Trao giải cuộc thi tiếng hát công nhân ngành điện. Ảnh: Đ.L
Tôi đã phải thốt lên rằng: “Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ơi, hãy đến xem công nhân làm nghệ thuật mà học tập tính sống động, hồn nhiên và mới mẻ, học tập cách làm văn nghệ bậc cao trong giai đoạn mới…”. Cuộc thi: “Tiếng hát CNVCLĐ ngành điện” là một ví dụ sống động.
Ấn tượng 1: Quy mô và cách thi
Được tổ chức đầu tháng 11.2012, Hội thi “Tiếng hát CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực VN” là một cuộc thi có tới 138 thí sinh dự thi đơn ca, đây là một quy mô thi lớn. Có nhiều đoàn như TCty Truyền tải điện Quốc gia, TCty Điện lực Miền Trung, TCty Điện lực Miền Bắc, TCty Điện lực Hà Nội, TCty Điện lực TPHCM cử đến hội thi trên dưới 10 người, trong đó có nhiều giọng hát xuất sắc. Nhiều đơn vị xa xôi cũng tích cực gửi thí sinh về góp mặt như: Thủy điện Sơn La, thủy điện Yaly, thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Sông Tranh, thủy điện Bản Vẽ v.v...
Cuộc thi được Bộ VHTTDL cùng Tập đoàn Điện lực VN chỉ đạo, Công đoàn ngành điện và Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức nên giải thưởng là của quốc gia, chứ không phải nội bộ tự khen nhau. Đấy là cuộc thi đơn ca phong trào tầm quy mô quốc gia, những tấm huy chương được trao thật xứng đáng.
Việc chọn cách thi chuyên sâu giọng hát, phân ra ba dòng: Thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ cũng là nét mới, táo bạo và có hiệu quả, hướng tới một phong trào ca hát có chất lượng cao.
Ấn tượng 2: Chất lượng nghệ thuật
Trong 138 thí sinh với gần 70% đạt yêu cầu thì có khoảng 20% là giọng hát xuất sắc (24 huy chương vàng, huy chương bạc). Thật bất ngờ là có những giọng hát rất truyền cảm, với kỹ thuật cao. Nghe các thí sinh này hát ta có cảm tưởng đang nghe họ hát ở các cuộc thi chuyên nghiệp. Mới hay rằng, quần chúng chính là chiếc nôi tạo ra chuyên nghiệp, tạo ra nhân tài. Họ là những người lao động thực thụ, công tác gắn bó trong ngành điện hàng chục năm, giờ trên sân khấu họ là ca sĩ, làm chủ tác phẩm, làm chủ sân khấu, diễn xuất, bản lĩnh, sáng tạo như những người chuyên nghiệp dày dạn. Tôi thật sự thán phục và kính nể họ, những người công nhân hát chẳng kém gì “sao”. Họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống vào tác phẩm nên lay động lòng người. Không chỉ có thế, trong cuộc thi, các tác phẩm, ca khúc nổi tiếng, kinh điển, đòi hỏi kỹ thuật cao, phong cách biểu diễn thuần thục, sống động, đều được các thí sinh không ngần ngại chọn để thể hiện. Như “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Trên đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương), “Ta tự hào đi lên ơi Việt Nam” (Chu Minh), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Người con gái sông La” (Doãn Nho) và một số bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến, Phạm Minh Tuấn, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý... được rất nhiều thí sinh chọn hát thành công. Phải có một trình độ chuyên môn cao mới hát được những tác phẩm kinh điển, nổi tiếng như vậy, đây thực sự là phong trào chất lượng cao.
Trong hội thi, lãnh đạo CĐ Điện lực VN đã công bố 10 tác phẩm, ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và cán bộ trong ngành, viết về điện lực, nhằm tìm ra bài hát hay, bài hát truyền thống cho ngành. Các bài hát này theo ý kiến tôi là khá và tốt, cuộc vận động như thế là thành công. Cái quan trọng là CĐ ngành đã đi đúng hướng, là vừa đầu tư ca hát, vừa đầu tư tác phẩm, “đi 2 chân” như vậy là cách đầu tư có chiều sâu cho phong trào phát triển vững chắc.
Hội thi đã xong, trong tôi vẫn âm vang một chân lý giản dị: Rằng nghệ thuật đỉnh cao không phải chỉ là một đặc ân cho một “khu vực người trời cho”, mà dành cho tất cả những ai biết yêu nó, sẵn sàng hiến dâng cho nó. Văn nghệ công nhân viên chức của các tập đoàn kinh tế là phong trào văn nghệ “chất lượng cao”, tại sao không? Tôi đảm bảo rằng Tập đoàn Điện lực VN là một trong những đơn vị có nhiều người hát hay nhất Việt Nam. Mấy ngày hội thi, tôi nghĩ “nếu có trăng thì sao vẫn sáng”. Sao của người lao động càng sáng hơn! Tôi luôn cổ súy và tôn vinh những ngôi sao như vậy!
Nhạc sĩ - Thiếu tướng An Thuyên