Lưới điện trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Dương Anh Minh
Gian nan tìm nguồn điện
Vừa có dịp theo đoàn tham quan đến vương quốc tỏi, tận mắt chứng kiến việc kinh doanh, phục vụ điện nơi đây mới thấy những gì mà báo chí viết về việc cung ứng điện nơi đây quả thật không sai! Dùng cụm từ kinh doanh để cho nó phù hợp với cơ chế hiện nay của Ngành điện, chứ thật ra việc cung ứng điện ở Lý Sơn chỉ nặng về phục vụ, bởi quá trình cấp điện là một chuỗi những tháng, ngày gian nan vất vả, phải chịu lỗ lớn, nếu không có Ngành điện đảm trách thì chẳng có doanh nghiệp nào dám nghĩ tới. Đối với người dân, chuyện điện vừa thiếu, vừa yếu, lúc có, lúc không là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thiếu điện, điện phập phồng khiến người dân từng giờ, từng phút ngóng chờ điện từ đất liền ra, như chờ một phép màu!
Với vị trí là huyện đảo tiền tiêu, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn. Trong đó, việc thiếu điện là thiếu cả một một nguồn động lực quan trọng, to lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Bởi thế, trước đây các cấp lãnh đạo địa phương và Ngành điện không ngừng tìm giải pháp đầu tư cung ứng điện cho huyện.
Năm 1997, công trình điện đầu tiên tại huyện đảo Lý Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng gồm 01 Nhà máy điện với 01 tổ máy diesel phát điện FG Wilson P380; 01 trạm biến áp nâng 400kVA 0,4/15(22)kV và lưới điện phân phối gồm 3,8km đường dây 15(22)kV, 02 trạm biến áp 160kVA 15(22)/0,4kV và 3,944km đường dây 0,4kV.
Ngày 01/01/2002, Điện lực Quảng Ngãi (nay là PC Quảng Ngãi) tiếp nhận và quản lý vận hành toàn bộ hệ thống điện nói trên. Cũng trong năm này, PC Quảng Ngãi đầu tư bổ sung nguồn cho huyện đảo Lý Sơn gồm 02 tổ máy diesel phát điện EGM 200kW từ Điện lực Gia Lai chuyển về, duy tu bảo dưỡng để chuyển ra Nhà máy điện Lý Sơn, nâng dung lượng trạm biến áp nâng thành (400+250)kVA 0,4/15(22)kV, nâng dung lượng 02 trạm biến áp phụ tải thành 2x250kVA 15(22)/0,4kV. Năm 2003, Công ty đầu tư bổ sung lắp đặt mới 02 tổ máy diesel phát điện IVECO 366kW, xây dựng thêm lưới điện phân phối và chuyển cấp điện áp vận hành từ 15kV lên 22kV. Năm 2005, PC Quảng Ngãi tiếp tục bổ sung thêm 02 tổ máy diesel phát điện SKODA 688kW được duy tu bảo dưỡng từ Điện lực Kon Tum chuyển ra Nhà máy điện Lý Sơn và xây dựng thêm lưới điện phân phối. Đến cuối năm 2005, trạm biến áp nâng gồm 06 máy biến áp (400+250+2x560+2x1000)kVA 0,4/22kV; lưới điện phân phối gồm 8,803km đường dây 22kV trong đó có 0,356km cáp ngầm 22kV, 11 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 2.030kVA và 17,282km đường dây hạ áp. Cuối năm 2011 và giữa năm 2013, PC Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện 02 đợt bổ sung thêm cho Nhà máy điện Lý Sơn 04 tổ máy SKODA 688kW được di dời từ Nhà máy điện Quảng Ngãi để thay thế cho một số tổ máy bị hư hỏng hoặc đã quá già cỗi đồng thời đầu tư phát triển thêm lưới điện phân phối để phát huy hiệu quả nguồn điện… Hiện nay, lưới điện đã phủ đến các thôn xóm của 02 xã thuộc đảo Lớn, 100% số hộ đã có điện. Nhà máy điện Lý Sơn gồm có 06 tổ máy SKODA, tổng công suất lắp đặt là 6x688kW, công suất huy động thường xuyên khoảng 2,2-2,4MW cấp điện cho đảo Lớn là 02 xã An Hải và An Vĩnh, hàng ngày cấp điện cho nhân dân trên đảo từ 17h 23h. Riêng xã An Bình, do điều kiện địa lý cách trở, dân cư thưa thớt, hiện nay chỉ cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các hộ dân của xã.
Được bù lỗ giá điện vẫn cao!
Ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, tiềm năng kinh tế của huyện rất lớn, đặc biệt là hải sản, du lịch và trồng tỏi. Dù đã có điện, nhưng với việc cung ứng điện không ổn định, giá thành cao thì không những ngành Điện phải chịu lỗ mà địa phương cũng khó có động lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện xóa đói giảm nghèo. “Dòng điện chủ yếu dùng cho ánh sáng sinh hoạt, điện áp không ổn định nên không thể hỗ trợ địa phương phát huy được những tiềm năng của huyện” - ông Linh nói.
Ông Linh còn nói, các tổ máy điện đã đến thời kỳ già cỗi, dù Điện lực Lý Sơn đã rất nỗ lực, song dòng điện vẫn thiếu ổn định, chất lượng điện áp không đảm bảo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trên đảo. Do chạy dầu Diezel nên giá thành điện rất cao. Để hỗ trợ người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quy định giá bán lẻ điện cho sinh hoạt là 2.263,27 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), song so với giá điện bình quân toàn tỉnh, mức giá này vẫn cao gấp đôi, nhưng vẫn còn thấp hơn 4,5 lần giá làm ra điện.
Trong khi đó, giá bán điện cho các mục đích khác như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hành chính sự nghiệp, đổ đồng 10.140,83 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), ngang bằng với giá thành sản xuất điện. Ông Võ Văn Tráng, chủ khách sạn Lý Sơn than phiền, điện thắp ngắt quảng, nhưng chi phí tiền điện khá cao, do đó chúng tôi phải đẩy giá thuê phòng và giá dịch vụ lên, điều này đã hạn chế du khách đến tham quan trên đảo rất nhiều. Còn ông Huỳnh Trung Đông, hướng dẫn viên du lịch Công ty CP du lịch Quảng Ngãi, cho biết, mỗi năm chúng tôi đưa khoảng năm, sáu chục đoàn tham quan ra đảo. Nếu điện tốt hơn, số đoàn có thể tăng gấp đôi.
Như thế mới thấy nghịch lý kinh doanh điện ở đây là, Ngành điện phải chịu lỗ, tổng cộng 4 năm 2010 – 2013, bù lỗ 64 tỷ đồng. Trong khi đó, dân nghèo phải chịu tiền điện cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đình trệ, khó khăn. Nơi đây, dòng điện không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn.
Để tính toán phương án cấp điện ổn định cho huyện, mấy năm trước đã có một số nhà đầu tư tiến hành khảo sát lập dự án cấp điện bằng các nguồn năng lượng như phong điện; kết hợp tuabin gió và máy phát diesel; điện gió - điện mặt trời - acqui tích điện – diesel, kể cả việc đầu tư nhà máy nhiệt điện quy mô lớn... Tuy nhiên các dự án này đều không khả thi do ưu điểm và hiệu quả không hơn nguồn điện hiện có.
Công nhân ngành điện kiểm tra và vệ sinh TBA. Ảnh: Dương Anh Minh
Nao nức chờ dòng “điện mới”
“Điện mới” ở đây là điện lưới quốc gia sắp được đưa ra đảo theo chủ trương của Chính phủ. Từ cuối năm 2012, Chính phủ thống nhất cho phép Ngành điện đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra đảo. Theo đó, Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư thực hiện Dự án "Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm". Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 652 tỷ đồng, gồm 9 km đường dây 22 kV từ đất liền ra bờ biển, 26 km đường dây cáp ngầm xuyên biển và 3 km đường dây trên đảo Lớn Lý Sơn.
Ngoài ra, EVNCPC cũng đang triển khai đồng thời dự án "Cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn" bằng nguồn vốn vay 29 tỷ đồng của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), gồm xây dựng mới 16,5 km trung, hạ áp; 15 trạm biến áp phụ tải (3.400 kVA). Và bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNCPC hơn 8,8 tỷ đồng, PC Quảng Ngãi tiến hành xây dựng nhà điều hành sản xuất Điện lực Lý Sơn.
Theo dự kiến của EVNCPC, nếu tình hình thời tiết bình thường thì đến cuối năm 2014, người dân trên đảo sẽ có điện lưới 24/24h, với công suất nguồn 10MW (gấp 5 lần) và mức sử dụng điện khoảng 1.500kWh/người/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC, do đặc điểm thời tiết biển tại khu vực, việc chôn cáp vào lòng đất dưới đáy biển được thực hiện bằng robot, đòi hỏi độ chính xác cao, phải được thực hiện vào mùa biển lặng, từ tháng 1 đến tháng 8 mới có thể hoàn thành đưa công trình vào sử dụng cuối năm 2014. Với yêu cầu rất gấp về tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các thành phần tham gia dự án, nhất là sự vào cuộc của địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí kinh phí đền bù cho tuyến đường dây trên đất liền và tạo thuận lợi trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và cấp đất đối với dự án xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối trên đảo.
Dự án trên nếu hoàn thành sẽ cải thiện triệt để nguồn và lưới điện, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo Lý Sơn theo hướng “thương mại - dịch vụ/nông lâm thủy sản/công nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, thế mạnh từ biển và tuyến du lịch "biển đảo Lý Sơn" sẽ được khai thác tối đa. Những năm tiếp theo, tốc độ tăng sẽ đột biến hơn nhờ có điện. Bởi vậy, theo ông Phạm Hoàng Linh, chính quyền và dân cư trên đảo đang náo nức chờ được hưởng lợi từ dự án điện nói trên.
Nhìn lại chặng đường cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn, người dân đảo không thể nào quên những chuỗi ngày gian nan vất vả của những người làm điện ở Quảng Ngãi nói chung và của Điện lực Lý Sơn nói riêng. Sự nỗ lực tìm kiếm nguồn điện mới đã không phụ lòng những người làm điện, bởi đến hôm nay việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo, đã và đang trở thành hiện thực, và là một kỳ công lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sau tết Giáp Ngọ đến nay một không khí làm việc khẩn trương, một tâm trạng chờ đợi, một niềm vui tràn ngập không chỉ với người dân trên đảo mà cả những du khách cũng vui lây, bởi có điện ổn định thì mọi thứ trên đảo chắc chắn sẽ thay đổi. Đúng như lời ông Linh nói, trên đảo mọi người đang náo nức chờ dòng điện mới!