Sự kiện

EVN: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điện

Thứ năm, 3/4/2014 | 13:36 GMT+7
Năm 2013,  lần đầu tiên trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển, ngành điện có thể tự hào tuyên bố cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và các nhu cầu xã hội và có điện dự phòng. Đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm  kinh doanh thua lỗ, công ty mẹ EVN lãi khoảng 120 tỷ đồng.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Năm đầu tiên có điện dự phòng

Năm 2013 được coi là năm “xuôi chèo mát mái” của ngành điện với những thành công đáng tự hào. Tính đến cuối năm 2013, công suất khả dụng toàn hệ thống đạt 23.000 MW (công suất sử dụng trên 21.600 MW). Như vậy, sau 59 năm phát triển, lần đầu tiên hệ thống có điện dự phòng. Điện sản xuất và mua của EVN đạt 127,84 tỷ kWh, tăng 8,47% so với năm 2012. Hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện với sản lượng 56,45 tỷ kWh. Đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện cả nước đạt gần 98%; đưa  nhiều công trình nguồn và lưới điện quan trọng trong Quy hoạch điện VII vào vận hành. Trong tổng sơ đồ điện VII, EVN đã đưa vào 22 tổ máy với công suất hơn 4.300 MW vượt kế hoạch khoảng 3.500 MW. Ngành điện đầu tư xây dựng với giá trị trên 104.000 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức đầu tư xã hội. Cũng trong năm 2013, lần đầu tiên EVN đã dùng cáp ngầm để đưa điện ra Cô Tô, Phú Quốc, đưa điện về 1.300 thôn buôn của 5 tỉnh Tây Nguyên, cho đồng bào Khơ-me ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Theo ông Phạm Lê Thanh- Tổng giám đốc EVN, có thành công trên là do hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi về thuỷ điện, huy động hợp lý cơ cấu các nguồn phát điện. Các nguồn điện trên toàn quốc đã đáp ứng được cả về sản lượng và công suất. Các nhà máy tuabin khí đã huy động tối đa từ đầu năm, các nhà máy nhiệt điện than vận hành ổn định hơn so với năm 2012 và chỉ giảm sản lượng phát trong các tháng mùa lũ. Đặc biệt, EVN đã triển khai quyết liệt công tác tiết kiệm điện với sản lượng điện tiết kiệm ước đạt 2.625 triệu kWh, tương đương 2,3% điện thương phẩm, góp phần giảm tỷ lệ tiêu hao điện/GDP (hệ số đàn hồi) về 1,69 (năm 2012 là 2%).  Các đơn vị đều tích cực đẩy mạnh các biện pháp quản lý vận hành, ngăn ngừa sự cố, rút ngắn thời gian cắt điện, phân giao chỉ tiêu suất sự cố gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao hơn

Với 3 mục tiêu chính là bảo đảm đủ điện cho cả nước, bổ sung nguồn điện cho miền Nam và tiếp tục tái cơ cấu, năm 2014 được coi là năm quyết định trong việc hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2010 – 2015.

Mục tiêu của EVN là phấn đấu tạo thêm nhiều đột phá mới trong năm 2014 với dự kiến sẽ tăng mức đầu tư lên 123.000 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tiên của EVN là hoàn thiện các dịch vụ khách hàng hơn nữa, tiếp đó là tính toán kinh doanh có lãi, đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả các đơn vị trực thuộc. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục đảm bảo đủ điện cho mùa khô năm 2014. Tuy nhiên, dù cân bằng công suất toàn hệ thống điện giai đoạn 2013-2020 có dự phòng lớn ở miền Bắc và miền Trung nhưng hệ thống điện miền Nam không có công suất dự trữ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để khắc phục, hiện EVN đang tiếp tục khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện để đảm bảo tích nước ở mực nước dâng bình thường, khai thác cao các nguồn nhiệt điện than, các tổ máy tua bin khí khai thác cao theo nhu cầu trữ nước các hồ thủy điện và đảm bảo điện cho miền Nam.

Cũng theo EVN, các dự án nguồn điện quan trọng cơ bản đảm bảo cấp điện cho miền Nam đang bám sát tiến độ yêu cầu. Trong quý 1/2014, đã hòa lưới phát điện tổ máy 1- nhiệt điện (NĐ) Vĩnh Tân 2 (622 MW), tổ máy 2 NĐ Hải Phòng 2 (300 MW); khởi công NĐ Thái Bình và NĐ Vĩnh Tân 4. Các dự án này sẽ là nguồn cung điện quan trọng cho những năm tới. Các công trình lưới điện cũng đang tích cực bám sát tiến độ như đường dây (ĐZ) 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông phấn đấu đóng điện cuối tháng 4/2014. ĐZ 500 kV Phú Lâm - Ô Môn, Trạm biến áp 500 kV Sông Mây và các công trình đấu nối, Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, ĐZ 500 kV Quảng Ninh - Mông Dương, Quảng Ninh - Hiệp Hoà, Vĩnh Tân - Sông Mây, ĐZ 220 kV Thanh Hoá - Vinh mạch 2, đấu nối Formosa Hà Tĩnh... cũng đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, ngoài hai hệ thống 500kV Bắc Nam mạch 1 và 2, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đang khép mạch vòng truyền tải từ Hòa Bình-Nho Quan-Thường Tín-Quảng Ninh-Hiệp Hòa-Sơn La-Hòa Bình; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ Phú Mỹ-Sông Mây-Tân Định-Phú Lâm-Ô Môn-Nhà Bè-Phú Mỹ. Đây là cơ sở để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải cả nước.

Theo Quy hoạch điện VII, hết năm 2013, tổng công suất điện của cả nước sẽ đạt khoảng 30.000 MW. Từ nay đến năm 2020, phải đưa vào trên 6.000 MW/năm. Muốn thế,  EVN cần huy động khoảng 7 tỷ USD/năm để thực hiện đầu tư.  Riêng năm 2014 sẽ có 192 công trình lưới điện từ 110-500kV được hoàn thành. Điện sản xuất và mua 140,5 tỷ kWh, tăng 9,9% so với năm 2013, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao hơn.
Khánh Chi/Icon.com.vn