Trạm biến áp 110kV Đồng Đế (E31).
Nhằm đáp ứng theo lộ trình và kế hoạch chuyển các TBA 110kV trên hệ thống lưới điện Khánh Hòa, từ chế độ vận hành truyền thống sang vận hành không người trực (KNT), ngay từ đầu năm 2017, PC Khánh Hòa đã xây dựng và hoàn thiện các yêu cầu để thực hiện việc đưa các TBA 110kV Diên Khánh, Đồng Đế, Vạn Giã (EDK, E31, EVG) chuyển sang vận hành KNT theo tiêu chuẩn quy định như: trang bị hệ thống giám sát, điều khiển camera, thông tin viễn thông và kết nối dữ liệu ổn định, tin cậy, liên tục với Trung tâm điều khiển (TTĐK) – Điều độ PC Khánh Hòa …
Bên cạnh đó, PC Khánh Hòa đã ban hành quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố trạm; triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại trạm; phương án phòng cháy chữa cháy tại trạm và toàn bộ cơ sở hạ tầng, trang bị tại TTĐK và các trạm biến áp 110kV EDK, E31, EVG nhằm tập hợp đủ điều kiện vận hành KNT. Đồng thời, PC Khánh Hòa cũng đã ban hành quyết định thành lập tổ Thao tác lưu động (TTLĐ) đối với các TBA 110kV KNT nói trên.
Trung tâm điều khiển Điều độ PC Khánh Hòa giám sát vận hành các TBA 110kV không người trực.
Căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu mà PC Khánh Hòa gửi cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung, đồng thời đối chiếu với các quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014 của BCT, văn bản 4725/EVN-KTSX ngày 11/11/2015 của EVN về việc định hướng trung tâm điều khiển xa và TBA KNT. Ngày 29/12/2017, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung đã có văn bản số 2469/ĐĐMT-ĐĐ thống nhất chính thức chuyển 03 trạm biến áp 110kV EDK, E31, EVG sang chế độ vận hành KNT bắt đầu từ 09 giờ 00 phút ngày 30/12/2017. Tính đến nay, PC Khánh Hòa đã nâng tổng số TBA 110kV vận hành ở chế độ KNT lên 07 trạm.
Khi các trạm biến áp 110 kV không còn công nhân trực vận hành thì các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Tất cả việc thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm được tiến hành ngay tại Trung tâm điều khiển Điều độ PC Khánh Hòa thông qua hệ thống máy tính điều khiển và giám sát. Bên cạnh đó, tín hiệu từ các hệ thống phụ trợ như camera giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động… cũng sẽ được truyền về Trung tâm điều khiển phục vụ công tác theo dõi và quản lý vận hành trạm.
Có thể nói việc chuyển các TBA 110kV sang vận hành KNT là hướng đi tất yếu và có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện Khánh Hòa theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Đồng thời, việc này cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm thời gian thao tác, xử lý sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; giảm nhân công ghi chép các thông số vận hành, giảm nhân sự tại các trạm biến áp 110kV và góp phần nâng cao năng suất lao động.