Tin trong nước

Dự án của lòng dân

Thứ sáu, 14/5/2010 | 15:30 GMT+7

Qua gần 2 năm triển khai, đến nay, dự án cấp điện cho các thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nghiệm thu đóng điện được 297/326 thôn buôn. Điện lực Gia Lai đang nỗ lực phấn đấu đóng điện toàn bộ số thôn buôn còn lại của dự án trước thời hạn 30/6/2010.

Trong những ngày này, khi công đoạn cuối của dự án cấp điện 5 tỉnh Tây Nguyên sắp kết thúc, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế ở một số địa phương vùng dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là xã Ia Ka (huyện Chư Păh) - nơi có 5 thôn, làng được hưởng lợi từ dự án, với tổng số gần 1.000 hộ.

Tiếp chúng tôi, ông RơChâm Grĩuh - Chủ tịch UBND xã Ia Ka khẳng định: Dự án cấp điện cho thôn buôn là “Dự án của lòng dân”. Từ lúc có điện, bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương đã có những thay đổi rõ rệt, nhân dân thật sự được thụ hưởng về đời sống vật chất và tinh thần mà dự án đem lại. Đến nay, hầu hết nhà nào cũng có máy thu hình, máy thu thanh, quạt, nồi cơm điện, máy xay xát, máy bơm tưới cà phê...

Chủ tịch RơChâm Grĩuh đưa chúng tôi đến làng Mông Jố (làng có trên 200 hộ dân vừa được cấp điện từ dự án). Khi đến đầu làng, chúng tôi đã nghe những âm thanh rộn rã từ những chiếc loa của dàn âm ly, tiếng radio, ti vi xen lẫn tiếng máy xay lúa… Khi chưa có điện, những âm thanh như thế này hầu như không có. Qua làng Phong (nơi có trên 120 hộ dùng điện theo dự án), thôn trưởng Rơ Chăm Hnol không giấu nổi vui mừng, nói với chúng tôi: Làng Phong toàn những người bệnh (bệnh phong), đời sống hết sức khó khăn, quanh năm người dân không ra khỏi làng nên từ trước tới nay, mong ước được sử dụng điện với dân làng là quá xa vời. Từ khi Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường điện, kéo điện, lắp bóng điện đến từng gia đình để người dân sử dụng, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Bà con dân làng ở đây rất ưng cái bụng.

Dự án cấp điện cho các thôn buôn Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai

- 326 thôn buôn được phê duyệt cấp điện.
- Số hộ dân được thụ hưởng từ Dự án: 25.964 hộ.
- Tổng giá trị đầu tư 357 tỷ đồng.
- Tổng đường dây trung áp: 479 km.
- Tổng đường dây hạ áp:  532,5 km.
- Tổng số trạm biến áp: 251 trạm với tổng dung lượng 15. 402 kVA.
Rời huyện Chư Păh, vượt qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu đến làng Khớp, xã Ia Grăng (huyện Ia Grai), một địa bàn xa xôi, cách trở nằm cách trung tâm xã 60 km (có trên 100 hộ dùng điện theo dự án). Mặc dù đang bận tưới cây cà phê, anh Rơmanh Bóp vẫn vui vẻ bộc bạch: Nhờ có dự án điện mà chúng tôi mới có điều kiện tốt để chăm sóc cây trồng, nếu không, hạn hán như năm nay dân làng khó bề chăm sóc cho cây cà phê. Trưởng thôn Bui TeK thì hồ hởi: Tất cả đã đổi thay, nhờ cái tivi mà mình biết thêm nhiều cái hay, dân làng không còn uống rượu nhiều như trước kia, chỉ lo làm ăn để có tiền mua sắm nhiều đồ dùng bằng điện cho gia đình, trẻ con học hành không phải dùng đèn dầu, củi lửa nữa…

Chúng tôi trở lại thôn Ia Pôn, xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ), nơi đã được đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới theo dự án cách đây gần 2 năm, mọi thứ đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Ông Lưu Văn Đồng, một cư dân cho biết: 100% số hộ gia đình ở đây đã có ti vi, quạt, nồi cơm điện, một số hộ có máy vi tính. Những tiện nghi đó vốn rất bình thường nơi phố thị, nhưng ở một địa bàn nhiều khó khăn như thôn Ia Pôn, thì đó dường như là “một cuộc cách mạng”. Có điện, chắc chắn người dân sẽ được đổi đời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Măng Đoàn - Giám đốc Điện lực Gia Lai cho biết: Để có được những thành quả như hôm nay là cả một sự phấn đấu, nỗ lực hết mình của cán bộ, công nhân ngành Điện; sự phối hợp chỉ đạo, hợp tác tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các hộ dân về công tác giải phóng mặt bằng… Đối với Điện lực Gia Lai, xác định dự án là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nên lãnh đạo Điện lực coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của đơn vị. Thực tế, tại những nơi hoàn thành dự án trên địa bàn Tỉnh, điện đã tạo ra những đổi thay trong đời sống nhân dân, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Theo: Tạp chí Điện lực