Tin thế giới

Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Thứ ba, 29/6/2010 | 09:57 GMT+7

Dự án thuỷ điện Tekeze (Ethiopia) hoàn thành đã  khơi nguồn năng lượng tái tạo mới, mở ra cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế cho người dân Ethiopia

Trong thế giới các đập và thủy điện, tác động của dự án thường được đo bằng mêgaoát (MW) và dung tích trữ nước. Nhưng dự án thủy điện Tekeze ở Ethiopia hoàn thành gần đây lại như lời nhắc nhở rằng lợi ích của các dự án cơ sở hạ tầng lớn không chỉ giới hạn trong các số liệu kỹ thuật và cải tiến về thiết kế mà còn có thể mở rộng theo hướng hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương ở các nơi trên thế giới.

Công trình đập và thủy điện Tekeze

Năng lượng tin cậy cho ETHIOPIA

Lễ khánh thành tổ chức ngày 14/11/2009 đánh dấu việc hoàn thành dự án thủy điện Tekeze trên sông Tekeze (chi lưu sông Nile) ở Ethiopia. Sự kiện này thu hút hơn 1.000 quan chức chính phủ Ethiopia và nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp và đối tác dự án, bao gồm Tổng công ty Điện lực Ethiopia (EEPCO), Energoprojekt Hidroinzenjering của Serbia và Công ty kỹ thuật toàn cầu MWH có trụ sở tại Mỹ.

Dự án này do chính phủ tài trợ - và là đập cao nhất ở Châu Phi, tới 188m - hiện đang dùng nguồn năng lượng tin cậy, tái tạo để cung cấp điện năng cho đất nước 80 triệu dân thường xuyên bị cắt điện do thiếu năng lượng.

Nhà máy chính thức bắt đầu phát điện tháng 8 năm 2009, vào chính giữa mùa mưa. Công suất của công trình này là  300 MW, bằng hơn 40% công suất nguồn trước đó của cả nước. Công trình gồm có đập bê tông vòm cong hai chiều, tạo ra hồ chứa dài 70 km, hai đường hầm dẫn dòng, công trình nhận nước cao 75 m, các đường hầm áp lực, nhà máy điện ngầm chứa bốn tuabin Francis, công suất đơn vị 75 MW, trạm biến áp 230 kV và đường dây truyền tải mạch kép dài 105 km để kết nối với lưới điện quốc gia Ethiopia.

Củng cố cơ sở hạ tầng cộng đồng

Ngoài các thông số kỹ thuật, dự án thuỷ điện Tekeze là ví dụ rõ ràng về tiềm năng năng lượng lớn của các dòng sông trên đất nước này. Đây cũng là ví dụ về phát triển kinh tế địa phương để thúc đẩy tăng trưởng của cộng đồng địa phương.

Năm 1995, Bộ Thuỷ lợi Ethiopia tiến hành nghiên cứu khảo sát và xác định sông Tekeze là một trong hai tuyến đập tiềm năng để phát triển thủy điện. Nghiên cứu tiền khả thi được tiến hành tháng 8/1996, và nghiên cứu khả thi được hoàn thành năm 1997.

Vì công trường nằm ở miền xa xôi vùng Tigray phía bắc Ethiopia nên trong giai đoạn đầu của dự án phải xây dựng hơn 40 km đường bộ. Ngoài ra, phải xây dựng mới một số ngôi làng nhỏ vì số lượng công nhân yêu cầu là lớn. Vào lúc cao điểm xây dựng, các con đường mới đã kết nối hơn 2.500 người dân trong các cộng đồng ở xung quanh. Khu nhà ở ban đầu được xây dựng làm nơi trú ngụ cho nhân viên làm việc cho dự án đã tăng nhanh tới hơn 100 căn nhà mà hiện nay chủ yếu dành cho nhân viên của  EEPCO thuộc biên chế vận hành công trình.

Một khu nhà ở nữa, làng Seboko, phát triển từ một nhóm nhỏ ngôi nhà ở gần công trường xây dựng. Bản thân các ngôi làng cũng lớn dần để hỗ trợ nền kinh tế sôi động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động và dân cư bản địa gồm có các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ và nhà thờ. Trong thời gian ban đầu xây dựng khu nhà ở, nhân viên MWH khuyến khích trồng nhiều cây và cây bụi bản địa đến mức khu nhà ở này đã phát triển thành ốc đảo xanh tươi ở giữa một nơi vốn rất khô cằn và đầy sỏi đá.

Với một nền kinh tế địa phương có lịch sử dựa vào nông nghiệp, khu vực này ban đầu dân cư rất thưa thớt, đất chỉ dùng cho gia súc ăn cỏ và trồng trọt theo mùa, trông chờ vào mưa. Các ngôi làng mới này đã làm thay đổi cảnh quan địa phương bởi vì cơ sở hạ tầng tại các làng dự án được cải thiện đã thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa nhờ có nước và điện ở những nơi trước đây chỉ thắp sáng bằng đèn dầu còn nước thì phải xa mới tới giếng và đội về. Dân cư địa phương cũng có thể sử dụng nước miễn phí đã qua xử lý tại cổng khu nhà ở của EEPCO.

EEPCO thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn để đưa điện tới các ngôi làng, giống như Seboko. Chỉ cách đây 3 năm, có thể đánh xe đi 120 km từ Tekeze đến Mekele (thủ phủ vùng Tigray) mà không thấy một ngọn điện nào. Ngày nay gần như mọi ngôi làng dọc theo tuyến đường này đã được thắp sáng.

Khi dự án gần hoàn thành, một số ngôi nhà không còn cần thiết nữa, một khu định cư nhỏ được trao cho chính quyền địa phương để chuyển thành bệnh viện. Bệnh viện mới này đáp ứng được nhu cầu y tế của người dân địa phương, vì trước đây những người trong vùng dự án nếu muốn nhận được sự trợ giúp y tế thì phải đi rất xa. Tổng cộng có ba trạm y tế đã được xây dựng ở khu vực quanh vùng hồ, còn bệnh viện mới ở làng Seboko vừa mới bắt đầu xây dựng.

Một khu vực TEKEZE  bền vững

Con đập này giúp điều tiết phần lớn dòng chảy của sông, cho phép các cộng đồng dân cư vùng hạ lưu có nguồn nước liên tục quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tưới tiêu nông nghiệp.

Hồ chứa dài 70 km do đập Tekeze tạo ra cung cấp nguồn cá dồi dào cho dân địa phương và có tiềm năng lớn phát triển ngành thủy sản thương mại. Hồ cũng tạo môi trường sống lý tưởng cho loài chim (chim địa phương cũng như chim di cư) và với phong cảnh tuyệt đẹp của dãy núi Simien, khu vực này có thể tạo ra một trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn nếu được khai thác khôn khéo.

Cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, hồ chứa mới này gây trở ngại cho một số tuyến đường truyền thống. Để khắc phục, hai chiếc phà hiện đã được đưa vào hoạt động, phục vụ việc đi lại qua hồ chứa, giữa các vùng Amhara và Gondar của Ethiopia.

Giáo dục và đào tạo

Cuộc sống ở Ethiopia có thể được xem là khắc nghiệt. Hằng ngày phụ nữ và các bé gái phải đội nước từ rất xa về nhà. Người dân nước này thường xuyên phải chịu cảnh mất điện do tình trạng thiếu điện. Để đến trường, trẻ em có thể phải đi bộ tới 8 km. Ngôi trường của các cháu hoạt động tốt, nhưng xây dựng quá đơn sơ và thường thiếu đồ dùng dạy học.

Các dự án tại những nơi xa xôi như Tekeze đòi hỏi nhiều kỹ sư nước ngoài chuyển đến sống cùng cộng đồng địa phương, họ thường trở thành những thành viên gắn kết và hăng hái của cộng đồng. Đây chắc chắn là trường hợp nhiều kỹ sư nước ngoài của thủy điện Tekeze và gia đình của họ.

Ví dụ, Lorna Penman chuyển tới Ethiopia khi ông Derrick chồng bà được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng thiết kế cho dự án Tekeze của MWH. Bà bắt đầu đi bộ hằng ngày để làm quen với môi trường mới xung quanh. Bà đã thấy tận mắt những thách thức mà trẻ em ở đây phải đối mặt khi đi học: Trường thì xa, trời thì nóng bức. Bà bắt đầu tìm cách tác động tích cực tới việc học hành của bọn trẻ. Đầu tiên là cung cấp sách giáo khoa, giáo cụ, bút mực và bàn ghế, sau đó bà Penman bắt đầu tìm hiểu khả năng xây dựng một trường học gần Tekeze hơn.

Với lòng kiên trì và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ước mơ của bà Penman đã trở thành hiện thực. Chính quyền địa phương cấp tiền thuê ba giáo viên cho hơn 150 học sinh và, khoản tiền 1.000 USD của MWH tặng đã được dùng để mua vật tư và việc xây dựng trường học gần Seboko bắt đầu. Dự án thuê nhân công địa phương, thù lao được trả bằng ngũ cốc được tặng. Bà Penman đã tìm kiếm thêm hỗ trợ thông qua chiến dịch mang tên “Chỉ một birr” (khoảng 12 xu tiền Ethuiopia) để kêu gọi các nhà thầu, kỹ sư và nhân viên khác làm việc ở Tekeze đóng góp cho trường học. Bà đã huy động thêm được tổng cộng 1.000 USD để xây dựng trường học mới.

Di sản của các hoạt động xây dựng ở Tekeze sẽ truyền lại cho các thế hệ sau. Nhiều trường học khác cũng được xây dựng trong quá trình xây dựng đập, do người Trung Quốc và những người nước ngoài khác hỗ trợ. Chính quyền địa phương đã xây dựng một ngôi trường cách công trường 10 km ngay từ đầu trong quá trình xây dựng, và EEPCO đang tiến hành xây dựng ngôi trường thứ ba cách công trường khoảng 50 km. Một tòa nhà văn phòng được sử dụng trong quá trình xây dựng có thể cuối cùng cũng được chuyển đổi thành trường học cho con em các nhân viên trong biên chế vận hành thủy điện Tekeze, và đã có kế hoạch chuyển đổi các tòa nhà khác thành trung tâm dậy nghề cho thanh niên trong cả vùng Tigray.

Trẻ em địa phương không phải là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ các cơ hội khác do dự án này mang lại, ví dụ như nhiều người lao động địa phương được học và đào tạo nhằm cải thiện toàn diện cuộc sống của họ. Các chương trình này cũng bao gồm các chương trình cụ thể về phòng chống AIDS, sốt rét, và rất nhiều vấn đề về an toàn, y tế và phúc lợi ảnh hưởng tới người dân địa phương. Nhân viên thuê tại địa phương thuộc mọi nghề xây dựng được đào tạo tại chức, tạo nên nguồn cung cấp lớn về lao động có chuyên môn và kinh nghiệm, từ lái xe tải cho tới thợ đổ bê tông, thợ điện và kỹ sư, giờ đây đã sẵn có để xây dựng các dự án lớn tiếp theo. Nhiều người dân địa phương cũng được tạo điều kiện trở thành nhà thầu độc lập, xây dựng nhà ở và các tòa nhà công cộng mới.

Ngoài những lợi ích kỹ thuật cực kỳ quan trọng do dự án thủy điện Tekeze mang lại – cụ thể như có được nguồn điện, ánh sáng, sưởi ấm tin cậy hơn cho đất nước 80 triệu dân này - các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, có cơ hội đặc biệt là đem lại lợi ích đến tận các cộng đồng mà chúng phục vụ. Khi cộng đồng kỹ thuật quốc tế đến sống và làm việc tại các địa điểm này, thì ngoài vấn đề kỹ thuật và tiến độ thực hiện dự án thì tầm nhìn xa và các cam kết của họ sẽ tác động mạnh mẽ và lâu dài tới việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Theo: QLNĐ số 5/2010