Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Đề tài được đánh giá đã giải quyết bài toán tiết giảm điện năng tiêu thụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải nhà kính về 0 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Giảm hơn một nửa tiền điện
Theo Thạc sĩ Lê Xuân Hải, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2030, UBND tỉnh giao ngành KH-CN chủ trì thực hiện mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm. Đây là cơ sở để hình thành đề tài “Ứng dụng mô hình điện mặt trời áp mái tại trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa”. Thông qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã khảo sát, đánh giá hiện trạng, tiềm năng khai thác điện mặt trời tại các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng 1 mô hình điện mặt trời kết nối lưới điện phù hợp với hệ thống được cố định theo hướng và xoay, thử nghiệm tại trụ sở Sở KH-CN. Từ đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp ứng dụng mô hình điện mặt trời nối lưới phù hợp cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong 24 tháng thực hiện đề tài, chủ nhiệm đề tài và cộng sự đã thực hiện khảo sát 13 trụ sở đơn vị, chọn 9 đơn vị, xây dựng 1 mô hình điện áp mái để đánh giá hiệu quả ứng dụng. Kết quả, về mặt kỹ thuật, giải pháp đã tiết giảm ít nhất 53,31% điện năng tiêu thụ từ lưới điện; chọn được phương thức kết nối phù hợp nhất với đặc thù của cơ quan nhà nước, không nhất thiết là người có chuyên môn kỹ thuật điện mới có thể vận hành được hệ thống. Đó là kết nối hệ thống điện mặt trời bằng tấm quang năng (tấm PV) cố định kết hợp bộ tối ưu công suất và biến tần trung tâm. Về mặt hiệu quả kinh tế, đề tài đã tiết giảm được hơn 53% tiền điện hàng tháng tại trụ sở Sở KH-CN.
Tính ứng dụng cao
Theo chủ nhiệm đề tài, các trụ sở cơ quan được khảo sát đều có thể lắp đặt được công nghệ điện mặt trời mái nhà (9 đơn vị); tiềm năng khai thác có thể đáp ứng từ 7 đến 10 lần so với nhu cầu tiêu thụ hiện tại. Điểm đáng lưu ý, điện mặt trời phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên (có nắng thì phát điện, không có nắng sẽ ngừng). Vì thế, trụ sở vẫn phải sử dụng đến điện lưới, nhưng nếu sử dụng thêm hệ thống điện mặt trời thì sẽ tiết giảm ít nhất 53,31% mức tiêu thụ điện lưới. Tỷ lệ này có thể cao hơn nếu nhu cầu tiêu thụ điện vào ban ngày của trụ sở tăng lên trong tương lai.
Thạc sĩ Lê Xuân Hải cho biết, theo thống kê của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, tổng sản lượng điện tiêu thụ của khối các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 ở mức 165,4 triệu kWh/năm. Nếu áp dụng đồng bộ giải pháp tiết giảm điện năng tiêu thụ từ lưới điện bằng công nghệ điện mặt trời mái nhà sẽ tiết giảm một lượng điện năng từ lưới điện rất lớn. Cụ thể, với hiệu suất tiết giảm chỉ tính ở mức 30% so với kết quả của đề tài thì vẫn có thể tiết giảm được 49,62 triệu kWh/năm từ lưới điện.
Theo Tiến sĩ Lê Cao Quyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài thực hiện có tính ứng dụng cao, đảm bảo các mục tiêu, nội dung yêu cầu đề ra. Đề tài đã giải quyết được vấn đề đặt ra từ việc áp dụng mô hình điện năng lượng mặt trời tiết kiệm điện, chỉ ra được mức tiết kiệm điện cụ thể thông qua mô hình. Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải nhà kính đưa về 0 theo chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam; tiết kiệm tiền điện cho ngân sách (mô hình tại Sở KH-CN tiết giảm được hơn 14 triệu đồng/năm).
Link gốc