Công trình thủy điện Sông Côn - Ảnh: Ngọc Hà
Tất cả vì mục tiêu tiến độ
Sau 21 tháng triển khai, ngày 26/4, công trình Thuỷ điện A Lưới (Thừa Thiên Huế), với tổng công suất lắp máy 170MW đã chính thức ngăn sông A Sáp. Theo Công ty cổ phần thuỷ điện miền Trung, đến nay, tất cả các hạng mục chính của dự án đều đáp ứng mục tiêu ngăn sông. Một trong những yếu tố khiến công trình triển khai đúng tiến độ là do trong quá trình điều hành, công ty đã có những biện pháp hợp lý vừa mềm dẻo nhưng hết sức quyết liệt trong việc cắt giảm một phần khối lượng đối với những nhà thầu thi công chậm tiến độ để tăng cường thêm lực lượng thi công. Mặt khác, công ty đã ban hành quy định tạm thời về công tác điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động về nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng để các nhà thầu yên tâm thi công.
Thuỷ điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên địa bàn huyện Bắc Trà Mi (Quảng Nam) là công trình được thực hiện theo Cơ chế đặc biệt 797/CP-CN và 400/CP-CN của Chính phủ. Ngoài việc cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện bình quân trên 679 triệu kWh/năm trong năm 2010, công trình còn tham gia chống lũ, đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp cho thành phố Đà Nẵng. Ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thuỷ điện 3 nhận xét: tất cả các hạng mục tuyến năng lượng của dự án cơ bản bám sát tiến độ năm 2009. Đến nay, các nhà thầu đều tập trung cao độ, hỗ trợ lẫn nhau, quyết tâm bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Đáng chú ý, công trình đã ký được Hợp đồng tổng thầu xây lắp, trong đó, tỷ lệ tiết kiệm giảm từ 5% xuống 2% và tỷ lệ giữ lại chờ quyết toán giảm từ 5% xuống 3%, điều này tạo điều kiện tốt về vốn thi công cho nhà thầu, góp phần đưa dự án bám sát tiến độ các hạng mục.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ điện Geruco Sông Côn Trần Thị Oanh phấn khởi cho biết: Tổng thầu EPC dự án thuỷ điện Sông Côn 2 đặt mục tiêu hoàn thành lắp đặt 3 tổ máy vào cuối tháng 5 tới để trong tháng 7 năm nay, thuỷ điện Sông Côn 2 (công suất 60MW) chính thức phát điện lên lưới quốc gia. Tại khu vực nhà máy, Tổng thầu EPC đang tiến hành làm 3 ca để tổ máy 1 đón được lũ tiểu mãn năm nay. Đây là dự án đáp ứng tiến độ đề ra theo Quy hoạch điện VI, thể hiện nỗ lực cao của nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và địa phương trong quá trình triển khai dự án.
Như vậy trong hơn 3.000 MW nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2009, đã có ít nhất gần 800 MW công suất từ các nhà máy Sê San 4, Sông Ba Hạ, Pleikrông, Sông Côn 2, Bình Điền được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Thời gian xây dụng một nhà máy thuỷ điện ít nhất là 4 năm, thế mới biết, làm ra 1 MW điện vào những năm đất nước còn thiếu năng lượng thật quý giá đến nhường nào.
Những vấn đề đặt ra
Qua đi thực tế kiểm tra các công trình điện có trong Quy hoạch phát triển điện VI, đánh giá của Tổ công tác Chính phủ đều cho rằng các nhà thầu thi công trên các công trường vẫn cần phải tăng cường máy móc, thiết bị và nhân lực để đáp ứng thi công khối lượng lớn các phần việc trong năm trọng điểm 2009 này. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác giám sát chất lượng ở các hạng mục có yêu cầu xử lý ở những dự án có điều kiện địa chất, thuỷ văn phức tạp, đáp ứng mục tiêu tiến độ, chất lượng chung của toàn bộ công trình.
Xekaman 3 là một trong những công trình nằm trong chương trình hợp tác phát triển năng lượng giữa hai Chính phủ Việt Nam-CHDCND Lào. Nhà máy có công suất 250MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 1 tỷ kWh; trong đó 10% bán cho Chính phủ Lào và 90% còn lại bán về Việt Nam qua đường dây 220kV từ nhà máy về trạm biến áp Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Đây cũng là dự án thuỷ điện đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Tuy vậy, để thu hút lao động tham gia xây dựng công trình này và khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam xây dựng các dự án thuỷ điện tại Lào, chế độ tiền lương đặc thù cho người lao động làm việc tại đây đến nay vẫn chưa có.
Bên cạnh đó, nhiều công trình do điều kiện địa chất và thuỷ văn phức tạp khi thi công đã phải thay đổi thiết kế ban đầu nên một số hạng mục công trình chính bị chậm tiến độ. Năng lực thi công của nhà thầu yếu và mỏng, phối hợp thi công không đồng bộ cũng là nguyên nhân chính khiến một số dự án bị chậm tiến độ.
Không những thế, công tác giải phóng mặt bằng một số công trình bị chậm do dân trồng cây, đào ao, cơi nới và xây nhà trái phép, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình. Vấn đề hiện nay là các địa phương nơi có dự án thuỷ điện cần phối hợp tích cực với Chủ đầu tư giải quyết khiếu nại của dân và kiên quyết thực hiện di dân để đảm bảo có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công cũng như tạo quỹ đất canh tác, có phương án sản xuất kinh doanh cho người dân tái định cư đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.
Sau những ngày rong ruổi trên các công trình thuỷ điện, được “tận hưởng” cái nắng cháy da, đỏ thịt của miền Trung, Tây Nguyên, chúng tôi lại trở về chốn ồn ào của nơi đô thị. Nhưng ở chốn vùng sâu, vùng xa ấy, thật vĩ đại vẫn còn có các anh, những con người phải tạm xa gia đình, bè bạn, ngày đêm dãi nắng dầm mưa, cống hiến sức mình làm nên nguồn ánh sáng cho đất nước./.