minh, Cobb EMC triển khai công trình nghiên cứu công nghệ lập bản đồ hệ thống tự động hoá phân phối (distribution automation system – DAS). Ông Dhillon cho biết: “Công nghệ này sẽ thực hiện các tính toán cho từng máy biến áp, kể cả mức phụ tải đang đặt lên từng máy biến áp.”

Công nghệ lập bản đồ DAS sẽ hoạt động ra sao? Cobb EMC đang làm việc với các cơ sở đã bán thiết bị công nghệ GIS và SCADA cho họ để kết hợp các công nghệ này với nhau. Ông Dhillon nói: “Chúng tôi sẽ nhận được mô hình kết nối từ GIS và kết nối nó với hệ SCADA của chúng tôi. Mô hình kết nối có tất cả các thông tin ghi được từ hệ thống.”

Vai trò của việc lập bản đồ DAS trong quản lý tài sản máy biến áp phân phối là cung cấp mô hình mạng điện phân phối theo thời gian thực, trực quan và topo. Nó lấy ra mọi thứ từ GIS và tạo ra một môi trường thời gian thực, về cơ bản bằng cách biến các bản đồ GIS thành hiển thị SCADA. Điều này cho phép hình dung trực quan toàn bộ hệ thống.

Một yếu tố cốt yếu của lập bản đồ DAS là phát hiện sự cố, cách ly và phục hồi (fault detection, isolation and restoration – FDIR). FDIR có quan hệ với quản lý tài sản máy biến áp phân phối bởi vì khi sự cố xảy ra, FDIR cho phép công ty điện lực định vị sự cố, mở các thiết bị đóng cắt ở hai phía điểm sự cố, cách ly sự cố, phục hồi nguồn điện tại phía nguồn của điểm có vấn đề và sau đó lập kế hoạch phục hồi phía phụ tải. Mặc dầu công việc này bản thân nó không mang lại năng lực quản lý tài sản thực sự lớn lao, nhưng nó cho phép công ty điện lực cấu hình lại hệ thống của mình có tính đến một số thông số liên quan về máy biến áp.

Ông Dhillon cho biết: “Chúng tôi hiện đang trong quá trình thực hiện DAS. Cho đến nay, nó vẫn đang hoạt động tốt”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi thấy độ tin cậy gia tăng tại những nơi áp dụng DAS.”

Một số ý tưởng mới về quản lý tài sản máy biến áp thậm chí đã bắt đầu hé lộ, trong đó có các chiến lược về xác định kích cỡ tối ưu của máy biến áp phân phối. Đặc biệt Cobb EMC đang tìm kiếm một hệ thống cơ sở hạ tầng đo tiên tiến. Ông Dhillon nêu rõ: “Chúng tôi sẽ có thể phát hiện mức tải đặt lên từng máy biến áp. Thông tin này sẽ được tích hợp vào hệ thống SCADA hiện có của chúng tôi. Khi đó chúng tôi sẽ có khả năng xác định kích cỡ của từng máy biến áp chúng tôi cần tại mỗi vị trí.”

Công trình mà National Grid đang triển khai

Một công ty điện lực khác cũng đang quan tâm đến các ứng dụng lưới điện thông minh để quản lý tài sản máy biến áp, đó là National Grid. Thực vậy, họ có thể tiến tới quản lý tài sản máy biến áp ở mức độ nào đó trong quá trình triển khai lưới điện thông minh, như một hệ quả tự nhiên.

Ông Clayton W. Burns, kỹ sư chính chịu trách nhiệm về ứng dụng lưới điện thông minh của National Grid nói: “Trong phạm vi lưới điện thông minh, chúng tôi đang cố gắng xác định làm sao theo dõi được các máy biến áp phân phối và theo dõi được bao nhiêu máy”. Bởi vì có một số hệ thống truyền thông – ví dụ như truyền thông băng rộng trên đường dây điện (broadband over power line – BPL) – yêu cầu có cầu nối để nhận được tín hiệu đi vòng quá máy biến áp phân phối, bởi vì tín hiệu không thể đi xuyên qua máy biến áp. Ông Burns nói tiếp: “Tuy nhiên một số cơ sở bán thiết bị công nghệ chào bán các cầu nối có khả năng theo dõi máy biến áp, bên cạnh mục đích chính của chúng là tạo nên tuyến đường để tín hiệu BPL đi vòng qua máy biến áp”.  Kết quả là công ty điện lực này có thể tiến tới theo dõi tài sản máy biến áp, đơn giản là bởi vì cơ sở bán thiết bị công nghệ đã chọn nó cho BPL.

Công ty National Grid cũng đang quan tâm đến công nghệ không dây để áp dụng cho hệ thống truyền thông của họ. Ông Burns nói tiếp: “Do vậy, chúng tôi đang quan tâm đến các ứng dụng mới của nhiều loại công tơ điện khác nhau để lấy được thông tin về máy biến áp phân phối, ví dụ như các kết quả đo về mức tải, hệ số công suất và chất lượng điện.”

Cho dù sử dụng công nghệ nào để theo dõi mức tải của máy biến áp phân phối thì cũng phải khắc phục được thách thức là mức tải phải đồng bộ về thời gian với mọi yếu tố khác trên lộ cấp điện. Ông Burns giải thích: “Khi theo dõi máy biến áp phân phối, bạn muốn đồng bộ hoá về thời gian các dữ liệu từ máy biến áp với tất cả các đồng hồ đo bên phía thứ cấp được máy biến áp phân phối này cấp điện”. Về phía nguồn, cũng cần phải đồng bộ hoá thời gian máy biến áp phân phối với việc theo dõi trên lộ cấp điện: theo dõi những gì cố hữu với cầu dao tự động đóng lặp lại, khoá điều khiển bộ điều chỉnh điện áp, bộ điều khiển dàn tụ điện và cuối cùng là máy cắt lộ cấp trạm biến áp.

Ông Bunrs nhấn mạnh: “Đồng bộ hoá theo thời gian là quan trọng để có thể tính toán mức tải máy biến áp theo các công tơ phía phụ tải. Ở chế độ mặc định, bạn sẽ có thể xác định khả năng ăn cắp điện, đường cong biến đổi điện áp phía thứ cấp và chẩn đoán các vấn đề ở máy biến áp phân phối, ví dụ như mất trung tính, phóng điện giữa các vòng dây.” 

Cho đến nay, tại phòng thí nghiệm “kiểm tra ý tưởng thiết kế” của National Grid, chưa thấy có vấn đề gì lớn đối với việc theo dõi và đồng bộ hoá theo thời gian, do vậy công ty đang có kế hoạch tiếp tục triển khai.

Về đào tạo nhân lực

Ông Jim Avery
Ông Jim Avery, Phó chủ tịch chịu trách nhiệm cung cấp điện thuộc Công ty Khí & Điện San Diego (SDG&E), bang California, có câu chuyện về công nghệ lưới điện thông minh và đào tạo nhân lực. Sự kết hợp này đã trở thành đề tài quen thuộc của công ty cũng như trên toàn vùng.

Ông Avery nói: “Đây chính là câu chuyện về ngành điện. Những gì sẽ xảy ra đối với ngành điện chúng ta trong vòng 10 năm tới sẽ có còn nhiều hơn những gì đã xảy trong hàng trăm năm nay. Giờ đây chúng ta đã có lưới điện thông minh và có khả năng là rồi đây sẽ xảy ra mọi thay đổi đủ loại: lưới điện thông minh sẽ báo cho chúng ta về sự cố, có thể tự chữa lành và không yêu cầu có sự can thiệp của con người.”

Hoạt động về lưới điện thông minh của SDG&E khởi đầu bằng chương trình công tơ thông minh, mở đầu là việc triển khai hàng loạt vào tháng 3/2009, cuối năm 2010 sẽ áp dụng cho 90% khách hàng và đến cuối năm 2011, sẽ áp dụng cho toàn bộ 1,4 triệu khách hàng. Công ty công ích này cũng đang cập nhật các hệ thống và các dàn đỡ của mình cho phù hợp với những thay đổi cần thiết đối với lưới điện thông minh, và đã hoàn thành áp dụng cấp vốn kích thích cho một dự án trình diễn lưới điện thông minh từ A đến Z. Ông Avery nói: “Các công ty điện lực khác đã áp dụng cấp vốn kích thích nhưng tập trung nhiều hơn vào các bộ phận hợp thành riêng lẻ của lưới điện thông minh. Dự án trình diễn của chúng tôi khác biệt ở chỗ nó bao gồm từ các thiết bị thông minh tới tận nguồn điện, bao quát toàn bộ dải điện thông minh.”

SDG&E luôn đi đầu áp dụng công nghệ mới. Ông Avery nói: “Từ chỗ chưa sử dụng năng lượng mới, trong vòng 5 năm qua, công ty chúng tôi đã tăng tỉ lệ năng lượng mới lên 10%, và trong tương lai gần, sẽ tăng thêm 5% nữa.” 

Về chủ đề nhân sự và lưới điện thông minh, ông Avery nói rằng công ty ông đang có những biến đổi lớn. “Chúng tôi xác định rằng thế hệ nhân sự mới sẽ khác hẳn. Để khai thác tài năng của họ, chúng tôi áp dụng một chương trình quyết liệt để đưa các sinh viên vào học nội trú. Chúng tôi muốn thu hút họ từ sớm khi họ mới bắt đầu học công nghệ, bằng cách đưa họ vào tất cả các giai đoạn của khoá đào tạo. Chúng tôi đề nghị 75% số sinh viên nội trú của chúng tôi ký hợp đồng làm việc và tất cả họ đều nhận một công việc chúng tôi mời chào. Sự việc phi thường này đã xảy ra bởi vì các sinh viên nhận thức rằng công ty chúng tôi thực sự mong muốn thay đổi. Chúng tôi đang tìm những sinh viên trẻ sau này sẽ là những người đi đầu trong áp dụng công nghệ mới, những người giỏi nhất và sáng giá nhất của chúng tôi.”

Làm việc với các nhân viên trẻ là hết sức có lợi trong lĩnh vực an ninh. Ông Avery nói: “Các nhân viên này đã được đào tạo về công nghệ số và họ thành thạo trong việc phát hiện các lỗi trong hệ thống và sửa các lỗi này. Chúng tôi cũng có quan hệ đối tác với công ty cung cấp an ninh quân đội nhằm tiếp cận kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của họ.”

Dự án thí điểm được triển khai cho việc áp dụng gói kích thích của SDG&E bao gồm một liên minh của 25 tổ chức và các cơ sở lớn dự kiến bán thiết bị công nghệ, và thu hút cả các tổ chức công đoàn như International Brotherhood of Electrical Workers, San Diego Workforce Partnership và CleanTECH San Diego. Ông Avery nói: “Công đoàn của chúng tôi hiểu rằng tương lai của ngành là công nghệ. Họ muốn tham gia vào tương lai này và tích cực tham gia vào lĩnh vực đào tạo trong khu vực. Họ hoan nghênh tốc độ tăng trưởng cao của chúng tôi về năng lượng tái tạo cũng như cam kết của chúng tôi là sẽ đạt mục tiêu 33% nguồn điện là tái tạo vào năm 2020. Công ty điện lực SDG&E thu hút công đoàn vào lưới điện thông minh và sáng kiến xanh của công ty, và công đoàn thấy rằng những thay đổi này sẽ tạo ra nhiều việc làm.

Ramsey Ayass (bên trái) và Sherwin Yari (bên phải) đang làm việc tại công trường khi họ tham gia chương trình nội trú của công ty SDG&E. Ayass đã được trả lương trong chương trình này và hiện nay anh là kỹ sư của công ty SDG&E.

San Diego (thành phố ở bang California) giàu về công nghệ, điều này giúp cho công tác tuyển dụng được dễ dàng, công ty điện lực SDG&E đã chứng minh được rằng sử dụng công nghệ mới đem lại lợi ích cho hộ tiêu thụ. San Diego được đánh giá có nguồn điện tin cậy nhất ở miền Tây Hoa Kỳ.

SDG&E cũng tham gia vào việc phát triển công nghệ xe chạy điện. Ông Avery nói: “Xe ôtô chạy điện sẽ nhanh chóng được chấp nhận và chúng tôi đang chuẩn bị cho mức tăng đột biến này. Nếu hộ tiêu thụ nạp điện cho xe của họ tại nhà thì mức tiêu điện dân dụng có thể sẽ tăng 50 đến 75%. Chúng tôi đang phát triển công nghệ mới sao cho khách hàng có thể nạp điện ôtô tại trung tâm thương mại, tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu, mà tiền điện vẫn tính vào một hoá đơn tiền điện duy nhất. Chúng tôi cũng thấy đây là cơ hội để quản lý phụ tải tại các trạm nạp điện và tích hợp các phụ tải này với nguồn điện luôn thăng giáng của năng lượng tái tạo.”

San Diego Workforce Partnership và CleanTECH San Diego đều tham gia vào liên minh trong đề xuất kích thích của SDG&E. Tổ chức Partnership sẽ hướng các cử tri của họ vào thế hệ tiếp theo các việc làm liên quan đến lưới điện thông minh và công nghệ sạch, và nhận diện các nhu cầu công nghệ và bắt tay ngay vào việc đào tạo để đáp ứng các nhu cầu này. CleanTECH sẽ quan tâm để sao cho các sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới thúc đẩy nền kinh tế tại địa phương. Nhóm đề xuất kích thích cũng bao gồm ba trường đại học tại địa phương, các trường này mong muốn dựa vào dự án thí điểm để các sinh viên của họ có thêm kinh nghiệm thực tiễn cũng như các cơ hội đào tạo mới.

San Diego có mức tiêu thụ năng lượng sinh hoạt thấp nhất ở Mỹ. Một trong các ngành có mức tăng trưởng công nghệ cao nhất trong vùng là năng lượng mặt trời. Công đoàn đang đào tạo công nhân điện lắp đặt các công trình năng lượng mặt trời. Ông Avery nói: “Mục tiêu của chúng tôi là gieo mầm công nghệ năng lượng tái tạo để nó đâm chồi nảy lộc.” 

Theo: QLNĐ số 2/2010