Nhà máy nhiệt điện than tại Hamburg, Đức (Ảnh: AP)
Tuần qua tiếp tục chứng kiến những căng thẳng liên quan đến động thái mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ, cho thấy quyết tâm của EU trên con đường tiến tới một sự tự chủ về năng lượng.
Tuy nhiên, khác với dầu mỏ, có thể thấy một sự chùng chình của EU trong quyết định về giá trần khí đốt. Trong cùng 1 ngày, ngay sau khi các Bộ trưởng năng lượng EU thống nhất về mức giá trần 180 Euro/1 MegaWatt giờ, Ủy viên EU phụ trách năng lượng bà Kadri Simson đã lập tức phát biểu rằng EU sẵn sàng đình chỉ kích hoạt cơ chế này nếu rủi ro lớn hơn lợi ích.
Sự thận trọng này được đặt trong bối cảnh giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp 6 lần, giá điện thì tăng gấp đôi kể từ đầu năm, kéo theo lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao nhất trong 24 năm qua. Và hiện là thời điểm vấn đề khí đốt tại châu Âu nhạy cảm hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm khi châu Âu đang giữa mùa đông băng giá, với nỗi ám ảnh về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt khi mà sưởi ấm chiếm tới 80% nhu cầu khí đốt trong các gia đình ở châu Âu.
Nỗi ám ảnh mùa đông của châu Âu
Châu Âu đã bước vào mùa đông lạnh giá. Từ đầu tháng 12, luồng không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống phần lớn khu vực Tây Bắc của châu Âu khiến nhiệt độ giảm xuống mức đóng băng tại Berlin, London, Paris…
Bà Mary Obomesen, người dân Anh, chia sẻ: "Lý do tôi thường đến thư viện là vì ở nhà tôi rất lạnh và chúng tôi không dám bật máy sưởi lâu. Do tôi không đủ khả năng trả hóa đơn tiền điện".
Ông Zissis Giakopoulos, người dân Hy Lạp, cho biết: "Chi phí để sưởi ấm năm nay tăng cao nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng vượt qua mùa đông".
Theo dự báo của Văn phòng Khí tượng Anh, nền nhiệt tại Anh và khu vực Bắc Âu trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 vào khoảng từ -3 đến -4 độ C, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm trở lại đây.
Tại Pháp, nhiệt độ cứ giảm 1 độ C đồng nghĩa với việc công suất phát điện phải tăng thêm 2,4 GW, tương đương công suất trung bình của một nhà máy điện hạt nhân.
Mùa đông lạnh giá tại châu Âu gắn liền với nỗi lo sưởi ấm. Châu Âu từng thấp thỏm mỗi lần Nga khóa van khí đốt sang châu Âu.
Mùa đông năm 2006, bất đồng về giá khí đốt với Ukraine, Nga đóng van khí đốt trong 1 ngày, vào ngày đầu năm mới. Cả châu Âu lo lắng.
3 năm sau, cuộc chiến khí đốt gay gắt hơn, nguồn cung khí đốt tới 18 nước châu Âu gián đoạn trong 3 tuần đầu năm 2009. Hàng loạt trường học đóng cửa. Bulgaria đóng cửa nhiều nhà máy công nghiệp. Slovakia tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ủy ban châu Âu nhận định tình hình mùa đông 2009 là khủng hoảng và nghiêm trọng.
Mùa đông năm nay gây lo ngại nhiều hơn trong bối cảnh xung đột tại Ukraine.
Nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, các nhà lãnh đạo Pháp và Italy tìm đến đất nước Bắc Phi Algeria, trong khi Thủ tướng Đức công du Canada.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Canada là một quốc gia có tất cả những gì Nga có về nguyên liệu thô, khoáng sản, đất hiếm, khí đốt, Hydro, năng lượng tái tạo. Họ là một trong những đối tác hoàn hảo cho chúng ta".
Đức cũng đã khẩn trương xây dựng 2 trạm khí hóa lỏng đầu tiên của nước này chỉ vài ngày sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Trạm đầu tiên vừa được khánh thành vào cuối tuần trước.
Ông Holger Kreetz - Giám đốc vận hành Tập đoàn Năng lượng Uniper, Đức - cho rằng: "Chúng tôi đã đẩy tiến độ rất nhanh. Một dự án như thế này thông thường phải mất 5 đến 6 năm. Chúng tôi làm trong 10 tháng".
Hai trạm khác dự kiến khai trương trong mùa đông năm nay và 3 trạm khác dự kiến hoạt động vào mùa đông năm sau. Tổng công suất của các trạm khí hóa lỏng này tương đương hơn một nửa lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức qua đường ống vào mùa đông năm ngoái.
Song song với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, trong nhiều tháng qua, các nước châu Âu đều gấp rút lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước khi mùa đông tới. Tính đến hết tháng 10, các kho chứa khí đốt trên toàn EU đã được lấp đầy hơn 90%.
Khí đốt năm nay có thể chưa thiếu nhưng không phải ai cũng đủ tiền mua.
Châu Âu vẫn đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga (Ảnh: AP)
Ông Christophe Glad, người bán củi tại Pháp, chia sẻ: "Đây là một năm đặc biệt, không chỉ với tôi mà với tất cả những người bán củi. Nhu cầu gần như tăng gấp đôi. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng đang chuyển sang sử dụng củi, vì nhiên liệu hóa thạch đã tăng giá rất nhiều".
Ông Giannis Paligiannis, người khai thác củi tại Hy Lạp, cho rằng: "Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn hàng, mặc dù không ai chắc liệu quay trở lại đốt củi để sưởi ấm thì có tốt hơn không".
Trong lúc này, các cơ quan khí tượng đều đưa ra dự báo về một mùa đông lạnh hơn trên hầu hết lục địa châu Âu trong mùa đông năm nay, với mức nhiệt độ thấp hơn 5 độ C so với mức trung bình hàng năm.
EU thay thế khí đốt từ Nga
Mùa đông châu Âu thường kéo dài khoảng 3 tháng, mà theo như cách nói của Phó Thủ tướng Ukraine, đất nước cũng đang trải qua một trong những mùa đông khó khăn nhất từ trước đến nay, thì đó chỉ là 100 ngày.
Câu nói của Phó Thủ tướng Iryna Verechtchouk là: "Chỉ 100 ngày thôi rồi mùa xuân sẽ đến!". Đó là góc nhìn lạc quan.
Còn theo một mô hình phân tích của tạp chí The Economist của Anh, giá năng lượng cứ tăng 10% thì tỷ lệ tử vong trong mùa đông tại châu Âu tăng 0,6%, tương đương hơn 100.000 người tử vong.
EU hiện đang đẩy nhanh hơn bao giờ hết việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, năm 2021, Nga cung cấp khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU tương đương 155 tỷ m3 khí. Chiến sự tại Ukraine xảy ra khiến EU quyết tâm thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022, tương đương 103 tỷ m3.
Số liệu cập nhật đến ngày 15/12 của Viện nghiên cứu Bruegel của Bỉ cho thấy, châu Âu đã hoàn thành vượt mục tiêu. Riêng lượng khí hoá lỏng nhập khẩu từ Mỹ là 50 tỷ m3, các đối tác còn lại là 8 tỷ m3. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng khí đốt mới ở các nước thành viên cũng giúp châu Âu có thêm 20 tỷ m3. Còn việc hoãn đóng cửa hai lò phản ứng hạt nhân ở Bỉ và ba lò ở Đức giúp châu Âu duy trì thêm 8 tỷ m3 khí.
Kế hoạch REPowerEU đẩy nhanh việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo giúp các nước châu Âu thay thế 21 tỷ m3 khí. Ngoài ra, việc tăng sản lượng của nhà máy nhiệt điện và cam kết giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ tháng 8/2022 - 3/2023 đã giúp EU ngày càng củng cố quyết tâm thực hiện mục tiêu tự chủ năng lượng, dừng hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Nga điều chỉnh xuất khẩu khí đốt
Số liệu của phía Nga thì có khác một chút. Đến cuối năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU vẫn ở mức 100 tỷ m3, tức là chỉ giảm 50 tỷ m3. 1/3 doanh thu của Ngân sách Nga liên quan đến dầu khí. Hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga và gần 3/4 lượng khí đốt xuất khẩu đến khu vực châu Âu.
Những con số này cho thấy, thị trường năng lượng châu Âu có ý nghĩa như thế nào đối với Nga. Đó là thị trường bán hàng lớn nhất. Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, để thay thế những khách hàng truyền thống ở châu Âu, Moscow đã nỗ lực với chính sách "xoay trục" năng lượng sang châu Á. Số liệu mới nhất cho thấy, khoảng 67% lượng dầu thô từ các cảng của Nga hướng đến châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, UAE..., tức là tăng mạnh so với mức 40% trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2.
Trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao, thu ngân sách Nga từ xuất khẩu năng lượng từ tháng 1 đến tháng 11 tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2023 mới thực sự là một phép thử nghiêm trọng đối với ngành dầu khí Nga, khi mà các lệnh cấm và hạn chế của EU có hiệu lực đầy đủ. Thâm hụt ngân sách liên bang của Nga vào năm tới được dự đoán ở mức 2% GDP, tương đương 3 nghìn tỷ Ruble, khoảng hơn 46 tỷ USD.
EU nỗ lực tự chủ năng lượng
Dù còn nhiều khác biệt song các nước châu Âu đã thống nhất áp trần giá dầu và khí đốt từ Nga. Có thể thấy, quyết định của các nước châu Âu mang ý nghĩa chính trị lớn hơn là giá trị kinh tế mang lại, thể hiện quyết tâm hạn chế các nguồn lực mà Nga có được từ dầu mỏ và khí đốt phục vụ hoạt động quân sự tại Ukraine.
Để dừng phụ thuộc nguồn khí đốt từ Nga, các nước châu Âu phải trả một cái giá đắt khi chi phí nhập khẩu khí hoá lỏng, bổ sung cho lượng khí đốt tự nhiên thiếu hụt lên hơn 50 tỷ Euro, gấp 10 lần so với mức trung bình lịch sử để tích đầy các kho chứa.
Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng phải chi hàng tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận khí hoá lỏng, riêng chi phí đầu tư cho đội tàu chuyên chở, châu Âu phải bỏ ra khoảng 35 tỷ USD.
Đây là một trong những lý do chính khiến EU lâu nay một mặt đề ra mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nhưng mặt khác vẫn trì hoãn điều này. Thách thức về chi phí cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng trong nội bộ khối liên quan đến việc áp giá trần hay các biện pháp trừng phạt khác đối với dầu hay khí đốt của Nga.
Hãng Bloomberg ước tính rằng, việc từ bỏ khí đốt của Nga đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do chi phí tăng cao. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ.
Đó là câu chuyện của đất nước Litva bên bờ biển Bantích, quốc gia đứng thứ 16 trong số 27 thành viên EU về diện tích và thu nhập bình quân đầu người. Gần một thập kỷ trước, nước này đã xây dựng một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi, với tên gọi rất có hàm ý là "Độc lập". Trạm khí đốt này cho phép Litva giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga và đàm phán mức giá phải chăng hơn với Gazprom.
Quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng an ninh năng lượng này giờ đây đã mang lại thành quả, đưa Litva trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga.