Tin thế giới

Ấn Độ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng điện

Thứ hai, 27/2/2023 | 10:24 GMT+7
Những tuần gần đây, nhiệt độ ở Ấn Độ tăng cao bất thường. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của người dân đã lên gần mức kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về một mùa hè nữa sẽ bị siết chặt nguồn cung cấp điện.

Nguồn: AFP

Mức tiêu thụ điện tăng kỷ lục

Nhiệt độ tăng cao hơn bình thường tới 11 độ C ở một số vùng trong tuần qua. Lượng điện năng tối đa của Ấn Độ sản xuất ra đã tăng mức kỷ lục 210,6GW vào ngày tháng 1.2023, tăng 1,7% so với mức đỉnh trước đó là 207,1GW khi nắng nóng dữ dội hồi tháng 4 năm ngoái, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hơn 6 năm trở lại đây. Nhu cầu điện cao điểm đã tăng 5% trong năm nay, nếu tăng thêm 3-4% nữa, Ấn Độ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác.

Thời tiết nắng nóng tại Ấn Độ bắt đầu sớm hơn bình thường, và các chuyên gia dự đoán rằng, với tình trạng bất thường như hiện tại, mức tiêu thụ điện năng sẽ tăng lên khi máy bơm tưới tiêu và máy điều hòa không khí hoạt động. Chính phủ dự kiến ​​nhu cầu điện năng cao nhất sẽ đạt 229 gigawatt vào tháng 4. Điều này khiến cho giới chức Ấn Độ lo ngại rằng mạng lưới năng lượng quốc gia sẽ gặp khủng hoảng mới, sau hai năm gián đoạn liên tiếp. Hiện nay, các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu đã được yêu cầu hoạt động hết công suất trong 3 tháng trong mùa hè để tránh mất điện và giảm áp lực đối với nguồn cung than trong nước. 

Vào mùa hè năm ngoái, nhu cầu sử dụng năng lượng của Ấn Độ đạt mức kỷ lục chưa từng thấy. Theo Bộ trưởng Năng lượng ở tỉnh Rajasthan, ông Bhanwar Singh Bhati, hiện nay các nguồn cung cấp điện đã được phân bổ cho các hộ gia đình và nông dân, tuy nhiên tình trạng nhiệt độ tăng lên bất thường vào tháng 2 khiến nhu cầu sử dụng điện có thể tăng từ 20 - 30% so với mùa hè năm ngoái. Và khi nguồn điện bị sử dụng quá mức, không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt nguồn cung cấp điện. Rajasthan là một trong những tỉnh nóng nhất của quốc gia và là trung tâm năng lượng mặt trời, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện trong những tháng mùa hè, nếu rơi vào tình trạng nhận than chậm trễ từ các mỏ ở các khu vực khác. 

Phương án cải thiện nguồn điện

Nhu cầu điện ở Ấn Độ đã tăng lên trong những tháng gần đây do thời tiết khắc nghiệt, và các hộ gia đình cũng sử dụng nhiều hơn do nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà và hoạt động công nghiệp tăng sau khi nới lỏng về các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Song, lượng dự trữ tại các nhà máy điện hiện thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45 triệu tấn mà chính phủ yêu cầu đạt được vào cuối tháng 3. Nhà máy Odisha, một trong những nhà sản xuất nhiên liệu hàng đầu của quốc gia cho biết, khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng mùa hè của Ấn Độ cũng sẽ được quyết định phần lớn bởi những nỗ lực đảm bảo đủ than được khai thác và vận chuyển. Than chiếm gần 3/4 sản lượng điện hàng năm tại Ấn Độ.

Theo Bloomberg, Ấn Độ đã đưa ra một quy định khẩn cấp buộc một số nhà máy điện than lớn nhất của nước này phải hoạt động hết công suất, khi quốc gia chuẩn bị đáp ứng nhu cầu điện tăng cao và tránh mất điện. Các nhà máy điện vận hành bằng than nhập khẩu sẽ được yêu cầu ngừng hoạt động trong ba tháng trong mùa hè để giảm bớt gánh nặng cho nguồn cung cấp than trong nước. Theo Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA), trước đây chính phủ cũng đã đưa ra quy tắc khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng điện vào mùa hè năm ngoái khi nắng nóng gay gắt gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Các nhà máy bị ảnh hưởng bao gồm nhà máy khổng lồ 4.620 megawatt của Adani Power Ltd. tại Mundra ở bang ven biển Gujarat và nhà máy 4.000 megawatt của Tata Power Co. trong cùng thị trấn. Một số nhà máy có hợp đồng cung cấp điện giá cố định này đã không hoạt động hết công suất vì họ khó cung cấp điện ở mức giá đó khi giá than nhập khẩu tăng. Adani Power đã tăng tới 5,1% vào đầu phiên giao dịch tại Mumbai. Tata Power Co tăng tới 1,7% mặc dù dự trữ than tại các nhà máy điện đã tăng gần 28% trong năm qua, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 45 triệu tấn vào tháng 3. Than sản xuất gần 70% điện năng của Ấn Độ và dự trữ đầy đủ sẽ là chìa khóa để đảm bảo cung cấp điện thông suốt trong mùa nhu cầu cao.

Chính phủ đã viện dẫn Mục 11 của luật điện vì “lợi ích công cộng lớn hơn” và lệnh này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 16.3 tới. Các nhà máy đã được yêu cầu bán điện cho người mua đã ký hợp đồng với mức giá do hội đồng chính phủ xác định, theo lệnh. Điện dư thừa có thể được bán tại các sàn giao dịch và lợi nhuận ròng từ việc bán hàng đó sẽ được chia đều giữa công ty phát điện và người mua theo hợp đồng. Luật điện lực của Ấn Độ cho phép chính phủ buộc bất kỳ nhà máy điện nào phải hoạt động theo chỉ dẫn trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như thiên tai hoặc mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Điện lực liên bang (MoP) Ấn Độ đã yêu cầu các công ty tiện ích không được cho các nhà máy nhiệt điện than "nghỉ hưu" trước năm 2030 do nhu cầu điện tăng cao. Dù chính phủ chưa đưa ra khung thời gian đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than nhưng năm ngoái chính phủ đã quyết định sẽ giảm sản lượng điện của ít nhất 81 nhà máy nhiệt điện than trong 4 năm tới. Nói cách khác, Ấn Độ không thiết lập một mốc thời gian chính thức để giảm dần việc sử dụng than. Tuy vậy, đề xuất của chính phủ không đề cập đến việc đóng cửa bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào trong số 179 nhà máy hiện đang hoạt động tại Ấn Độ hiện nay. Liên quan đến quyết định này, CEA cho hay, tất cả các công ty điện lực đều được khuyến cáo không dừng bất kỳ tổ máy nhiệt điện than nào cho đến năm 2030 và đảm bảo tính sẵn sàng của các tổ máy sau khi được cải tạo và hiện đại hóa nếu được yêu cầu.

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (DET) Jitendra Singh, về nguyên tắc, chính phủ đã phê duyệt 5 địa điểm mới để phát triển các nhà máy hạt nhân, CEA sẽ là cơ quan tư vấn cho DET trong các dự án này, và cho các công ty điện lực trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Link gốc

 

Theo: Đại biểu nhân dân