Ảnh minh hoạ.
Cơ quan quản lý môi trường thuộc bang Tây Australia ngày 4/5 thông báo cơ quan này vừa phê duyệt một dự án tích hợp năng lượng gió và Mặt Trời lớn nhất thế giới, trị giá lên tới 22 tỷ AUD (tương đương 13,2 tỷ USD), góp phần nhân rộng hơn nữa sự phát triển của năng lượng tái tạo, thay thế cho năng lượng truyền thống, nhằm giảm thiểu khí phát thải và bảo vệ môi trường.
Dự án nói trên có tên gọi là Trung tâm Năng lượng Tái tạo châu Á - do một nhóm tập đoàn năng lượng lớn của Australia và châu Á hợp tác thực hiện, trong đó đứng đầu là các Tập đoàn Intercontinental Energy, Vestas và CEP Energy Asia.
Cụ thể, dự án sẽ đầu tư xây dựng một hệ thống trang trại chứa 1.743 tuabin gió (mỗi tuabin cao 260m) và các tấm pin năng lượng Mặt Trời, phủ kín 660.000 hécta đất tại khu vực vùng Pilbara của bang Tây Australia.
Quá trình xây dựng kéo dài trong vòng 10 năm, bắt đầu từ năm 2025, và sử dụng khoảng 3.000 lao động địa phương.
Sau khi hoàn thành, tổng công suất của dự án có khả năng tạo ra 15 gigawatt (GW) năng lượng gió và Mặt Trời, gấp hơn hai lần rưỡi công suất năng lượng tái tạo đã được lắp đặt tại Australia trong vòng 3 năm qua.
Số điện năng mà dự án sản xuất ra sau đó sẽ được xuất khẩu sang Indonesia và có thể là cả Singapore, thông qua một hệ thống dây cáp đi qua biển.
Australia hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo.
Tính đến tháng 11/2019, hơn 50% sản lượng điện năng trên toàn hệ thống điện của Australia là năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020, Australia đã lắp đặt hàng loạt trang trại năng lượng gió và Mặt Trời tại hầu hết các tiểu bang. Trong số đó, năm 2018 là năm kỷ lục lắp đặt năng lượng tái tạo với 5,1GW, vượt xa 2,2GW của năm 2017.
Bước sang năm 2020, thủ đô Canberra của Australia đã trở thành thành phố đầu tiên ngoài châu Âu chuyển đổi sang sử dụng 100% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.
Dự kiến đến ngày 1/7, thành phố Sydney của bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia, cũng sẽ chuyển sang sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo để cung cấp điện năng cho tất các các tòa nhà và trụ sở do Hội đồng thành phố sở hữu.
Link gốc