Hệ thống ĐMTMN công suất 189 kWp của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ
Đến nay, Điện lực Cẩm Lệ, PC Đà Nẵng đã giải tỏa hết công suất của hệ thống điện mặt trời nhằm đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, liên tục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất lắp đặt ĐMTMN ước đạt 100,69 MW, đóng góp khoảng 4% tổng nhu cầu điện của địa phương; thành phố cũng sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào việc đầu tư nguồn năng lượng mới này.
Đầu tư ĐMTMN ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ điện của hộ gia đình và của các doanh nghiệp thì sản lượng điện dư thừa phát lên lưới được đấu nối vào lưới điện quốc gia và bán lại cho ngành điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, đồng thời qua đó tăng cường sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường.
Trên địa bàn quận Cẩm Lệ, từ tháng 7/2019 mới chỉ có 133 công trình lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt là 0,938 MW thì sau đúng một năm đã có trên 392 công trình với tổng công suất là 9,120 MW. Đặc biệt chỉ tính riêng trong tháng 7/2020, Điện lực Cẩm Lệ đã tiếp nhận 08 hồ sơ xin thỏa thuận đấu nối, hòa lưới và ký kết hợp đồng mua bán điện có tổng công suất thỏa thuận 6.079 kW với tổng dung lượng TBA là 6.380 kVA.
Trong đó có 7 khách hàng đầu tư đường dây 22kV và TBA gồm 5 trạm công suất 5x1000 kVA, 01 trạm 630 kVA và 01 trạm 750 kVA chủ yếu tập trung ở KCN Hòa Cầm, các kho bãi dọc tuyến Quốc lộ 1A (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).
Các công trình đều được ngành điện thỏa thuận điểm đấu nối, kết lưới đường dây 22kV với trạm 110kV, khách hàng đầu tư trạm biến áp, đường dây 22 kV từ điểm đấu nối về trạm để giải tỏa hết công suất của hệ thống điện mặt trời. Việc các dự án có công suất dưới 1MW đang đồng loạt triển khai trên địa bàn đặt ra một vấn đề đối với đơn vị quản lý vận hành lưới điện Điện lực Cẩm Lệ là khả năng quá tải đường dây trung thế và trạm biến áp. Để chủ động giải quyết các vấn đề này, ngay từ khi tiếp nhận yêu cầu cấp điện đấu nối hòa lưới, Điện lực Cẩm Lệ đã phối hợp khách hàng khảo sát thực tế tại hiện trường, dự kiến điểm đấu nối và tính toán khả năng mang tải của xuất tuyến đường dây 22kv và TBA 110kV để tham mưu cho Công ty Điện lực Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt.
Đồng thời, đơn vị phối hợp với Đội Thí nghiệm - Đo lường để kiểm tra các thông số kỹ thuật sau khi hòa lưới, nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện tối ưu không để quá tải cục bộ vào ban ngày và non tải vào ban đêm. Ngoài ra, việc chuẩn bị và lắp đặt hệ thống đo đếm hợp bộ đo lường trung áp (bộ MOF), TU, TI, công tơ 02 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng phải tiến hành song song và kịp thời nhằm đáp ứng với tiến độ của dự án, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
Đội Thí nghiệm – Đo lường, PC Đà Nẵng sử dụng thiết bị kiểm tra các thông số kỹ thuật ĐMTMN tại Công ty CP SMART
Là một nhà đầu tư ĐMTMN có công suất dưới 01 MW tại quận Cẩm Lệ, bà Mai Thị Hải – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây lắp công nghiệp Quảng Nam cho biết, từ khi Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư ĐMTMN, Công ty đã nghiên cứu và đánh giá cao tiềm năng phát triển ĐMTMN tại Đà Nẵng. Do đó, đơn vị này đã tiến hành ký kết hợp đồng thuê mái nhà của Công ty TNHH MTV SMC tại KCN Hòa Cầm để thực hiện dự án có quy mô công suất 950kW gồm đường dây trung áp và 01 trạm biến áp 1000kVA - 22/0.4kV.
“Dù nhiều thủ tục vẫn còn mới mẻ, song ngành điện đã hỗ trợ chúng tôi rất kịp thời về các vấn đề như: thỏa thuận điểm đấu nối và giải tỏa công suất, các thủ tục để ký kết hợp đồng mua bán điện. Việc nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan đã giúp chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động”, bà Mai Thị Hải cho hay.
Việc các dự án ĐMTMN được thỏa thuận đấu nối và hòa lưới một cách kịp thời, nhanh chóng không chỉ đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, mà với các giải pháp đang được Điện lực Cẩm Lệ triển khai thực hiện sẽ góp phần vào việc giải tỏa công suất cũng như tăng cường quản lý tốt hệ thống điện, góp phần khuyến khích ngày càng nhiều hơn khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp sử dụng, đầu tư vào ĐMTMN.
Link gốc