Sự kiện

Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên: Cơ hội cải thiện nguồn cung cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc

Thứ năm, 7/11/2013 | 09:23 GMT+7
Nguồn điện cung cấp liên tục chập chờn, giá điện sinh hoạt cao ngất ngưởng… là chuyện thường ngày mà hàng chục nghìn hộ dân trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) phải chấp nhận lâu nay. Tuy nhiên, với dự án điện cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc sắp được triển khai, mang đến hy vọng cải thiện nguồn cung cấp điện cho hòn đảo nhỏ xinh đẹp này.


Trạm Biến áp Hà Tiên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã sẵn sàng dẫn điện ra với bà con huyện đảo Phú Quốc.

Muôn vàn khó khăn vì thiếu điện

Có dịp trở lại Phú Quốc trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi như được vui lây với cảm giác háo hức của người dân, khi đón chờ dòng điện lưới quốc gia từng ngày, từng giờ.

Không khí ngập tràn niềm vui, vì những năm qua, hơn 24 nghìn hộ dân, doanh nghiệp sinh sống, sản xuất kinh doanh trên đảo đều phải sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ. Hiện tại, toàn đảo có 19 tổ máy phát điện diesel với công suất khả dụng 10,9 MW do ngành điện quản lý. Sản lượng điện thương phẩm năm 2012 là 50 triệu kW giờ, mức tiêu thụ bình quân đầu người chỉ đạt hơn 500 kW giờ/người/năm, nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của cả nước (1.170 kW giờ).

Chưa kể, do sử dụng nguồn điện diesel nên giá thành điện rất cao. Trong khi đó, các máy phát điện thường xuyên bị lỗi, nguồn điện chập chờn, người dân ngoài việc phải mua điện với giá cao, có những trường hợp phải trả đến 30 nghìn đồng cho một kW giờ điện, còn thường xuyên chịu cảnh mất điện, ngắt điện đột xuất, gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống.

Ảnh hưởng nhiều nhất phải nói tới là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đại diện doanh nghiệp du lịch Thiên Hải Sơn, thị trấn Dương Đông cho biết, do giá điện cao, nên có những tháng cao điểm, đơn vị phải thanh toán đến 800 triệu tiền điện/tháng, khiến doanh số bị ảnh hưởng do giá phòng bị đẩy lên quá cao. Đơn cử như một phòng, khách ra Phú Quốc du lịch cũng phải trả gần hai triệu đồng/ngày.

Đối với doanh nghiệp nước mắm có tiếng như Khải Hoàn, việc sử dụng nguồn điện không ổn định cũng gây thiệt hại rất lớn do trong tháng, số ngày cúp điện có thể lên đến 5-6 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tiến độ, quy trình sản xuất nước nắm.

Bà Nguyễn Thị Huệ, 73 tuổi, ở ấp Cây Sao (xã Hàm Ninh) cho hay, khi nghe tin có điện lưới sắp về, bà “mừng như bắt được vàng” vì sắp tới sẽ không còn phải trả cả triệu đồng tiền điện mỗi tháng như hiện nay. Có điện, con cháu bà cũng sẽ mua sắm ti-vi, tủ lạnh để nâng cao đời sống, việc nhiều năm nay gia đình không có dịp được hưởng.

Mở thêm nhiều cơ hội

Năm 2007, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc T.Ư, Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập dự án đầu tư đường cáp ngầm 110 kV cấp điện cho đảo Phú Quốc (giao Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư). Đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
 


Bà Nguyễn Thị Huệ cũng như bao người dân khác ở huyện đảo Phú Quốc đang háo hức từng ngày chờ nguồn điện lưới quốc gia.

Theo thiết kế, dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc bao gồm hai phần chính. Phần cáp ngầm xuyên biển có chiều dài 56 km từ Hà Tiên đến Phú Quốc, là cáp ngầm ba lõi với tiết diện đường cáp 630 mm2, khả năng tải tối đa 131 MVA. Phần đường dây hai mạch 110 kV trên không gồm: 7,6 km trên đảo Phú Quốc và 300 mét phía bờ Hà Tiên. Trạm biến áp 110/22kV Phú Quốc trước mắt được lắp đặt một máy biến áp lực với dung lượng 40 MVA và đã chừa sẵn vị trí để lắp đặt MBA lực số hai khi cần thiết.

Ước tính, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 17-11 tới sẽ kéo cáp ngầm và hoàn thành vào ngày 13-1-2014. Hiện, các hạng mục như đầu tư đường dây dẫn điện Kiên Lương - Hà Tiên, các trạm biến áp cũng như hệ thống đấu nối trên đảo Phú Quốc đã hoàn tất, chờ được kết nối với tuyến cáp ngầm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang Lê Minh Hoàng cho biết: “Đây sẽ là cơ hội tốt để Phú Quốc phát triển trong tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch”.

Hiện, toàn tỉnh có 230 dự án du lịch thì Phú Quốc chiếm đến 78%. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của các dự án trên là do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Trong đó, nguồn điện cung cấp cho các doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, thậm chí các khách sạn như Hòa Bình, Sài Gòn – Phú Quốc có tiêu chuẩn ba sao nhưng đều phải tự túc nguồn điện. Có 13 khu du lịch theo quy hoạch nhưng do chưa có nguồn điện nên không thể triển khai.

“Đáng tiếc nhất, vừa qua, một doanh nghiệp của Nga đã thương thảo để ký kết hợp đồng xây dựng một khách sạn 500 phòng nhưng do cơ sở hạ tầng của huyện Phú Quốc chưa đáp ứng được nên đành lỗi hẹn” – ông Hoàng cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cũng cho hay, sắp tới, khi tiếp nhận điện lưới quốc gia, bên cạnh nhiều dự án về du lịch được khởi động lại, huyện cũng nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chào đón các nhà đầu tư đến với Phú Quốc. Đây là tiền đề để Phú Quốc “cất cánh” trong tương lai không xa, là một trong những dự án trọng điểm của đất nước. Việc thành công của dự án sẽ góp phần thiết thực, để huyện Phú Quốc đón đầu nhiều cơ hội phát triển trong tương lai không xa.
 
Theo: Nhân dân Online