Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nằm trong chương trình làm việc giữa Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Xanh T&J (T&J Green Energy) đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng (công nghệ theo tiêu chuẩn Châu Âu), tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng được đầu tư theo công nghệ đốt rác thu hồi nhiệt để sản xuất điện do Tập đoàn JFE Nhật Bản thiết kế, với công suất xử lý 500 tấn rác/ngày.
Với quyết tâm xử lý hiệu quả tình trạng rác thải rắn, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng, được khởi công xây dựng từ tháng 1/2022 và hoàn thành tất cả các hạng mục vào tháng 10/2023. Nhà máy này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cấp phép môi trường và tiếp nhận, xử lý chất thải rắn từ ngày 1/1/2024. Vận hành thử nghiệm từ ngày 8/1/2024 và dự kiến vận hành thương mại vào quý II/2024.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tài chính hỗn hợp Phần Lan - IFC hợp tác tài trợ số vốn vay và được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tài chính thông qua Chương trình tài trợ cho các dự án mẫu về Cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong năm tài chính 2021.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 58 triệu USD, trong đó Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ 20 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD); tổ chức tài chính Quốc tế (IFC - Thuộc Ngân hàng Thế giới) hợp tác tài trợ số vốn vay là 30 triệu USD. 10 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Khoản tài trợ trên đạt được với kỳ vọng về khả năng xử lý chất thải phù hợp của dự án và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính khoảng 600.000 tấn trong 15 năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Tetsuya Yagi - Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết đây là dự án được Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành, chính quyền hai nước hết sức quan tâm và là một trong những dự án tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Tetsuya Yagi hy vọng trước mắt, Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả việc xử lý rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời thông qua những sự hợp tác công - tư giữa hai nước, Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau hướng tới những mục tiêu lớn về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: KT/Vietnam+)
Về phía địa phương, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết trong những năm qua, địa phương này luôn xây dựng những giải pháp căn cơ nhất trong việc xử lý rác thải là đầu tư, xây dựng những nhà máy xử lý rác hiện đại. Hiện nay, mỗi ngày Bắc Ninh phát sinh 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể hàng trăm tấn rác thải công nghiệp.
Đây là nhà máy điện rác thứ 2 tại Bắc Ninh hoàn thành và đi vào vận hành. Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bắc Ninh sẽ quyết tâm xử lý triệt để rác thải bằng các nhà máy đốt rác bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Với tầm quan trọng trên, ông Khải đề nghị chủ đầu tư trong thời gian tới cần phải vận hành nhà máy liên tục, hiệu quả. Các nguồn thải phải được tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn của Việt Nam, thực hiện đúng theo giấy phép được cấp phép. Bên cạnh đó, chủ đầu tư thực hiện tốt các chế độ an sinh, đãi ngộ cho cán bộ, công nhân viên nhà máy cũng như dân cư xung quanh.
Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này có công suất xử lý 600 tấn rác thải mỗi ngày, sẽ giúp giảm lượng rác thải chôn lấp tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và ở Việt Nam nói chung; từ đó giảm thiểu các tác động đến môi trường đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt điện năng nhờ đốt rác thải và tận dụng thu hồi nhiệt năng sinh ra trong quá trình đốt để tạo năng lượng điện (tái chế nhiệt). Ước tính, nhà máy bổ sung vào lưới điện Quốc gia khoảng 100 triệu KWh/mỗi năm.
Link gốc