Tiết kiệm điện

Bài 2. Nhiều ngành tốn điện nhưng hiệu quả kinh tế không cao- Cũng là lãng phí!

Thứ năm, 20/7/2023 | 08:54 GMT+7
Việt Nam hiện có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Trong số đó, có khoảng 2.590 cơ sở sản xuất công nghiệp và phần còn lại bao gồm các cơ sở sản xuất nông nghiệp, vận tải, công trình xây dựng.

Những cơ sở sản xuất công nghiệp thường tiêu thụ lượng điện lớn, đặc biệt là các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, giấy, dệt may, thực phẩm và các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên. Việc quản lý và tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp là một yếu tố quan trọng để giảm lãng phí điện và đóng góp vào sự bền vững của nguồn điện tại Việt Nam.

Những địa phương có nhiều cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (ENTERTEAM) cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển nên tình trạng lãng phí điện khá phổ biến. Hạ tầng của hệ thống cung cấp điện và trang thiết bị sử dụng điện trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng thường chưa đồng bộ, tiên tiến, dẫn đến tổn thất cao trong quá trình truyền tải, phân phối, chuyển đổi năng lượng đến đầu cuối sử dụng.

Theo tính toán, các ngành công nghiệp có liên quan đến sử dụng năng lượng điện lớn gồm các ngành thuộc nhóm vật liệu xây dựng như: Xi măng, thép, gạch gốm, giấy, dệt may, thực phẩm, đồ uống… Những ngành này có số lượng lớn nằm trong danh sách doanh nghiệp về sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ ban hành hằng năm, nhằm yêu cầu và buộc phải có các hành động cụ thể áp dụng về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong doanh nghiệp của mình.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, ngành xi măng đang là một trong số ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện nhất, trung bình tiêu thụ khoảng 100kWh điện/tấn xi măng. Với sản lượng hàng trăm triệu tấn xi măng mỗi năm hiện nay, tổng mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất xi măng ước khoảng hàng tỷ kWh điện. Ngoài ra, các nhà máy xi măng còn sử dụng hàng triệu tấn đá vôi, trăm nghìn tấn than, thải ra môi trường hàng triệu tấn CO2…

Dù là một trong những ngành tiêu thụ điện nhiều nhất tại Việt Nam, nhưng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của ngành này lại không tương xứng với mức tiêu thụ điện. Một số nhà máy xi măng sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu và kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu về tiết kiệm năng lượng. Để cải thiện tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của ngành xi măng, cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi công nghệ tiên tiến, tăng cường giám sát, quản lý trong quá trình sản xuất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền và giáo dục về ý thức tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp và cá nhân trong ngành xi măng.

Thép cũng là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, nhiên liệu ở quy mô lớn. Nhiều nhà máy công nghệ cũ, công suất thấp, nên hiệu suất tiêu hao năng lượng rất cao. Không những thế, tỷ lệ tiêu tốn năng lượng của ngành thép Việt Nam ở mức rất cao. Theo như các nghiên cứu trước đó, ngành thép có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20-30% tùy theo công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, để đạt được mức tiết kiệm năng lượng này, cần có sự đổi mới và áp dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam và xu hướng phát triển của ngành thép trên thế giới.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng trong luyện gang và luyện thép, trong đó giải pháp sử dụng quặng thiêu kết và quặng cầu viên (được chế biến từ tinh quặng sắt) mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy vậy việc thay đổi công nghệ, nâng cao hiệu suất, sử dụng điện hiệu quả cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tương tự, ngành giấy cũng là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn. Mức độ tiêu thụ năng lượng lớn của ngành giấy có nguyên nhân chủ yếu từ các quá trình sản xuất phức tạp, đa dạng trong quy trình chế biến gỗ và sản xuất giấy. Quá trình chế biến gỗ, nghiền, xử lý sản xuất giấy đòi hỏi sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, góp phần vào lượng tiêu thụ năng lượng lớn. Ngành giấy ở trong nước cũng bị đánh giá hiệu quả kinh tế không tương xứng với mức tiêu thụ điện năng, nhất là ở những nhà máy cũ, xây dựng từ lâu, chậm đổi mới công nghệ.

Thêm nữa, một số doanh nghiệp chưa có ý thức cao về việc tiết kiệm năng lượng. Việc sử dụng không đúng cách, không đào tạo nhân viên về tiết kiệm điện năng và thiếu quản lý năng lượng có thể dẫn đến lãng phí. Ngoài ra, các ngành công nghiệp không nhận được đủ đầu tư và hỗ trợ chính sách từ chính phủ để nâng cao hiệu suất sử dụng điện. Thiếu nguồn vốn và chính sách hỗ trợ có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cải tiến công nghệ và quy trình để tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị hiện là những loại có công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng, chưa mang lại hiệu quả năng lượng cao. Một số doanh nghiệp tận dụng, sửa lại các máy móc, thiết bị cũ… thay vì đầu tư loại hiệu quả năng lượng (có thể do khó khăn về vốn đầu tư).

Tập quán, thói quen vận hành máy móc và thiết bị của nhân viên cũng góp phần vào lãng phí năng lượng trong doanh nghiệp. Một số tình huống như sử dụng khí nén sai mục đích, không tắt thiết bị không cần thiết khi không sử dụng hoặc không duy trì, bảo dưỡng đúng cách… có thể dẫn đến tiêu thụ năng lượng không hiệu quả.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các thiết bị dây chuyển công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, là rào cản cho việc cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn đến các doanh nghiệp chưa thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Một số cơ sở sản xuất chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; không thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc định kỳ 3 năm 1 lần; ý thức phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao… Do đó việc thực hiện gửi báo cáo và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng, định mức tiêu hao năng lượng hàng năm vẫn phải đôn đốc bằng văn bản. Trong khi đội ngũ người quản lý năng lượng tại các cơ sở năng lượng trọng điểm chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa nắm rõ và triển khai được triệt để trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong tham mưu cho lãnh đạo thực hiện các biện pháp để tăng cường sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, vẫn còn một số doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm đến công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qua, chưa báo cáo đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp. Thậm chí, một số đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực hiện lập kế hoạch năm, 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng chưa có chứng chỉ người quản lý năng lượng theo đúng quy định. Tại một số đơn vị sử dụng dây chuyền công nghệ cũ chưa đồng bộ, chưa tiết kiệm năng lượng do đầu tư từ lâu, việc đầu tư thay thế dây chuyển công nghệ mới gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư, thay thế tương đối lớn.

Trong khi tại Hải Phòng, một trong những thành phố có mức tiêu thụ điện lớn và liên tục tăng cao qua các năm, trong quá trình triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng gặp vướng mắc. Một số cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có mức tiêu thụ điện từ 100.000 kWh trở lên không chấp hành nghiêm việc báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm và xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương