Tổng số điện năng truy thu là 31,4 triệu kWh, tương đương gần 60 tỷ đồng. Trong đó, có tới 90% đối tượng gian lận là các hộ gia đình (chiếm hơn 80% tổng số điện năng truy thu). Tiêu biểu như ông VĐL (quận Gò Vấp) bị truy thu hơn 158 triệu đồng, bà NTH (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) bị truy thu hơn 88 triệu đồng...
Số vụ ăn cắp điện của các hộ kinh doanh ít hơn nhưng tổng số điện năng bị trộm lại lớn hơn. Trong năm 2007, công ty đã xử lý 640 vụ vi phạm dạng này, truy thu giá trị tiền tương đương 5,63 triệu kWh.
Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng phòng Thi đua-Tuyên truyền Công ty Điện lực TP.HCM, nói: “Trên cơ sở đối chiếu điện năng của từng khu vực trong những khoảng thời gian khác nhau, chúng tôi có thể phát hiện ngay khu vực nào ăn cắp điện, khu vực nào hao hụt nhiều, qua đó sẽ tính được lượng điện thất thoát. Thậm chí chúng tôi còn phát hiện được cụ thể việc chênh lệch điện của từng nhà”.
Hiện Công ty Điện lực TP.HCM đã chế tạo được máy phát hiện các trường hợp ăn cắp điện mà không cần phải vào nhà dân kiểm tra.
Vấn đề đặt ra hiện nay là theo Nghị định 74/2003/NĐ-CP và Văn bản 396/SCN-QLĐN của Sở Công thương TP.HCM, những trường hợp ăn cắp điện dưới 500 kWh thì lập biên bản chuyển sang UBND các quận, huyện ra quyết định phạt. Còn trường hợp ăn cắp trên 500 kWh thì ngành điện sẽ lập biên bản, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét khởi tố. Thế nhưng toàn bộ các hồ sơ này đều bị trả lại với lý do không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu phải chứng minh được việc vi phạm xảy ra vào thời điểm nào, vi phạm kéo dài bao lâu, thiệt hại trong từng thời điểm nào. Việc chứng minh này là rất khó cho ngành điện” - ông Phong khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết công ty sẽ đề xuất UBND TP.HCM đưa tiêu chí hộ cá nhân không vi phạm sử dụng điện vào tiêu chuẩn công nhận khu phố văn hoá, gia đình văn hoá.
Theo: Pháp luật Tp.HCM