Nhà máy điện sinh khối ở Braxin
Công ty nguồn điện hạt nhân của Pháp Areva đã mua 70% cổ phần của công ty Koblitz (Braxin) chuyên về cung cấp các giải pháp tích hợp về sản xuất điện và phát điện và nhiệt, kết hợp từ các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Người sáng lập công ty này là Luiz Otavio Koblitz và một số cán bộ quản lý khác của công ty sẽ giữ lại 30% cổ phần.
Việc mua cổ phần này nằm trong tham vọng dài hạn của công ty quốc doanh nói trên. Công ty hiện đang bận rộn với việc tích góp đầu tư về NLTT tương xứng với năng lực điện hạt nhân của mình, tạo nên một sự kết hợp mà họ coi là hùng mạnh, không thải cacbon, phù hợp với xu thế chính trị hiện nay, và đương nhiên là cả vấn đề thay đổi khí hậu. Ông Bertrand Durrande, phó chủ tịch của đơn vị kinh doanh NLTT thuộc Areva cho biết: “Việc mua cổ phần này là một bước quan trọng đối với hoạt động của chúng tôi trong lĩnh vực sinh khối. Sau việc mua Multibrid vào năm 2007, thương vụ này khẳng định quyết tâm của tập đoàn muốn thành lập ngành công nghiệp NLTT". Ông ta lẽ ra cũng nên nhắc đến chuyện Areva buộc phải có tầm nhìn xa hơn để củng cố vị thế về NLTT sau khi thua Suzlon trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát hãng chế tạo hàng đầu về tuabin gió REpower hồi năm 2007.
Việc mua cổ phần này cũng củng cố vị thế của tập đoàn Areva ở Braxin, nơi mà NLTT, chủ yếu là thủy điện, đang cung cấp tới 90% nhu cầu điện năng. Quốc gia này còn có một nền công nghiệp sinh khối mạnh tập trung vào nguồn bã mía sẵn có, phế liệu của ngành công nghiệp đường khổng lồ của Braxin. Theo dự kiến, việc sử dụng đường mía, bã mía sẽ tăng thêm 50% trong 5 năm tới do mở rộng sản xuất ethanol. Do đó thị trường năng lượng tái tạo của Braxin hứa hẹn tiềm năng to lớn với tổng công suất yêu cầu gia tăng mỗi năm ít nhất 5% (5 GW) để tránh tình trạng thiếu điện. Một ngày nào đó, sinh khối bã mía sẽ cung cấp một lượng điện năng tương đương vài nhà máy điện hạt nhân.
Theo công ty Areva, họ sẽ cung cấp cho Koblitz những kỹ năng về quản lý dự án và kỹ thuật, mua sắm và thi công, cần thiết cho việc xây dựng các nhà máy điện theo phương thức “chìa khóa trao tay”. Việc bổ sung này chưa hẳn đã là cần thiết nếu xét thành tích hoạt động của Koblitz, nhưng chắc chắn Koblitz sẽ được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ tài chính và mạng lưới bán hàng quốc tế của Areva.
Areva đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân Angra 2 và hiện nay đang trở thành đấu thủ then chốt ở Braxin với doanh thu bán hàng năm 2006 lên tới 211 triệu euro và có trên 1.200 nhân viên. Trong lĩnh vực truyền tải và phân phối, Areva có nhiều cơ sở sản xuất tại Interlagos, Itajuba và Canoas. Hoạt động toàn cầu về NLTT của Areva chủ yếu tập trung vào gió, sinh khối và hyđrô đã được sáp nhập lại thành một đơn vị kinh doanh từ hồi tháng 11/2006. Areva coi chúng như một sự bổ sung tự nhiên cho các hoạt động về điện hạt nhân mà họ đang xúc tiến dưới khẩu hiệu “cung cấp điện năng không phát thải CO2”.
Sự có mặt của sinh khối
Trong tất cả các NLTT, thì sinh khối được nhiều người coi là hiệu quả nhất về chi phí và linh hoạt hơn cả trong sản xuất điện và nhiệt năng, đặc biệt khi nhiên liệu sinh khối rắn cần thiết được trồng theo một phương thức hiệu quả, ví dụ như ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới mà sinh khối đang thu hút sự chú ý của nhiều công ty năng lượng lớn, trong đó một số công ty đang đầu tư vào lĩnh vực này. Riêng Areva hiện có 20 nhà máy điện sinh khối đang vận hành hoặc đang xây dựng trên toàn thế giới với tổng công suất 220 MW. Sáu nhà máy điện trong số đó đặt ở Braxin.
Nhà máy điện Lages Bioenergetica (Braxin)
Năm 2005, đơn vị truyền tải và phân phối mới được Areva mua hồi đó (một phần của việc cơ cấu lại do chính phủ Pháp dàn xếp để cứu Alstom khỏi lâm vào phá sản) đã giành hợp đồng chìa khóa trao tay giá trị 16,6 triệu euro để xây dựng hai nhà máy điện sinh khối công suất 12,3 MW tại bang Parana (Braxin). Hợp đồng này với công ty CCC Machinery của Đức - một công ty con của Munchmeyer Petersen, cũng đã giao cho đơn vị truyền tải và phân phối của Areva nhiệm vụ kết nối hai nhà máy điện mới vào lưới điện.
Các nhà máy điện này được khởi động và đưa vào vận hành lần lượt vào tháng 2 và tháng 6 năm 2006. Nhiên liệu của các nhà máy này là mùn cưa, vỏ cây và các phế liệu của nhiều xưởng chế biến gỗ và đóng đồ gỗ trong vùng.
Dự án trên là một phần trong chương trình khuyến khích phát triển NLTT của Braxin mang tên PROINFA và góp phần thực hiện mục tiêu của nhà nước là đến năm 2022, 10% sản lượng điện toàn quốc từ các nguồn năng lượng sạch.
Tiếp đó vào tháng 3 năm 2007, Areva đã giành được các hợp đồng trị giá trên 70 triệu euro về xây dựng sáu nhà máy điện sinh khối (bốn nhà máy ở Braxin và hai nhà máy ở Thái Lan). Bốn nhà máy điện ở Braxin - là đơn đặt hàng lớn nhất kiểu chìa khóa trao tay mà bộ phận NLTT của Areva nhận được từ trước tới nay, có công suất tổ máy từ 10 đến 12 MW, chạy bằng phế liệu gỗ và các loại phế liệu nông lâm nghiệp.
Các nhà máy điện này dự kiến cung cấp điện với giá cạnh tranh tới các vùng nông thôn, nơi chúng được lắp đặt và đạt được các chứng chỉ về giảm phát thải cacbon có thể mua bán theo Nghị định thư Kyoto.
Giới thiệu về Koblitz
Hoạt động kinh doanh then chốt của Koblitz là cung cấp các dịch vụ chìa khóa trao tay về xây dựng các nhà máy điện sinh khối và thủy điện nhỏ. Koblitz thành lập năm 1975. Từ năm 1996, Koblitz đã tham gia 76 dự án sinh khối, trong đó bao gồm 58 dự án sử dụng bã mía - phế liệu của các nhà máy đường và nhà máy rượu, với tổng công suất trên 2.000 MW. Một trong những nhà máy điện chính được chọn làm chuẩn là nhà máy điện Lages Bioenergetica (xem bản lược đồ) được Koblitz xây dựng năm 2002, cùng với công ty Tractebel (Bỉ).
Lages Bioenergetica là nhà máy phát điện và nhiệt kết hợp, công suất tổ máy phát tuabin hơi là 28 MW, với một lò hơi đốt mỗi năm 400.000 tấn phế liệu gỗ, trong đó 23 MW cung cấp cho Celesc (Centrals Electricas de Santa Catarina) và hơi nước cấp cho hai nhà máy xẻ gần đó.
Dự án này cắt giảm phát thải CO2 (mỗi năm gần 60.000 tấn) nhờ thay thế công suất nhiệt, nhưng đóng góp chính của dự án cho việc cắt giảm khí nhà kính là tránh được lượng phát thải khí mêtan từ các đống củi gỗ phế liệu mà phần lớn hiện nay phải chôn lấp, gây tác hại cho môi trường (đốt phế liệu củi gỗ ngoài trời bị cấm theo luật của bang Santa Catarina).
Theo cơ chế phát triển sạch (clean development mechanism - CDM), nhà máy điện còn có thể bán hạn ngạch cắt giảm phát thải (thường được gọi là tín dụng cacbon) ước tính trị giá 5,5 triệu USD cho giai đoạn vận hành từ năm 2004 đến 2012 do loại bỏ lượng phát thải khí mêtan, tương đương với khoảng 2.435.000 tấn CO2.
Đây cũng là dự án điện NLTT đầu tiên theo cơ chế phát triển sạch sử dụng phế liệu củi gỗ và bán điện cho lưới điện quốc gia, nhằm làm hình mẫu cho nhiều dự án khác thuộc lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế Braxin.