Công trình điện mặt trời mái nhà tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông đã được hòa lưới điện 22 kW.
Đẩy nhanh tiến độ
Tại huyện Đam Rông, theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng, trên địa bàn huyện hiện đang có 9 dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đến hết tháng 11/2020, có 2 dự án điện mặt trời mái nhà tại xã Liêng Srônh đã hoàn thành thi công và hòa lưới điện 22 kV. Các dự án còn lại, nhà đầu tư tuy chưa hoàn thành 100% việc thi công nhưng đã có thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng và đang gấp rút chạy đua tiến độ.
Theo ông Nguyễn Văn Huy – Chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đam Rông, một điều dễ nhận ra, nhìn chung, các dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện đều có suất đầu tư dưới 1 mWp đang được các doanh nghiệp lựa chọn vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong khi thủ tục đầu tư, thi công lắp đặt dự án lại đơn giản hơn nhiều so với các suất đầu tư nhà máy điện mặt trời.
Bởi, khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp không cần giấy phép hoạt động điện lực, chỉ cần đăng ký đấu nối với bên mua điện và thực hiện đúng trình tự thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Đây cũng là một lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời dưới 1 mWp trên mái văn phòng, nhà xưởng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công để hưởng giá bán điện mặt trời theo quy định.
Còn tại huyện Lâm Hà, địa phương có nhiều dự án điện mặt trời mái nhà nhất toàn tỉnh, với 12/16 xã, thị trấn có dự án đầu tư hệ thống điện mặt trời với tổng số khoảng 120 dự án. Đa phần các dự án này do các doanh nghiệp từ nơi khác đến đầu tư, một số dự án đã bắt đầu đấu nối và bán điện cho Công ty điện lực.
Nhanh nhưng cần chắc
Trong cuộc “chạy đua” để kịp thời hạn áp dụng quyết định về giá điện mặt trời, một vấn đề khiến các cơ quan ban ngành cũng như các nhà đầu tư điện mặt trời quan tâm là chất lượng công trình.
Theo ông Võ Văn Cường - Phó Giám đốc Điện lực huyện Đam Rông: Công nghệ điện mặt trời ngày càng phát triển, chi phí đầu tư điện mặt trời ngày càng giảm nhờ giá thiết bị giảm. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ thực sự hưởng lợi và tối đa hóa lợi nhuận khi giá thành đi đôi với chất lượng. Ngược lại, nếu vật tư kém chất lượng, thi công không chuẩn kỹ thuật, hệ thống điện mặt trời không chỉ không đảm bảo hiệu suất và tuổi thọ mà còn có thể xảy ra các rủi ro mất an toàn điện, gây thiệt hại khôn lường cho chủ đầu tư. Chính vì vậy, phát triển hệ thống để kịp hưởng cơ chế mua bán điện mặt trời ưu đãi giá phải đảm bảo vừa nhanh, vừa chắc.
Để đầu tư điện mặt trời mái nhà đạt hiệu quả cao nhất, các hộ gia đình và doanh nghiệp nên ưu tiên hệ thống điện mặt trời áp mái hòa lưới, chọn vật tư chính hãng, chất lượng cao của các thương hiệu uy tín (đặc biệt là với các vật tư chính như tấm pin mặt trời, inverter…) và chọn nhà cung cấp, thi công lắp đặt điện mặt trời chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm, đã tạo dựng được tên tuổi trong ngành.
Bên cạnh đó, để đảm bảo giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời mái nhà này, Điện lực Đam Rông cũng đã nỗ lực thi công hoàn thành, nghiệm thu kỹ thuật, đóng điện đưa vào vận hành các đường dây 22 kV; xây dựng mới cũng như cải tạo nâng tiết diện thuộc các công trình đầu tư xây dựng phục vụ giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện. Việc này sẽ đảm bảo giải tỏa hết lượng công suất của các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn huyện Đam Rông, khu vực có nhiều dự án điện mặt trời mái nhà đang đầu tư xây dựng.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời và điện gió được quy hoạch. Trong đó, 6 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời sẽ có tổng công suất 379,18 mW gồm Nhà máy điện mặt trời Đạ Oai công suất 34 mW; Nhà máy điện mặt trời Đa Dâng 2 công suất 13,43 mW; Nhà máy điện mặt trời hồ Đắk Lô công suất 29,75 mW; Nhà máy điện mặt trời Tam Bố công suất 40 mW; Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Đồng Nai 2 công suất 250 mW và Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Đồng Nai 5 công suất 12 mW.
Nhiều trạm không còn khả năng đấu nối
Theo Công ty Điện lực Lâm Đồng, đến hết ngày 20/11/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 870 các công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký và đạt thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng. Trong đó, đã có 48 các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kW đến 1.000 kW đã đấu nối vào lưới điện Lâm Đồng, còn 399 hệ thống đã có thỏa thuận nhưng chưa được hòa vào vận hành thương mại. Bên cạnh đó, 423 hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất dưới 100 kW đã đạt thỏa thuận nhưng chưa được đấu nối, hòa lưới điện.
Trong khi đó, hiện nay, phần lưới điện trung áp có 18 trạm 110 kV và 415 đường dây phần lưới điện hạ áp không còn khả năng đấu nối điện mặt trời. Đặc biệt, tại các huyện phát triển mạnh điện mặt trời mái nhà như Lâm Hà, Đạ Tẻh hiện không còn khả năng giải tỏa công suất để đấu nối điện mặt trời mái nhà.
Theo quyết định của Chính phủ về biểu giá điện mặt trời mái nhà có hiệu lực từ ngày 22/5/2020, giá điện cao nhất ở mức 1.943 đồng/kWh và sẽ được kéo dài 20 năm. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cho các dự án có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ đến hết ngày 31/12/2020. Sau thời điểm kể trên, EVN dừng ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng.
|