Tin tức Quy hoạch điện

Hơn 1.000 triệu kWh điện cho Thường Tín (Hà Nội) vào năm 2020

Thứ sáu, 14/9/2012 | 14:29 GMT+7
Thường Tín là huyện có tốc độ phát triển kinh tế mạnh nhất ở phía nam thành phố Hà Nội. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm. Với mức tăng trưởng này, nhu cầu điện thương phẩm tính đến năm 2015 sẽ là 541,14 triệu kWh với công suất cực đại là 114,85MV. Năm 2020, nhu cầu điện thương phẩm tăng lên 1.086,89triệu kWh, công suất cực đại 222,43MV.
 

Quy hoạch phát triển điện lực nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Kết cấu lưới điện được xây dựng theo hướng đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện theo nhu cầu của từng loại hộ phụ tải, tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng; có sự kết nối lưới điện với quy hoạch phát triển điện lực thành phố và quận, huyện lân cận, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng của huyện Thường Tín.

Về tiêu chuẩn thiết kế lưới điện thì các công trình lưới điện khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo phải tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành điện và xây dựng theo quy định, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch sau:

Với lưới điện 110kV, các trạm biến áp 110kV được thiết kế thiết kế mang tải không lớn hơn 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường để có đủ dự phòng công suất khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa. Quy mô công suất trạm biến áp được thiết kế tổi thiểu là 2 máy biến áp, sử dụng máy biến áp có công suất định hình 63MVA đối với các trạm công cộng, đối với các trạm khách hàng chuyên dùng tuỳ theo nhu cầu sẽ được tính toán quy mô công suất cho thích hợp.

Lưới trung áp sẽ thực hiện cải tạo toàn bộ lưới 6-10kV lên 22kV để tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp ở cấp điện áp 35-22kV; xóa bỏ dần các trạm biến áp trung gian. Cấu trúc lưới trung áp tại thị trấn, thị tứ, khu đô thị được thiết kế mạch vòng vận hành hở được cấp điện từ 2 trạm biến áp 110kV hoặc từ 2 thanh cái phân đoạn của trạm 110kV có 2 máy biến áp, ở chế độ làm việc bình thường mang tải không quá 70% công suất định mức máy biến áp hoặc công suất mang tải cực đại cho phép của dây dẫn. Đối với khu vực có mật độ phụ tải thấp, khu vực phụ tải phát triển đơn lẻ hoặc không yêu cầu cấp điện đặc biệt lưới điện được thiết kế hình tia. Sẽ sử dụng cáp ngầm đối với các tuyến phố chính đã ổn định quy hoạch và các thị trấn, các khu đô thị mới, các khu vực có yêu cầu mỹ quan đô thị cao, các khu công nghiệp đồng bộ với sự phát triển của các dự án hạ tầng khác như thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông... Các trạm biến áp phân phối được tính toán theo nguyên tắc công suất đủ khả năng cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh với khả năng mang tải từ 65% trở lên.

Còn đối với lưới điện hạ áp, áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V, 3 pha 4 dây có trung tính nối đất trực tiếp. Lưới điện hạ áp kết hợp cả cáp ngầm và cáp vặn xoắn ABC hoặc dây bọc AV.

Cụ thể, về khối lượng xây dựng, tính đến năm 2015, dự kiến sẽ lắp mới máy T2 công suất 1x40MVA, đưa tổng công suất trạm lên 2x40MVA năm 2014. Đồng thời xây dựng mới trạm chuyên dùng 110kV Quất Động công suất 2x63MVA, vận hành năm 2015 và nâng công suất trạm 110kV Tía từ công suất (40+63)MVA lên 2x63MVA, hoàn thành năm 2013. Các nguồn cấp điện phụ tải này sẽ được duy trì đến hết năm 2020.
Lưới điện trung áp, đến năm 2015, tiếp tục duy trì và khai thác lưới điện 35kV đang vận hành ổn định; tiến tới dần xóa bỏ trạm TG 35/10kV Thụy Ứng, cải tạo toàn bộ lưới 10kV sau trạm trung gian này lên tiếu chuẩn cấp điện áp 22kV và sẵn sàng vận hành 22kV ngay khi có điều kiện. Lưới điện xây dựng mới và cải tạo trong giai đoạn này đạt chuẩn 22kV và các trạm biến áp có đầu phân áp 22kV tiến tới đồng bộ hóa lưới điện trung áp huyện Thường Tín về cấp điện áp 22kV. Về trạm biến áp phân phối, sẽ cải tạo 162 trạm biến áp phân phối và cải tạo xóa bỏ 1 trạm trung gian với tổng công suất 80.130kVA; xây dựng mới 194 trạm với tổng công suất 103.830kVA (117 trạm 35(22)/0,4kV, 50 trạm 22/0,4kV, 27 trạm10(22)/0,4kV. Đường dây trung áp sẽ cải tạo 133,9km đường dây; xây dựng mới 114,49km đường dây 35kV, 97,11km đường dây 22kV; đặt bù công suất phản kháng trên lưới trung áp là 280 MVAr.

Đối với lưới điện hạ áp sẽ xây dựng mới 306,3km đường dây; cải tạo, nâng cao chất lượng và khả năng tải 200km đường dây; lắp đặt thêm 14.300 công tơ, cải tạo 20.000 công tơ; đặt bù công suất phản kháng trên lưới hạ áp là 210 MVAr.

Với khối lượng công việc như vậy, vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch được phê duyệt là 503.528 triệu đồng.
 
Lao động Thủ đô