Có cơ hội để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong nhiều ngành sản xuất khác nhau tại nước ta. (Ảnh minh họa)
Việt Nam nằm trong trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao về cơ sở sản xuất và tạo việc làm. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển và trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới với tổng doanh thu xuất khẩu hàng dệt may đạt 34 tỷ USD vào năm 2020.
Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm nay, Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực sản xuất bền vững và thích ứng với khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh để hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
Mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến với các nhà sản xuất trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo nhấn mạnh vào cơ hội tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong nhiều ngành khác nhau.
Các bài thuyết trình đã chỉ ra tiềm năng đáng kể của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà từ Shire Oak - một công ty phát triển năng lượng mặt trời của Vương quốc Anh, cũng như tổng quan về thỏa thuận mua điện trực tiếp từ công ty luật Allens.
Trong hội thảo, các bên ký kết sáng kiến toàn cầu RE100, bao gồm cả Heineken, New Balance, 3M, H&M và Intel đã chia sẻ về nhu cầu tiếp cận ngày càng cao với năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất của họ trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của đại diện đến từ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản và Anh quốc tại Việt Nam, nêu bật mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Vương quốc Anh và Nhật Bản trong hành động vì môi trường trước thềm Hội nghị COP26 vào tháng 11.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Sharma cho biết: "Năng lượng tái tạo cung cấp một giải pháp rõ ràng và bền vững cho nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Việt Nam có những tiềm năng đáng kể như tốc độ gió cao ở miền Nam và lượng bức xạ mặt trời lớn trên phần lớn đất nước. Điều này giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tăng tỷ trọng trên tổng lượng năng lượng tái tạo. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu như các quý công ty tại đây ngày hôm nay cần thể hiện khả năng dẫn đầu trong việc ưu tiên sử dụng năng lượng sạch trên các thị trường mà các vị đang hoạt động".
Sự kiện đã nhấn mạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với các mục tiêu của liên minh RE100, nhu cầu ngày càng gia tăng trong tăng cường triển khai năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Sáng kiến RE100 tập hợp các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động kinh doanh của họ. Các công ty thành viên của RE100 đã cam kết sẽ bù đắp 100% điện năng được sử dụng trong các hoạt động của họ trên toàn cầu của mình bằng lượng điện sản xuất từ các nguồn được tái tạo, muộn nhất là năm 2050. Nhiều công ty RE100 còn đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện được sớm hơn. Năm ngoái, 42% thành viên mới của RE100 đến từ châu Á - Thái Bình Dương.
Theo: Đảng CSVN