Bài toán nhân lực cho ngành điện hạt nhân

Thứ tư, 11/2/2009 | 10:20 GMT+7
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng để xây dựng đội ngũ vận hành đảm bảo an toàn là điều không đơn giản.

 

Đây là những lo lắng của các chuyên gia, nhà quản lý khi chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa sẽ tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4.000MW.

Nhân lực thiếu lại yếu

Theo tính toán, nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thời điểm cần từ 6.000-10.000 người làm việc trên công trường (tùy theo quy mô nhà máy). Tuy nhiên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn cho rằng: “Nguồn nhân lực này chủ yếu là công nhân và do các nhà thầu xây dựng phải đảm nhận. Vấn  đề cần giải quyết là cần 800 người trực tiếp tham gia vận hành, bảo dưỡng nhà máy”.

 

Một nhà máy điện hạt nhân cần ít nhất 800 người vận hành, bảo dưỡng. 

Lo lắng về nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Giám đốc Viện Hạt nhân Đà Lạt, một chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhấn mạnh : “Tiềm lực hạt nhân của Việt Nam hiện chưa có gì đáng nói. Số người am hiểu lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, năng lực nghiên cứu chuyên ngành về ĐHN chưa hề có. Muốn phát điện hạt nhân năm 2020 phải động thổ công trình không chậm hơn năm 2015, nghĩa là ngay từ bây giờ đội ngũ chuyên gia cao cấp của ta phải bắt tay vào cuộc”. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ thiếu chuyên gia để làm chủ công nghệ, cái thiếu đáng sợ hơn là tính kỷ luật, tôn trọng quy chế, luật pháp của hàng nghìn con người và hệ thống quản lý. Mới bước ra khỏi nền sản xuất tiểu nông, người Việt chúng ta chưa quen với kiểu quản lý nghiêm túc này của nền sản xuất đại công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp hạt nhân. Cần phải có thời gian để học được cách tổ chức quản lý, cách thực thi luật pháp thích ứng với một công nghệ có nhiều tiềm năng mất an toàn như điện hạt nhân . 

Sẽ có Trung tâm đào tạo kỹ sư công nghệ ĐHN

Hiện ở Việt Nam có 4 trường đại học có khoa hay bộ môn về hạt nhân. Song báo cáo của Viện Năng lượng Nguyên tử cũng khẳng định: Các tài liệu, chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường về hạt nhân chưa phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo về công nghệ và an toàn ĐHN. Đội ngũ giảng viên trong các trường đại học thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù Viện Năng lượng Nguyên tử có trên 700 cán bộ đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân ở nước ta, tuy nhiên số lượng các chuyên gia có trình độ cao về công nghệ và an toàn điện hạt nhân cũng còn ít, tuổi trung bình của chuyên gia cao, các cán bộ trẻ thì thiếu kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ và an toàn ĐHN. 

Đưa ra giải pháp đào tạo đội ngũ nhân lực điện hạt nhân, ông Vương Hữu Tấn cho rằng: “Trước mắt nên quy hoạch cán bộ đã có trình độ, làm trong lĩnh vực hạt nhân hoặc trong ngành nhiệt điện đi đào tạo làm cán bộ vận hành nhà máy điện hạt nhân . Đây là cách nhanh nhất nên vấn đề đào tạo nhân lực không quá lo lắng”.

Được biết, Bộ GD&ĐT đã có đề án trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chương trình đào tạo hạt nhân trong các trường đại học. Dự kiến quý 2 năm 2009 sẽ triển khai. Viện Viện Năng lượng Nguyên tử cũng trình Bộ KH&CN đề án thành lập Trung tâm đào tạo kỹ sư về công nghệ điện hạt nhân để cùng với các trường đại học tạo ra một hệ thống liên thông.  

Tuy nhiên theo giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy Ban KHCN&MT của Quốc hội: “Sau khi đã tốt nghiệp, không dưới 5 năm mới có thể đảm đương các công việc, áp dụng kiến thức giải quyết các tình huống phức tạp xảy ra trong nhà máy điện nguyên tử. Vì vậy ngay từ bây giờ, cần cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài”.

Theo lộ trình, năm 2015, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW, sau đó sẽ lần lượt đưa vào sử dụng các tổ máy tiếp theo. Kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là đào tạo cơ bản là rất quan trọng.

Theo Đất Việt