Ông Thái Phụng Nê - Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo nhà nước các dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu - đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về những điều kỳ diệu làm nên kỳ tích của Thủy điện Sơn La. Theo ông Nê, phải kể đến 6 yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là thiết kế kỹ thuật do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 - tư vấn chính của dự án. Thiết kế kỹ thuật (TKKT) được tiến hành trong 3 năm (2004 - 2006). Trong thời gian đó, tư vấn thiết kế đã đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo có giá trị kinh tế, đặc biệt tạo điều kiện giảm thời gian xây dựng so với quy định tại quyết định đầu tư. Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) của dự án đã được xem xét công phu để luận chứng các cơ sở kinh tế - kỹ thuật trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Chính phủ ban hành quyết định đầu tư.
Dự án Thủy điện Sơn La được thực hiện theo cơ chế đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, TKKT được chia làm 3 giai đoạn: TKKT các công trình dẫn dòng; TKKT giai đoạn 1 (TKKT1); TKKT giai đoạn 2 (TKKT2). Quy định này tạo điều kiện cho việc tiến hành thiết kế và thi công sớm các công trình dẫn dòng (2004-2005) và sớm tiến hành đào móng các công trình chính (2006-2007) khi chưa hoàn chỉnh để phê duyệt TKKT (TKKT2).
Tháng 6/2004, TKKT các công trình dẫn dòng được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt, trong đó Tư vấn thiết kế đã đưa ra đề xuất “Bố trí cống dẫn dòng kiệt tại vị trí của tường bê tông trọng lực, thay thế tường này làm công trình ngăn các kênh dẫn dòng với hố móng lòng sông.” Sáng kiến này vừa giúp giảm khối lượng, vừa giảm được thời gian xây dựng.
Tháng 7/2006, TKKT2 được duyệt, trong đó tư vấn thiết kế lại đề xuất thay biện pháp đổ bê tông đập dâng bằng công nghệ dầm lăn với phụ gia khoáng là tro bay của Nhiệt điện Phả Lại được tuyển chọn lại. Đó là kết quả của 3 năm nghiên cứu sáng tạo trong phòng thí nghiệm và tại các bãi thực nghiệm ở hiện trường. Điều khó nhất là đã tìm ra công nghệ tuyển lại (giảm lượng than chưa cháy trong tro bay dưới 6%) mà ban đầu tưởng chừng không thể làm được. Áp dụng công nghệ tiên tiến này của thế giới vừa làm giảm giá thành xây dựng, vừa tăng được về cường độ đổ bê tông đập dâng bình quân đến 120 ngàn m3/tháng, giảm thời gian xây dựng.
Trong thời gian lập TKKT, tư vấn thiết kế đã dành nhiều thời gian để tham khảo các tiến bộ về phương tiện vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng, những thành quả đã đạt được của Công ty Vận tải đa phương thức (Bộ Giao thông vận tải). Từ việc nghiêncứu đó, tư vấn thiết kế đã đề xuất thay phương án nhà máy 8 tổ máy (8 x 300 MW) bằng phương án nhà máy 6 tổ máy (6 x 400 MW); thay phương án máy biến áp 1 pha bằng máy biến áp 3 pha. Với đề xuất này, trọng lượng kiện hàng vận chuyển lên tới 280 tấn so với 100 tấn khi xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Đề xuất này không những có thể giảm khối lượng xây dựng mà còn giảm đáng kể thời gian thi công.
Yếu tố thứ hai làTổ hợp nhà thầu xây lắp do Tổng công ty Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà – tổng thầu; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) là các nhà thầu phụ. Các nhà thầu này đều là những đơn vị thi công thủy điện năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm. Họ ra quân vào cuối năm 2003 để triển khai xây dựng mặt bằng công trường và đồng thời tận dụng thời gian chuẩn bị công trường 2 năm (2004-2005) để thi công các công trình dẫn dòng khi nhận được thiết kế. Họ làm nên một sự kiện chưa từng có: Lễ khởi công đồng thời là Lễ ngăn sông ngày 2/12/2005, ngăn sông sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của quyết định đầu tư.
Điều đáng khen ngợi là suốt 6 năm thi công, các nhà thầu luôn hoàn thành đúng hạn.
Tổng thầu đã thành công trong việc mua sắm và lắp đặt kịp thời hệ thống trạm trộn, trạm làm lạnh năng suất 720 m3/h của CHLB Đức đồng bộ với hệ thống băng chuyền vận chuyển hỗn hợp bê tông đầm lăn của Nhật Bản. Đó là những thiết bị thi công hiện đại được sử dụng ở các công trình đập lớn trên thế giới. Cán bộ, công nhân lành nghề sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại, đã hoàn thành đắp đập bê tông đầm lăn 2,7 triệu m3 trong 32 tháng (1/2008 - 8/2010), sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của quyết định đầu tư. Họ đã làm nên một kỷ lục về cường độ đắp đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam: 8.000 m3/ngày và 190.000 m3/tháng, lên đập 18 m3/tháng, gần bằng cường độ đắp bê tông đầm lăn ở Trung Quốc (240.000 m3/tháng).
Yếu tố thứ ba,Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện là Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La - Chủ đầu tư thực hiện tốt điều hành - điều độ trên công trường. Một yếu tố hàng đầu đã đưa dự án đến thành công là chủ đầu tư đảm bảo vốn, thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành hàng tháng cho các nhà thầu.
Chủ đầu tư đã rất linh hoạt khi tổ chức thực hiện một đề xuất đáng giá có một không hai do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đưa ra và chế tạo là sử dụng “cầu trục chân què” để tiến hành “thử khô” cửa van sự cố cửa xả sâu của công trình xả lũ vận hành và cửa van sửa chữa, lưới chắn rác của cửa nhận nước nhà máy khi các công trình này còn đang xây dựng dở dang ở cao độ thấp. Nhờ có giải pháp này, việc tích nước hồ chứa để chạy các tổ máy được tiến hành đúng tiến độ.
Nhiều chuyên gia đến kiểm tra và thăm công trình đang xây dựng đều có nhận xét thống nhất: Hiếm thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thực hiện dự án trên công trường như vậy.
Yếu tố thứ tư là UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu - chủ đầu tư của các dự án thành phần về di dân, tái định cư (TĐC).
Dự án di dân TĐC của Thủy điện Sơn La có khối lượng lớn nhất từ trước đến nay, hơn 30 nghìn hộ dân chịu ảnh hưởng, trong đó hơn 20 nghìn hộ dân phải di chuyển. Kết hợp với công tác di dân ở công trình quan trọng quốc gia, dự án đã phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm… thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc. Xuất phát từ yêu cầu đó, Quốc hội chủ trương tách công tác di dân, TĐC thành các dự án thành phần do Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan làm chủ đầu tư. Đây là chủ trương sáng suốt và đúng đắn vì chỉ có lãnh đạo địa phương, người sát với dân và là đại biểu lợi ích của địa phương mình mới đảm nhiệm được nhiệm vụ khó khăn và rất phức tạp có tính xã hội này.
Rút kinh nghiệm từ 2 khu di dân thí điểm Tân Lập (Sơn La) và Si-Pa-Phìn (Lai Châu cũ) theo hình thức nhà nước xây dựng nhà ở cho dân, phương án sản xuất theo hướng hiện đại (nuôi bò sữa, trồng chè Đài Loan…), UBND các tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn hình thức khoán tiền cho dân (bằng giá trị nhà ở do nhà nước xây dựng). Điều này đã giúp người dân tận dụng vật liệu nhà cũ tự xây dựng nhà cho mình tại khu, điểm TĐC phù hợp với quy hoạch chi tiết; phương án sản xuất được chọn theo hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ dân trí để đảm bảo ổn định cuộc sống trước mắt và từng bước phát triển toàn diện, bền vững nhiều năm sau TĐC.
Yếu tố thứ năm là Bộ Giao thông vận tải - Chủ đầu tư của dự án thành phần các công trình giao thông tránh ngập đã chỉ đạo các đơn vị giao thông hoàn thành đúng hạn cầu Pa-Uôn và đoạn tránh ngập quốc lộ 279; cầu mới Hang Tôm và đoạn tránh ngập của quốc lộ 12. Đây là hai trong các cầu kết cấu hiện đại, có chiều cao lớn nhất, nhì trong nước.
Yếu tố thứ sáu là Ban chỉ đạo nhà nước về Dự án thủy điện Sơn La do Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban đã hoạt động thực sự hiệu quả, giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành, bổ sung đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách và hướng dẫn về quản lý, thực hiện các dự án thành phần, tổ chức kiểm tra điều độ đều đặn hàng tháng, 6 tháng và khi cần thiết; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Đến thời điểm này, 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW đã được hoàn thành. Nhà máy về đích sớm hơn 3 năm, đồng nghĩa với việc cung cấp cho nền kinh tế quốc dân ngoài kế hoạch 30 tỷ kWh điện năng, tương đương giá trị 1,5 tỷ USD. |