1. Tắt các thiết bị điện khi không dùng
Bạn nên có thói quen tắt đèn khi không sử dụng. Chỉ cần tắt hai bóng đèn 100W mỗi ngày một giờ sẽ giúp bạn tiết kiệm khoảng 70 số điện mỗi năm. Nếu bạn có công việc nghiên cứu cần dùng đèn bàn, thì hãy lưu ý tắt đèn trần trong lúc sử dụng đèn bàn. Việc này không những tiết kiệm điện mà còn tốt cho mắt.
Bạn cũng nên lưu ý rút phích cắm điện khi không dùng. Việc không rút phích cắm các thiết bị điện không sử dụng trong nhà như TV, đầu thu phát sóng, đầu đĩa, loa, … có thể chiếm đến 10% điện năng tiêu thụ của cả căn hộ.
2. Tận dụng năng lượng thiên nhiên
Một cửa sổ quay về phía ánh sáng mặt trời sẽ tiết kiệm điện và tốt hơn cho sức khỏe của bạn rất nhiều thay vì việc luôn phải bật đèn giữa ban ngày. Ngoài ra nếu may mắn ở trong một ngôi nhà đón nhiều gió trời, bạn nên tận dụng điều đó vì chỉ cần không bật 2 chiếc quạt mỗi ngày 1 giờ, bạn đã tiết kiệm 60 số điện trong 3 tháng hè, và con số đó sẽ lên đến khoảng 300 số khi bạn giảm đi mỗi ngày 1 giờ bật điều hòa nhiệt độ.
3. Đừng tắm quá lâu
Một số người có sở thích “ngủ quên trong nhà tắm”. Việc thả mình dưới vòi nước nóng là biện pháp thư giãn tuyệt vời nhưng bạn có biết nếu mỗi ngày bạn tắm nhanh hơn 1 phút thì sẽ giảm được đến khoảng 180 số điện mỗi năm.
4. Chỉ dùng nóng lạnh khi cần thiết
Không ít gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh 24/24 vào mùa đông. Việc này giúp bạn lúc nào cũng có nước nóng để dùng nhưng lại tốn điện một cách khủng khiếp. Do đó bạn chỉ nên dùng nóng lạnh khi cần thiết, ví dụ như đi tắm và hãy chú ý tắt bình nóng lạnh sau khi đã sử dụng.
5. Điều chỉnh nhiệt độ bình nóng lạnh hợp lý
Bạn có để ý là bình nóng lạnh có thể điều chỉnh nhiệt độ? Nếu như trời không phải quá lạnh, bình nóng lạnh chỉ cần nhiệt độ khoảng 55-60 độ C là đủ. Giảm đi 6 độ C trong bình, bạn sẽ tiết kiệm 5% lượng điện tiêu thụ.
6. Sử dụng laptop thay vì máy tính để bàn
Nếu không có nhu cầu làm việc đặc biệt, bạn nên thay chiếc máy tính để bàn bằng một chiếc laptop. Máy tính xách tay hiện nay có giá tương đối rẻ và ưu việt hơn hẳn máy tính bàn nhờ tính cơ động và tiết kiệm điện.
7. Sử dụng tủ lạnh đúng cách
Nên làm sạch tủ lạnh ít nhất 2 lần mỗi năm, điều này giúp tủ lạnh hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện. Tủ lạnh bị bẩn sẽ tốn điện hơn so với tủ lạnh sạch.
Tủ lạnh có nhiều mức thiết lập nhiệt khác nhau. Tùy vào thời tiết bên ngoài mà bạn để nhiệt độ tủ lạnh ở mức hợp lý sẽ tiết kiệm điện hơn.
8. Bật quạt khi sử dụng điều hòa
Bạn nên để điều hòa nhiệt độ vừa phải, kết hợp cùng quạt sẽ mát và tiết kiệm điện hơn so với việc để điều hòa nhiệt độ thấp. Ngoài ra, bật quạt cũng làm không khí thoáng hơn, không bị khô như bật điều hòa.
9. Đặt nhiệt độ điều hòa hợp lý
Nhiều người thích bật nhiệt độ điều hòa thật thấp và đắp chăn. Thói quen này vừa tốn điện lại vừa gây hại cho sức khỏe của bạn. Bạn chỉ nên để nhiệt độ điều hòa từ 24-27 độ C, vẫn đủ mát và tiết kiệm điện đáng kể.
10. Sử dụng lò vi sóng thay vì lò nướng
Lò vi sóng nấu nhanh hơn và tiết kiệm điện hơn so với lò nướng. Vì thế, nếu có điều kiện bạn nên sử dụng lò vi sóng thay lò nướng.