Sự kiện

25 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 – Bài 3: Nâng cao trách nhiệm phối hợp và bảo vệ

Thứ ba, 14/5/2019 | 09:23 GMT+7
Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam là công trình không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất, đây còn là bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. 
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 sử dụng thiết đo phát nhiệt phòng ngừa sự cố tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng.
 
Những kỷ lục được lập nên như về độ dài của đường dây lên đến 1.500 km, thời gian xây dựng chỉ có 2 năm…, xứng đáng là kỳ tích, là những mốc son trong lịch sử phát triển, xây dựng của ngành truyền tải nói riêng và của ngành điện nói chung.
 
Song song với quản lý vận hành đường dây, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác bảo vệ công trình hệ thống điện 500kV, các Công ty truyền tải điện còn phối hợp cùng Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, Sở Công Thương, Phòng An ninh kinh tế - Công an các tỉnh tổ chức các hội nghị nhằm đề ra việc triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao áp. Đồng thời ký cam kết bảo vệ an toàn lưới điện cao áp với các cá nhân, tập thể nơi có đường dây truyền tải điện đi qua, lắp đặt biển báo tuyên truyền và phát tờ rơi đến từng hộ dân.
 
Bà Yến Lan, Phó Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, từ khi đường dây 500kV mạch 1 được thi công đến nay, Công an thành phố đã phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 triển khai 7 chốt bảo vệ. Hàng quý, hai bên đều họp giao ban thông báo tình hình liên quan đến an ninh đường dây để đưa ra các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm. 
 
“Đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1944/QĐ-TTg  về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Công an thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Đề án đảm bảo an ninh an toàn hệ thống truyền tải điện 500kV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ ban hành Đề án này, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ an toàn đường dây”, bà Lan khẳng định.
 
Đại úy Phạm Xuân Minh, Đội trưởng Đội An ninh kinh tế tổng hợp (Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Kon Tum) cũng cho biết, sau khi có Quyết định 1944/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 triển khai đề án đảm bảo an ninh, bảo vệ đường dây. Theo đó, Công tỉnh Kon Tum đã phối hợp xử lý 88 cây cao su nằm ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây mạch 1. Đơn vị còn thống kê, rà soát, đánh giá tình trạng của các cây cao su dễ gây sự cố đến đường dây truyền tải thuộc Nông trường cao su Plei Kần, huyện Ngọc Hồi để có biện pháp phối hợp xử lý. 
 
Từ tháng 3, khu vực Tây Nguyên bước vào mùa làm nương rẫy, do vậy, đơn vị lên kế hoạch phối hợp, tuyên truyền đến đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê viết các bản cam kết không phát dọn thực bì trong hành lang tuyến đường dây 500kV, không trồng cây cao ảnh hưởng đến an toàn đường dây và xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Thiếu tá trinh sát an ninh kinh tế Trần Công Hải, Phòng An ninh kinh tế - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, xác định được nhiệm vụ quan trọng của đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của đất nước nói chung nên ngay từ đầu khi đường dây đi vào vận hành, Công an thành phố Đà Nẵng đã cử cán bộ cùng với Công ty Truyền tải điện 2 tham mưu, khảo sát và có ý kiến đồng hành cùng bảo vệ an toàn đường dây. Công ty Truyền tải điện 2 phát hiện các phương thức thủ đoạn ảnh hưởng đến an toàn đường dây và Công an thành phố kiểm chứng, hỗ trợ, cung cấp các biện pháp phòng ngừa.
 
Đặc biệt, từ tháng 8/2018, sau khi công bố quyết định 1944/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Công an thành phố Đà Nẵng đã thành lập chốt bảo vệ TBA 500kV Đà Nẵng với 8 cán bộ chiến sỹ trực 24/24 giờ, chia làm 3 ca, 5 kíp. Thượng úy Trần Phước Vinh, Đội trưởng Tiểu đội chốt bảo vệ TBA này cho biết, Tiểu đội có nhiệm vụ hỗ trợ an ninh trong trạm và bảo vệ an ninh trật tự vòng trong, vòng ngoài trạm. Do vậy, an ninh trong khu vực TBA 500kV luôn được đảm bảo. 
 
Một khó khăn theo như lời Thiếu tá Trần Công Hải nhắc đến đây là công trình an ninh quốc gia nên các vấn đề pháp lý rất quan trọng. Nếu người dân vẫn sinh sống dưới hành lang an toàn đường dây thì sẽ phải cấu thành yếu tố hình sự nhưng hiện nay thì chúng ta vẫn tập trung tuyên truyền là chính. Do vậy rất khó có để người dân tuân thủ không vi phạm.
 
Nhìn nhận lại qua hơn 20 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện, đặc biệt trong phối hợp bảo vệ Hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia  (EVNNPT) và Tổng cục An Ninh - Bộ Công An cùng lực lượng công an các cấp đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện lưới điện 500kV nói riêng và Hệ thống truyền tải điện Quốc gia nói chung.
 
Qua công tác phối hợp với lực lượng công an, một số đối tượng trộm cắp phụ kiện lưới điện đã bị bắt và đưa ra xét xử với các mức án khác nhau, qua đó đã có tác động tích cực trong việc tuyên truyền người dân không phá hoại và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, phòng, ngừa được các đối tượng xấu phá hoại, trộm cắp, gây mất an toàn lưới điện.
 
Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến đường dây 500kV mạch 1 trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, Hệ thống điện Quốc gia đã có thêm 2 đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia.
 
Có thể nói nếu như tuyến đường dây mạch 1 là bản hùng ca của ý chí và khí chất của con người Việt, thì mạch 2, rồi mạch 3 đã thể hiện được sự tiếp nối thành công của các thế hệ những con người đi nối kết mạch điện trên toàn quốc. Đó là sự trưởng thành vượt bậc khi cả hai công trình mạch 2 và mạch 3 đều do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu. 
 
Câu trả lời từ thực tế đã khẳng định đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao như thế.
 
(Hết)
Mai Phương/Icon.com.vn