Tin thế giới

Châu Âu làm "cách mạng năng lượng xanh"

Thứ hai, 12/7/2010 | 15:23 GMT+7
Theo nghiên cứu mang tên Cách mạng năng lượng: Hướng tới cung cấp năng lượng tái tạo đầy đủ tại châu Âu (Energy (R)evolution: Towards a fully renewable energy supply in the EU) của tổ chức Greenpeace và hội đồng Năng lượng tái tạo châu Âu (EREC) công bố ngày 8.7, đến năm 2050, Liên minh châu Âu (EU) có thể chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo gần như hoàn toàn.

Nghiên cứu cho biết 27 nước thành viên châu Âu có thể hướng tới loại bớt năng lượng hóa thạch và hạt nhân để dần sử dụng các nguồn khác như năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt và sinh khối (biomass). Cụ thể: vào năm 2050, 92% năng lượng sử dụng và 97% lượng điện của châu Âu sẽ là năng lượng tái tạo; 8% số năng lượng còn lại là dầu hỏa, chỉ được dùng trong hàng hải và hàng không, vốn là hai lĩnh vực được xem là khó tìm nguồn năng lượng thay thế.

Chi phí lớn nhưng có lợi

Mục tiêu trên có thể làm EU tiêu tốn trên 2.000 tỉ euro từ nay đến năm 2050, đồng thời làm giá năng lượng trong khu vực này tăng cao trong ngắn và trung hạn. Đầu tư cho năng năng lượng tái tạo từ 2007 đến 2030 có thể lên đến 30 tỉ euro/năm, tương đương 80% tổng số đầu tư của EU.

Tuy nhiên Greenpeace và EREC khẳng định các kế hoạch năng lượng xanh sẽ giúp châu Âu giảm gánh nặng 19 tỉ euro (24,05 tỉ USD) mỗi năm cho nhập khẩu dầu và khí đốt. Tính tổng cộng đến năm 2050, EU có thể tiết kiệm 2650 tỉ euro chi phí nhiên liệu.

Ngoài ra, các dự án năng lượng xanh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1,2 triệu người lao động châu Âu vào năm 2030 và tạo ra 280.000 việc làm mới từ năm 2020 đến 2030.

Theo Greenpeace và EREC, đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 95% so với năm 1990. Và nguồn năng lượng này cũng sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thay thế dầu hỏa, giúp châu lục già đảm bảo an ninh năng lượng.

Nước Đức đi đầu về năng lượng “xanh"

Ngày 7.7, theo nghiên cứu mới công bố của cơ quan Môi trường liên bang Đức, vào năm 2050, toàn bộ lượng điện ở Đức sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Nước này cũng định hướng trở thành nước đầu tiên từ bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Jochen Flasbarth, chủ tịch cơ quan Môi trường liên bang cho biết: “Về mặt kỹ thuật và sinh thái, Đức hoàn toàn có khả năng chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo”.

Kế hoạch trên sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Đức, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp chế tạo hướng xuất khẩu. Ông Jochen Flasbarth nói: “Chi phí cho chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thấp hơn rất nhiều so với cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu”. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng xanh cũng giúp giảm khí thải và tạo hàng chục nghìn việc làm mới. Chính phủ Đức đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 40% vào năm 2020 và từ 80 đến 85% năm 2050 (so với năm 1990).

Đức hiện là nước đứng đầu thế giới về năng lượng tái tạo và xuất khẩu công nghệ xanh. Hiện 16% điện ở nước này được sản xuất từ gió, mặt trời và các nguồn tái tạo khác.

Đức cũng là nước đứng đầu về quang điện và đứng thứ nhì sau Mỹ về phong điện. Khoảng 300.000 việc làm về năng lượng tái tạo đã được tạo tại Đức trong thập kỷ qua.

Theo: SGTT