Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện

Thứ sáu, 4/12/2009 | 10:10 GMT+7

Mặc dù gặp nhiều vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn thanh toán, song với tinh thần chủ động, từng bước giải quyết các khó khăn, thời gian qua, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam (Ban AMN) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch được giao, tập trung hoàn thành nhiều công trình lưới điện trọng điểm, kịp thời tiếp nhận và truyền tải hết công suất từ các nhà máy điện (NMĐ) Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Ô Môn 1, đảm bảo công tác giải ngân đạt tỉ lệ 43% so với kế hoạch.

Ban AMN và PTC4 khẩn trương hoàn thành để chuẩn bị đóng điện TBA 220kV Thốt Nốt
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Ban AMN, khó khăn lớn nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp, tiến độ các công trình bị ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân chủ yếu do dân khiếu kiện về đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ. Việc thực hiện công tác đền bù gải phóng mặt bằng (GPMB) theo NĐ 84/CP yêu cầu phải có thời gian dài trong khi thời gian phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật thường chậm dẫn đến thêm khó khăn do có nhiều phát sinh trong thay đổi; Quý II/2009 một số công trình chưa vay được vốn tín dụng thương mại nên thiếu vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành và đã quyết toán; một số công trình chưa xác định nguồn vốn vay đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và khởi công... Tuy nhiên bằng những nỗ lực của tập thể CBCNV Ban AMN, từ đầu năm đến nay, Ban AMN đã hoàn thành đóng điện đóng điện 7 công trình lưới điện Trạm biến áp 220 kV Châu Đốc, Trạm biến áp 220 kV Bến Tre,  Trạm biến áp 110 kV Tri Tôn, đường dây 110 kV Châu Đốc – Tri Tôn, Đường dây 110 kV Phú Lâm - Mỹ Tho, Đấu nối vào NMĐ Ô Môn,  đường dây 220 kV NMĐ Cà Mau - Bạc Liêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp nhận và chuyển tải công suất nguồn từ NMĐ Nhơn Trạch 1, Cà Mau 2, Ô Môn và cung cấp điện cho Campuchia qua đường dây 220kV Châu Đốc – Takeo – Phnôm Pênh.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Ban AMN đã đặt quyết tâm đưa vào đóng điện 15 công trình, cụ thể đó là  Trạm biến áp 500 kV Ô Môn;  Đường dây 500 kV Nhà Bè – Cai Lậy ; Lắp đặt máy  2 trạm Gis 220 kV Tao Đàn; các Trạm biến áp 220 kV Long An, Thốt Nốt, Kiên Lương (máy 1), Kiên Lương (máy 2), Phan Thiết Nam Sài Gòn, 02 ngăn lộ tại NMĐ Ô Môn (ĐD220 kV Cà Mau – Ô Môn 2 mạch) ; Các đường dây 220 kV Bạc Liêu – Sóc Trăng,  Hàm Thuận – Phan Thiết, Nhơn Trạch - Cát Lái, Nhơn Trạch – Nhà Bè, Ô Môn - Thốt Nốt, Tân Định - Bến Cát và đường dây 110 kV Xuân Trường - Đức Linh. Phần lớn các công trình này đều đang ở giai đoạn hoàn thiện nên có thể đóng điện cuối năm nay. Đặc biệt trong số các công trình trên, Ban AMN đã đăng ký công trình đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn và Trạm biến áp 500 kV Ô Môn là công trình gắn biển chào mừng 55 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam. Cũng trong năm nay Ban AMN  đã và đang khởi công các công trình đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định, Phú Lâm - Ô Môn (đoạn Long An - Phú Lâm); Đường dây 220 kV  Vĩnh Long - Trà Vinh và các trạm biến áp 500 kV Sông Mây; trạm biến áp 220 kV Châu Đốc (máy 2), Mỹ Tho (máy 2), Thuận An , Sóc Trăng, Vũng Tàu, Xuân Lộc và đấu nối.

Về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án tiến độ có nhanh hơn so với năm trước nhưng một số dự án vẫn chậm so với yêu cầu chủ yếu do các đơn vị Tư vấn quá tải, công tác thẩm tra trình duyệt chậm (các dự án vay vốn ODA, NPT phải trình EVN thẩm tra phê duyệt). Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn, trước hết là về vốn vẫn còn mất cân đối chưa thu xếp vốn tín dụng thương mại 409.084 triệu đồng, vốn vay nước ngoài: 222.330 triệu đồng, một số dự án đồng bộ các nguồn điện lớn chưa thu xếp được vốn như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Lương, Sông Hậu. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, một số nhà thầu yếu về năng lực tài chính, về lực lượng thi công, một số hợp đồng Ban AMN phải tổ chức đấu thầu lại dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh tiến độ.

Trong các tháng cuối năm 2009, để hoàn thành các mục tiêu đề ra lãnh đạo Ban AMN phải làm việc liên tục với từng địa phương có công trình đi qua để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng vừa đúng chủ trương, chính sách của nhà nước vừa đảm bảo quyền lợi cho dân.  Tập trung đẩy nhanh công tác trình duyệt TKKT - TDT và tổ chức đấu thầu, xét thầu để khởi công các công trình; Tình hình thực tế cho thấy, thời gian thực hiện bình quân cho các dự án 500kV giai đoạn dự án đầu tư là 15 tháng; giai đoạn TKKT-TDT là 12 tháng; Đối với các dự án 220kV thì giai đoạn DAĐT là 12 tháng; giai đoạn TKKT-TDT là 10 tháng; Thời gian  bình quân thi công thực tế đối với các công trình do đơn vị quản lý đến thời điểm này cho dự án 500kV: trạm khoảng 24 tháng; đường dây khoảng 36 tháng và các dự án 220kV là 24 tháng. Để đảm bảo tiến độ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình theo quy hoạch phát triển lưới điện NPT xem xét đề xuất EVN rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt DAĐT các dự án vay vốn ODA, đặc biệt lưu ý ưu tiên vốn cho các công trình đồng bộ với nguồn điện, tạo điều kiện cho Ban AMN chủ động trong công tác điều hành.

Khu vực phía Nam với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhiều nguồn nhiệt điện mới sẽ đi vào hoạt động là thử thách rất lớn trong việc đầu tư xây dựng lưới truyền tải trong những năm sắp tới. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm tích cực thu xếp nguồn vốn và các biện pháp đồng bộ quyết liệt từ EVN đến NPT và Ban QLDA các công trình điện miền Nam cũng như các đơn vị liên quan.

Quang Thắng