Theo cổng thông tin UBND Bình Thuận, Bộ Công Thương vừa ký phê duyệt tại quyết định Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quy hoạch, mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt khoảng 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng gần bằng 1.500 triệu kWh. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW, sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh.
Trong quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có 6 địa phương có tiềm năng về điện gió với tổng diện tích 23.549 ha, công suất dự kiến 1.570 MW là: Tuy Phong; Bắc Bình; Hàm Thuận Bắc; Phan Thiết; Hàm Thuận Nam và La Gi.
Có 6 khu vực được quy hoạch: Khu vực 1: Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Phú Lạc, Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Phong Phú, Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), Phan Hòa (Bắc Bình); khu vực 2: Phan Rí Cửa, Hòa Phú (Tuy Phong), Phan Rí Thành, Chợ Lầu, Hòa Thắng (Bắc Bình);
Khu vực 3: Hòa Thắng, Hồng Phong (Bắc Bình), Thiện Nghiệp, Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Long (Phan Thiết); khu vực 4: Tiến Thành (Phan Thiết), Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Thuận Quý, Tân Thành (Hàm Thuận Nam);
Khu vực 5: Tân Tiến, Tân Bình, Phước Lộc, Tân Phước (La Gi); khu vực 6: Hồng Thái, Lương Sơn, Sông Bình, Sông Lũy, Bình Tân (Bắc Bình), Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc).
Trước mắt, trong quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai 04 khu vực với tổng công suất 700 MW. Cụ thể: Khu vực 1: Có tổng công suất là 212,5 MW gồm 04 dự án (Phong điện 1; Lạc Phú; Phước Thể; Hòa Minh);
Khu vực 2 có công suất 267,5 MW gồm 07 dự án (Phan Rí Thành; Hòa Thắng 1 có 3 dự án; Hòa Thắng 2; Thuận Nhiên Phong; Hòa Thắng 4); khu vực 3 có tổng công suất là 100 MW với 03 dự án (Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2; Thiện Nghiệp);
Khu vực 04 gồm 07 dự án (Tiến Thành 3 dự án; Hàm Cường 2 dự án; Hàm Kiệm 02 dự án) có công suất 120 MW.
Báo Bình Thuận