Nói như vậy không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đường dây trong việc liên kết điện năng giữa các vùng, miền của cả nước mà còn thể hiện sự phát triển vượt bậc của những "người lính" truyền tải đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý vận hành hệ thống lưới điện siêu cao áp quốc gia một cách an toàn, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 15 năm qua đi, hiệu quả từ đường dây mang lại cũng không kể xiết và trở thành phần tử quan trọng nhất của hệ thống điện quốc gia.
Vượt khó khăn
Với chiều dài 1.462,5 km, đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 có nhiệm vụ truyền tải điện từ hệ thống điện miền Bắc cung cấp cho các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và ngược lại. Hầu hết các tuyến đường dây đều đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy, đường vào tuyến không có gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý vận hành, đặc biệt là kiểm tra trong đêm. Không những thế, cây cao gần hành lang, đặc biệt là cây cao su của các nông trường được trồng rất nhiều dọc hai bên hành lang đường dây luôn là nguy cơ dẫn đến sự cố đường dây. Chưa kể ở nhiều cung đoạn do Công ty Truyền tải điện 1 quản lý, đi qua nhiều khu vực dân trí thấp và ít hiểu biết về pháp luật, dân đốt nương rẫy dưới hành lang, tháo trộm bu lông, thanh giằng... gây nguy cơ sự cố cao, ảnh hưởng lớn đến sự vận hành an toàn của đường dây.
Có thể nhìn nhận được khu vực miền Trung và Tây Nguyên là cung đoạn người công nhân vận hành vất vả nhất trong toàn tuyến đường dây 500kV mạch 1. Riêng khu vực Tây Nguyên, có địa hình và khí hậu phức tạp, mùa mưa lầy lội khó đi và thường hay bị lũ quét, ảnh hưởng đến móng cột. Còn mùa khô nắng nóng kéo dài, gió lớn dễ dẫn đến cháy rừng, gây ra sự cố. Các đường dây lại chủ yếu đi gần hoặc ngang qua các trục lộ giao thông, bụi đất đỏ bazan bám trên bề mặt sứ gặp sương mù dễ dẫn đến các trường hợp phóng điện qua sứ. Cây cối trong khu vực cũng phát triển nhanh vào mùa mưa như tre, le phải phát quang thường xuyên hơn. Nhiều vị trí cột cách rất xa đường giao thông, xe ô tô không thể vào được nên công nhân phải đi bộ vài cây số, thậm chí đến hơn chục cây số, gùi vật tư, dụng cụ vào bảo trì, sửa chữa đường dây. Ở đoạn đường dây 500kV Pleiku-Phú Lâm, được xây dựng theo đường quốc lộ 14 mở rộng, nay do tốc độ đô thị hoá phát triển đã khiến nhiều hộ dân di dời vào gần hành lang, gây ra nhiều vụ vi phạm hành lang tuyến....
Một vấn đề khó khăn nữa là lực lượng công nhân quản lý vận hành đường dây 500kV cho đến nay tuổi đời trung bình cũng đã khá cao, trung bình ở Công ty Truyền tải điện 2 là 38, vì vậy trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới, một lượng lớn công nhân sẽ không còn đủ sức khoẻ để đảm nhận các công việc nặng nhọc, phải leo trèo cao. Chưa kể đến việc các thiết bị đã đưa vào vận hành đến nay đã 15 năm. Một số thiết bị bị lão hoá như máy biến áp, cáp nhị thứ, máy cắt... trong đó một số các chi tiết, linh kiện khi hỏng hóc không có thiết bị thay thế do nhà sản xuất không còn chế tạo theo chủng loại ban đầu.
Làm chủ việc quản lý, vận hành
Những khó khăn tưởng như khó vượt qua ấy, những người lính truyền tải vẫn ngày đêm "bám" từng km đường dây, trăn trở với từng sự cố khi chưa khắc phục xong. Đường dây 500kV Bắc-Nam được giao cho 4 Công ty truyền tải quản lý, vận hành. Các Công ty truyền tải giao cho các Truyền tải điện khu vực trực tiếp quản lý căn cứ theo địa bàn đường dây đi qua. Trong 2 năm đầu đưa vào vận hành, trong khu vực Truyền tải điện Đăk Lăk và Truyền tải điện Gia Lai quản lý, sự cố thoáng qua xảy ra nhiều. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã hoài nghi về tính khả thi của đường dây này. Nhờ thường xuyên cử công nhân đi hiện trường, Công ty Truyền tải điện 3 đã tìm ra nguyên nhân cung đoạn đường dây chủ yếu nằm trong vùng rừng rậm, về mùa mưa cây cối phát triển nhanh nhất là tre, le, nứa vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra sự cố để rồi có biện pháp khắc phục xử lý.
Để bảo đảm an toàn và ổn định lưới điện 500kV, ngoài các giải pháp kỹ thuật, các công ty truyền tải đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương vận động, truyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện cao thế với người dân nơi có đường dây đi qua. Nhờ vậy, đến nay, đa số người dân dọc tuyến đã cơ bản nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đường dây 500kV. Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 Nguyễn Xuân Hoà cho biết: nhờ việc đẩy mạnh phát tờ rơi, sổ tay Hướng dẫn bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đến người dân trong khu vực hành lang tuyến, tổ chức cho nhân dân địa phương học tập, nâng cao kiến thức về điện, công tác phòng cháy chữa cháy, gửi biên bản đến UBND các huyện có trường hợp vi phạm đề nghị có biện pháp ngăn chặn... nên từ năm 2001 đến nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong khu vực công ty quản lý đã giảm bớt. Các hiện tượng mất mát phụ kiện trong thời gian gần đây hầu như giảm hẳn. Điển hình như Đội đường dây Bình Phước, do có mối quan hệ tốt với địa phương đã hướng dẫn, động viên bà con trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, cà phê, hồ tiêu trong khu vực đường dây để có thể kiểm soát được.
Hiệu quả không đếm được
Cả một chặng đường dài đưa chúng tôi đi tuyến trong cái nóng oi nồng của miền Trung, Tây Nguyên, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Đàm Quang Vinh luôn khẳng định: bảo vệ đường dây 500kV để nó phát huy hiệu quả kinh tế là nhiệm vụ hết sức nặng nề của người công nhân truyền tải. Qua thực tế quản lý, vận hành, đến nay, lại một lần nữa khẳng định: việc xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam-công trình thế kỷ ấy chính là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 Phan Văn Cần cũng có chung nhận định này. Ông cho rằng: phải đến bây giờ mới thấy hết được hiệu quả của nó trong việc tạo sự ổn định của hệ thống điện cả nước. Thực tế cho thấy, kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hoá của cả 3 khu vực trong cả nước đều có những bước chuyển mình đi lên.
Các chuyên gia kinh tế đã từng ví von công trình 500kV Bắc-Nam mạch 1 vừa là "xa lộ" truyền tải điện năng vừa là "xa lộ" truyền tải thông tin trên toàn quốc. Qủa thực đúng như vậy. Hiện nay, các công ty viễn thông như VNPT, Viettel, EVN Telecom đã sử dụng sợi quang trên đường dây truyền tải điện này để thiết lập nền tảng truyền dẫn thông tin xuyên quốc gia và khai thác có hiệu quả. Các chuyên gia thừa nhận đường dây 500kV mạch 1 ban đầu phải thuê chuyên gia nước ngoài từ lập dự án đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, đến vật tư cũng phải mua nước ngoài thì những đường dây 500kV được xây dựng sau này như Pleiku-Phú Lâm, Pleiku-Đà Nẵng-Nho Quan, Yaly-Pleiku, Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm... tất cả các khâu đều do trong nước thực hiện. Ngành cơ khí chế tạo trong nước cũng từ đó mà trưởng thành thể hiện qua việc tự gia công hầu hết cột, dây dẫn, dây chống sét trước đây đều phải nhập khẩu.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia-NPT Nguyễn Hà Đông, 15 năm vận hành, gần 148 tỷ kWh đã được truyền tải trên đường dây 500kV Bắc-Nam. Cùng đó, ngành truyền tải đã xây dựng được một đội ngũ quản lý tốt, tiếp cận và làm chủ thiết bị, công nghệ hiện đại của thế giới; hoàn chỉnh được tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, chế độ chính sách đối với đường dây siêu cao thế cũng như thống nhất được quá trình tổ chức sản xuất của lưới truyền tải trong cả nước. Đó chính là những cái được lớn nhất mà công trình thế kỷ này mang lại.
Hoàn thiện hệ thống truyền tải siêu cao áp
Sau công trình 500kV Bắc-Nam mạch 1, CBCNV ngành điện Việt Nam đã vươn lên làm chủ công nghệ siêu cao áp hiện đại, xây dựng và đưa vào vận hành hàng loạt công trình 500kV khác. Việc có thêm một đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 2 càng thêm độ tin cậy, an toàn cho hệ thống điện quốc gia và các hệ thống điện miền trong trường hợp xảy ra sự cố. Lúc này, sự liên kết giữa hệ thống điện 3 miền mới đã thực sự bền vững.
NPT cũng đang khẩn trương chuẩn bị đầu tư hàng loạt công trình 500kV trong các miền nhằm hoàn thiện hệ thống truyền tải siêu cao áp và giải toả công suất các cụm nhà máy điện lớn đã và đang xây dựng. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong tương lai, lưới điện 500kV sẽ là nền tảng để hệ thống điện Việt Nam kết nối với hệ thống điện của các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực./.