Do đó các bên cần hợp tác và đóng góp để giải quyết triệt để vấn đề lãng phí điện và xây dựng một hệ thống sử dụng điện hiệu quả và bền vững.
Mỗi năm cả nước lãng phí hàng tỷ kWh điện
Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm ENTERTEAM, đánh giá tỷ lệ lãng phí điện hàng năm tại Việt Nam tương đối khá cao so với tình hình chung của thế giới. Theo như nghiên cứu trước đó thì ước hiệu suất sử dụng điện từ chuyển đổi từ năng lượng sơ cấp đến năng lượng đầu cuối tại nơi sử dụng (phục vụ cho chiếu sáng, làm mát, truyền động…) chỉ khoảng xấp xỉ 35% (bình quân thế giới là 33%). Tức là để sử dụng 1kWh điện ở đầu cuối tại hộ sử dụng thì cần đến 3kWh phát điện ở đầu cấp từ nguồn năng lượng sơ cấp.
“Do đó, hoạt động tiết kiệm điện tại chỗ của doanh nghiệp, hộ gia đình đóng góp rất đáng kể và hiệu quả nhất vào tiết kiệm điện quốc giá”, ông Hiền nhấn mạnh.
Theo các báo cáo và nghiên cứu trước đó, ước tính Việt Nam đang mất hàng tỷ kWh điện hàng năm do lãng phí. Chẳng hạn, một báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm 2019 cho hay lượng điện bị mất mát (bao gồm cả lãng phí kỹ thuật và thương mại) trong hệ thống điện quốc gia là khoảng 8-9%. Theo dự báo, với sản lượng điện tiếp tục tăng, lượng điện bị mất mát cũng sẽ tăng theo.
Tổng hợp của Bộ Công Thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC)… trước đó cũng cho thấy, mức lãng phí điện của Việt Nam rất cao, từ 10-50% theo từng ngành. Điều này cho thấy tiềm năng tiết kiệm điện ở nước ta còn rất lớn và có khả năng đem lại lợi ích kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, để thực hiện được tiết kiệm điện hiệu quả, cần có sự cam kết, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức liên quan.
Thống kê của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, đến nay chỉ có 30-40% cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm duy trì hệ thống quản lý năng lượng và 91 cơ sở đã kiểm toán năng lượng trong số 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Điều này cho thấy tỷ lệ duy trì hệ thống quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng vẫn còn khá thấp. Mặc dù có quy định pháp luật yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, nhưng việc thực hiện và tuân thủ quy định này vẫn chưa được giám sát và xử lý một cách nghiêm túc. Trong khi đó, xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân lực đáng kể. Đối với một số cơ sở, việc đầu tư và duy trì hệ thống này có thể gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực.
Bên cạnh đó, chính sự thiếu ý thức về việc tiết kiệm năng lượng và tầm quan trọng của việc thực hiện hệ thống quản lý năng lượng có thể dẫn đến sự lơ là và không chú trọng trong việc duy trì và thực hiện các biện pháp tiết kiệm. Để giải quyết tình trạng này, cần có sự tăng cường giám sát, thúc đẩy việc tuân thủ quy định về hệ thống quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cơ sở, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng sản xuất và công nghiệp.
Thiếu nhận thức và ý thức tiết kiệm điện, công nghiệp với thiết bị, công nghệ lạc hậu và thiếu hiệu quả, thiếu giám sát và kiểm soát hiệu suất sử dụng năng lượng trong các quy trình sản xuất, tiêu thụ… được xem là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lãng phí điện tại Việt Nam.
Chuyên gia Mã Khai Hiền nhận định, để xảy ra lãng phí điện tại Việt Nam là do ý thức về sử dụng điện và năng lượng hiệu quả còn kém. Hoạt động tuyên truyền và tập huấn về tiết kiệm điện chưa được phát huy hiệu quả, thực tiễn để áp dụng.Mặt bằng kỹ thuật - công nghệ về nhu cầu sử dụng điện chưa cao. Hiệu suất của thiết bị, hệ thống còn kém nên tiêu hao điện năng lớn gây lãng phí điện trong quá trình vận hành hoạt động sản xuất.
Một số ngành có chi phí điện năng (năng lượng) chiếm trong giá thành sản xuất hay dịch vụ thấp, nên chưa được quan tâm đúng mức về tiết kiệm điện, đặc biệt cấp quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Biểu giá điện bình quân của lĩnh vực sản xuất còn thấp so với biểu giá các nước khác trong khu vực và thế giới cũng chính là trở ngại trong nâng cao ý thức tiết kiệm điện của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chỉ chú trọng đến ưu tiên sản xuất và bán được hàng hoá mà chưa mang tính bền vững, tối ưu hoá ngay từ khâu phát triển dự án, xây dựng nhà máy và cả trong sản xuất vận hành. Như chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư ban đầu của các thiết bị, hệ thống, chứ chưa đánh giá cả vòng đời sử dụng thiết bị hệ thống đó bao gồm cả chí phí năng lượng, bảo trì bảo dưỡng…
Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân chính của việc sử dụng điện thiếu hiệu quả, lãng phí điện là do sự thiếu nhận thức về quản lý năng lượng và lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở sản xuất.
“Khi các cơ sở sản xuất, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, không nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, họ sẽ không thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả và không tận dụng được tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của mình”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025, giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện.
Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đặc biệt quan tâm vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối năng lượng như điện, xăng dầu. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - những tập đoàn năng lượng lớn của đất nước. Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để hồi sinh, đưa vào hoạt động dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và đang tiếp tục thúc đẩy triển khai chuỗi dự án Khí - Điện lô B Ô Môn… Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính quan tâm, thúc đẩy các dự án năng lượng quan trọng này cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề thiếu điện, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho phát triển kinh tế và xã hội.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với ngành điện tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các chính quyền địa phương và với các khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn để quán triệt, tăng cường công tác tiết kiệm điện. Bộ Công Thương cũng đã phát động “Tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023”. Chương trình nhận được sự cam kết của 63 tỉnh, thành phố, các công ty điện lực và đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Tổ chức các hội nghị, toạ đàm về tiết kiệm điện với mục tiêu đẩy mạnh các giải pháp, các sáng kiến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về việc tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn cung ứng điện cho năm 2023, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi thị trường phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu thông qua chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường.
Chuyên gia năng lượng Mã Khai Hiền cho rằng, chính sách tiết kiệm điện tại Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt đối với ngành công nghiệp cũng như hộ gia đình. Các doanh nghiệp đã nâng cao được ý thức tiết kiệm điện, chủ động triển khai thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ 3 năm/lần (nếu doanh nghiệp thuộc danh sách các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm). Từ đó kịp thời đưa ra các quyết định triển khai thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp nhằm cắt giảm chi phí vận hành, sản xuất.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều chương trình hỗ trợ, nguồn quỹ kết nối giữa doanh nghiệp với các đơn vị tín dụng nhằm thúc đẩy đầu tư hiệu quả năng lượng, đầu tư xanh, chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại hiệu quả năng lượng cao. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Bộ Công Thương) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm) trong công nghiệp, toà nhà... liên quan đến hoạt động tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi các nguồn năng lượng phân tán, nhiên liệu bền vững trong hoạt động sản xuất, như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo áp mái tự dùng, nhiên liệu sinh khối…
“Tổng thể, chính sách tiết kiệm điện tại Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong ngành công nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và giám sát là cần thiết để duy trì và nâng cao hiệu quả của các biện pháp tiết kiệm điện trong tương lai”, ông Hiền nhấn mạnh.
Bài 4. Mô hình hay ở những "thủ phủ" công nghiệp
Link gốc