Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Cần có chế tài chặt chẽ
Thứ ba, 5/11/2013 | 15:41 GMT+7
Theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà máy thủy điện (NMTĐ) phải chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Mức chi trả là 20 đồng/kWh điện thương phẩm; việc chi trả ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Đối tượng được chi trả là chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng…).
Góp phần bảo vệ và phát triển rừng
Qua áp dụng thí điểm, giai đoạn 2009-2012, tỉnh Lâm Đồng đã thu được từ các NMTĐ hơn 334,64 tỷ đồng; dự kiến năm 2013 thu được 190 tỷ đồng (tăng 10 tỷ đồng so với năm 2012). Nhờ đó, định mức khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân tăng 3-4 lần (từ 2,8-3 triệu đồng/năm lên 10,5-12 triệu đồng/năm), góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Diện tích nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên, góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên lưu vực. Ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ rừng giảm, tạo điều kiện tập trung đầu tư cho các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh có DATĐ đã thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để nhận ủy thác chi trả phí DVMTR của các NMTĐ. Một số NMTĐ đã đăng ký ủy thác và thực hiện nộp phí DVMTR với giá trị hàng trăm tỷ đồng theo quy định. Việc chi trả DVMTR tại các NMTĐ lớn thực hiện khá tốt, ví dụ: các NMTĐ Yaly, Plei Krông và Sê San 3 đã nộp hơn 200 tỷ đồng trong các năm 2011-2012; NMTĐ Hàm Thuận - Đa Mi đã nộp 132,5 tỷ đồng trong các năm 2010-2012; NMTĐ Tuyên Quang nộp 36,97 tỷ đồng cho năm 2012...
Tại tỉnh Sơn La, năm 2012 các NMTĐ nhỏ đã nộp 19,4 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã nộp 4,6 tỷ đồng. Tỉnh Hà Giang đã thu phí DVMTR của 7 NMTĐ vừa và nhỏ là 25,14 tỷ đồng, dự kiến thu của 19 NMTĐ khác khoảng 24 tỷ đồng. Tỉnh Gia Lai đã thu phí DVMTR đối với các NMTĐ nhỏ có lưu vực nằm hoàn toàn trên địa bàn, tính đến hết quý III/2012 là 42,106 tỷ đồng.
Còn thiếu chế tài
Tuy nhiên, nhiều NMTĐ nhỏ chưa chi trả hết phí DVMTR với lý do tình hình tài chính còn khó khăn, giá bán điện theo Biểu giá chi phí tránh được đến năm 2013 mới bổ sung chi phí này. Riêng tỉnh Sơn La còn 17 nhà máy thủy điện chưa nộp phí DVMTR với tổng số tiền nợ đọng hơn 35,626 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn số 2526/UBND-KTN yêu cầu các đơn vị nộp tiền trước ngày 10-10-2013 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Với các NMTĐ có lưu vực thuộc địa bàn nhiều tỉnh, việc chi trả DVMTR rất khó khăn do chưa xác định được đầy đủ đối tượng cung cấp DVMTR, diện tích rừng, trạng thái rừng... Ở nhiều địa phương, hầu hết các gia đình được giao đất, giao rừng theo Nghị định 163/NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ không xác định được chính xác vị trí rừng của mình nên các cơ quan chức năng không thể xác định được chủ rừng để hoàn tất hồ sơ để chi trả DVMTR. Việc phân loại rừng để xác định trạng thái và trữ lượng rừng còn nhiều vướng mắc.
Các NMTĐ đã nộp phí DVMTR cũng bị vướng trong việc quyết toán, kiểm toán chi phí đối do chưa có hóa đơn, chứng từ chi phí. Bên cạnh đó, nhiều NMTĐ nhỏ hiện chưa chi trả phí DVMTR với lý do giá bán điện của các năm 2011-2012 chưa tính đến phí DVMTR. Bởi vì, theo Quyết định 09/QĐ – ĐTĐL ngày 27/3/2012 của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thì chỉ tính tiền DVMTR năm 2013, nhưng không tính tiền DVMTR từ năm 2011 và 2012 đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp cố tình không nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng không có chế tài xử lý vì chưa có quy định của Nhà nước.
Theo Bộ Công thương, khi hệ thống điện huy động công suất từ nhà máy thủy điện nhỏ để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng thêm tại một thời điểm thì hệ thống sẽ tránh được việc huy động công suất từ nhà máy nhiệt điện có chi phí cao. Vì vậy, khi áp dụng cơ chế giá chi phí tránh được, hệ thống không phải trả thêm chi phí DVMTR tương ứng cho các nhà máy thủy điện nhỏ được huy động thay thế. Do đó, khi ban hành biểu giá chi phí tránh được từ năm 2009 đến nay không tính đến chi phí DVMTR. Tuy nhiên, theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP xác định tiền chi trả DVMTR thì các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống không thuộc đối tượng được miễn giảm. Vì vậy, nhiều địa phương đề nghị sớm có quy định xử lý và yêu cầu nhà đầu tư cam kết chi trả DVMTR khi đăng ký đầu tư dự án.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có Công văn 1773/BNN – TCLN đề nghị Bộ Công thương ban hành quyết định sửa đổi Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT theo hướng thanh toán đầy đủ tiền DVMTR từ năm 2011 trong quy định về biểu giá chi phí cho các nhà máy thủy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, hướng dẫn EVN, Công ty mua bán điện khẩn trương ký lại hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng mua bán điện. Trong đó, bao gồm đầy đủ tiền DVMTR làm cơ sở cho các nhà máy thủy điện thực hiện nghĩa vụ thanh toán kịp thời cho các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR theo quy định của Chính phủ. EVN cần hướng dẫn, tính toán cụ thể vào giá thành mức thu tiền mua bán điện, quy định với các doanh nghiệp thủy điện cung ứng điện có nghĩa vụ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng như thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nếu đơn vị nào không thực hiện, có thể phải thực hiện ngừng việc mua điện.
Ngọc Loan / ICON.com.vn